Dân buôn, người dùng "kêu trời" với iPhone khóa mạng

01/12/2013 07:32 GMT+7

Việc mua code để mở khóa (unlock) những chiếc iPhone khóa mạng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay tại thị trường Việt Nam, một phần lớn những chiếc iPhone đến tay người dùng theo đường xách tay, trong số đó rất nhiều là hàng locked (bản bị khóa mạng ở nước ngoài). Để sử dụng được tại Việt Nam, người dùng buộc phải mua code từ nhà mạng bị khoá để unlock thiết bị, tuy nhiên tình hình mua code để unlock iPhone hiện nay là rất khó khăn.

Quay trở lại thời gian trước đây với các dòng iPhone cũ như iPhone 3G, 3GS và 4, người dùng có thể “vượt ngục” dể dàng bằng một phần mềm có tên là ultrasn0w. Bạn có thể sử dụng bất kỳ mạng nào trên thế giới ngay trên chiếc iPhone khoá mạng. Lúc đó tất cả các nhà mạng cũng không hề chấp nhận mở khoá cho iPhone.

Tuy nhiên điều này hoàn toàn vô tác dụng với các dòng mới nhất của hãng như iPhone 4S, 5, và hiện nay là iPhone 5s và iPhone 5c. Thậm chí cả với các dòng iPhone 3GS, iPhone 4 phiên bản mới đã thay đổi phần cứng cũng như phần mềm khác nhau nên khả năng thực hiện việc mở khoá iPhone bằng phần mềm càng khó khăn.
 
Rất may là ngay lập tức lúc đó nhiều nhà mạng lớn trên thế giới như Canada, Úc, Hàn Quốc... thay đổi chính sách, chấp nhận mở khoá cho chiếc iPhone nếu đáp ứng đủ điều kiện của họ. Đặc biệt trong số này có nhà mạng AT&T của Mỹ - một trong nhà mạng phổ biến trên các iPhone xách tay về Việt Nam. Từ đó hàng loạt các dịch vụ mua code tại Việt Nam mọc ra như nấm sau mưa.
 
Người dùng như được “phương thuốc đặc trị” với iPhone "locked" bởi họ dễ dàng unlock chiếc iPhone của mình thông qua việc mua code. Quá trình mua code rất đơn giản, bạn chỉ việc bỏ một số tiền khá nhỏ, khoảng chưa đến 100.000VND (áp dụng khoảng hơn 1 tháng trước với iPhone khoá mạng AT&T, giá có thể cao hơn đối với các nhà mạng khác). Thời gian chờ đợi chưa đến 24 giờ là có thể mở khoá hoàn toàn và vĩnh viễn đối với iPhone khoá mạng. Tuy nhiên thực trạng hiện nay đã không còn như trước. Vấn đề mua code iPhone đang gặp quá nhiều khó khăn.
 
Nguyên nhân sâu xa của nó cũng chưa thực sự rõ ràng, nhưng theo nhiều thông tin thì do việc thay đổi chính sách, chế độ kiểm soát gắt gao hơn trong vấn đề mua code từ nhà mạng. Theo anh Thành - chủ một dịch vụ mua code cho biết, hiện nay nếu người dùng muốn mở khoá iPhone phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần trước đó, gần 2 triệu đồng (với iPhone 5s, 5c các dòng iPhone trước rẻ hơn đôi chút, áp dụng với nhà mạng AT&T). Thời gian chờ có khi đến 15 ngày.
 
Hơn nữa không phải bảo đảm là sẽ mua code thành công. Tỷ lệ công chỉ khoảng 80%, 20% còn lại sẽ trả về. Ngoài ra, đây chỉ mới là giá gốc. Đối với các cửa hàng dịch vụ có thể số tiền tăng lên so với giá thực tế. Thậm chí có khoảng thời gian các dịch vụ buộc phải tạm ngưng dịch vụ mua code đối với nhà mạng AT & T.
 
Trong khi đó với các nhà mạng khác ở Mỹ như T-Mobile, Verizon, Sprint cũng như quốc gia khác từ Hàn Quốc, Canada, Nhật... tình hình cũng không khác nếu không nói là tệ hại hơn. Với tình hình hiện nay nó đang ảnh hưởng khá lớn với người dùng, các server mua code, các cửa hàng dịch vụ và cả thị trường iPhone xách tay trong nước.
 
 
Bảng giá mua code iPhone nhà mạng AT&T cao ngất hiện nay.
 
Một giải pháp “chữa cháy” trong thời gian này chính là việc sử dụng sim ghép (một bản ghép xuất xứ từ Trung Quốc có khả năng đánh lừa chiếc iPhone khóa mạng cho phép sử dụng các mạng khác nhau), nhưng thực tế nó còn tồn tại quá nhiều lỗi: hao pin, mất sóng, giảm hiệu năng, nóng máy... hay như cả việc không sử dụng được 3G, không thể nhắn tin. Hơn thế với iPhone 3GS, iPhone 4 sản xuất từ năm 2012 trở lại đây chắc chắn không thể sử dụng được sim ghép và unlock bằng phần mềm được, việc mua code quá đắt gần ngang bằng với giá của máy vì thế gần như hai thiết bị này không thể sử dụng được tại Việt Nam.
 
Trên đây là thực tế vấn đề mua code đối với iPhone khoá mạng hiện nay, nó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường iPhone tại Việt Nam, nơi mà iPhone xách tay chiếm đa số. Và vẫn chưa thấy một sự khả quan đối với vấn đề này, vì thế chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc tạm chấp nhận cho đến khi có sự thay đổi trong chính sách mới của nhà mạng.