Có nên mua điện thoại xách tay "like new"?

17/08/2013 13:25 GMT+7

Tên hiệu “like new” thường để chỉ các sản phẩm đã qua sử dụng vẫn còn mới. Các sản phẩm này thường có giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới hoàn toàn. Vậy có nên mua các sản phẩm loại này?

Nhiều người thường tìm đến mặt hàng “like new” vì các sản phẩm này thường có giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty còn mới nguyên. Chẳng hạn như, tại cửa hàng Nhật Cường, siêu phẩm Galaxy S4 hàng công ty mới nguyên được bán với giá gần 15 triệu đồng nhưng hàng mới 97%, còn bảo hành chính hãng có giá 12,3 triệu đồng (cũng tại cửa hàng này), hoặc thậm chí một số cửa hàng giá còn khoảng 10 triệu đồng.
 
Galaxy S4 mới và "like new" tại một cửa hàng tuy tín có giá chênh tới hơn 2 triệu. Tại một số cửa hàng nhỏ, mức chênh này còn lớn hơn nhiều. 
 
Theo anh Trần Tùng, một người có kinh nghiệm chọn đồ "like new", anh thường lựa chọn đồ "like new" vì mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới hoàn toàn. Cách đây hai năm anh cũng lựa chọn một chiếc điện thoại BlackBerry 9930 thuộc hàng "like new" với giá gần 10 triệu đồng. Trong khi vào thời điểm đó, BlackBerry 9930 - hàng công ty mới nguyên có giá trên 15 triệu đồng.
 
"Một mức chênh rất lớn nhưng đến giờ sản phẩm này vẫn hoạt động tốt cho dù có một vài bất cập không lường trước được. Đó là vì ham rẻ nên tôi đã lựa chọn BlackBerry 9930 hoạt động trên mạng CDMA, vốn không được nhà mạng Việt Nam hỗ trợ. Tuy rằng, cửa hàng đã bẻ khóa để dùng ngon trên mạng GSM của Việt Nam nhưng thỉnh thoảng vẫn có trục trặc nhỏ ở việc truy cập Internet bằng 3G", anh Tùng chia sẻ.
 
Từ ví dụ này có thể thấy, mức chênh lệch giá giữa điện thoại mới nguyên và hàng “like new” quá hấp dẫn người mua không rủng rỉnh “túi tiền”.
 
Tuy nhiên, phải nói đây là kiểu mua “may hơn khôn”. Tức là dựa vào sự may mắn nhiều hơn và không phải ai cũng may mắn như anh Tùng có thể lựa chọn được hàng "like new" xài vài năm không hỏng.
 
Hơn nữa, việc xác định mới tới 99%, 98%... thường rất khó và các cửa hàng thường định mức độ “new” cao hơn để hấp dẫn người mua hàng. Trong khi người mua cũng khó có căn cứ để xác định sản phẩm “new” tới mức nào. Tất cả chỉ là đánh giá cảm quan khi dùng thử sản phẩm trên tay lúc mua hàng.
 
Do đó, điều đầu tiên để tránh “một tiền gà ba tiền thóc” khi mua mặt hàng này, người mua nên chọn đến các cửa hàng uy tín. Bởi vì mặt hàng này rất dễ bị luộc đồ hay bị hỏng cái gì đó mà người mua không thể kiểm tra ngay và luôn được.
 
Với các cửa hàng bán đồ điện thoại kiểu này, việc luộc đồ, thay đổi linh kiện là đương nhiên vì lợi nhuận khá cao và có thể đẩy giá xuống thấp nhằm thu hút khách hàng.
 
Hơn nữa, các cửa hàng thường rất khéo trong việc che giấu tình trạng thực sự của mặt hàng “like new”. Chẳng hạn như bị rơi, va đập, dính nước… thường bị che giấu. Có thể khi mua máy chưa trục trặc ngay nhưng sau một thời gian sử dụng mới bắt đầu có vấn đề. Đặc biệt hơn, hầu hết các sản phẩm này thường không thể đổi lại sau khi “tiền đã trao”.
 
Vì thế người mua phải rất có kinh nghiệm mua, kiểm tra đồ điện thoại, kinh nghiệm sử dụng mẫu mã, phân biệt mặt hàng tương tự. Như thế họ mới kiểm tra được hàng thật và hàng giả, kiểm tra qua một số vấn đề xem có bị trục trặc gì không? Nếu người mua không có kinh nghiệm thì phải nhờ người có kinh nghiệm đi mua cùng.
 
Ngoài ra, trước khi mua điện thoại “like new”, người mua nên tham khảo qua ý kiến và kinh nghiệm bạn bè hoặc cộng động màng về sản phẩm mình định mua.
 
Cuối cùng, người mua cần hỏi kỹ người bán về chế độ bảo hành. Chẳng hạn như hàng sẽ được bảo hành trong những điều kiện nào, bao lâu, và được hỗ trợ gì không?
 
Nhìn chung, mua loại hàng “like new”, người mua thường phải chấp nhận rủi ro nhưng cũng không loại trừ việc bạn sẽ vớ được sản phẩm tốt xài vài năm không hỏng, mà giá lại rẻ hơn nhiều hàng mới.