Điện không dây

28/01/2011 09:28 GMT+7

<FONT size=2>Trước khi có facebook tôi không thể hình dung một cuộc sống kết nối với bạn bè như vậy. Nhưng sau khi có facebook tôi càng không thể hình dung một cuộc sống mà không kết nối với bạn bè như vậy. </FONT>

Công nghệ là thế, giai đoạn một là không ai nghĩ tới, giai đoạn hai là không ai hiểu vì sao trước đây không ai nghĩ tới.

Tôi đoán đột phá tiếp theo sẽ là điện không dây. Công nghệ đã có, và rất dễ giải thích – giống cô béo hát opera làm vỡ cái ly. Cô béo hát, tiếng hát được chuyển qua không khí, cái ly bắt đầu rung rung. Quá trình đó vật lý gọi là cộng hưởng, nhưng bạn không cần hiểu một cách chi tiết (bởi tôi không muốn nghiên cứu để có thể giải thích một cách chi tiết). Nguồn điện bên kia hát, thiết bị trong laptop rung rung, rung rung thành tia tia, xong.

Hãy thử tưởng tượng, khi đang ngồi trong quán cà-phê máy điện thoại di động của bạn tự động sạc pin. Bạn cho laptop vào balô không cần mang theo cái adapter (phích cắm) đáng ghét với sợi dây quá rối của nó, chọn ngồi ở đâu cũng không cần lo chuyện cắm điện – sau một năm sử dụng bạn sẽ không nhớ, không hình dung được, cuộc sống thiếu công nghệ đó. Thật là một cuộc sống thoáng, tự do, phát triển.

Nhưng chưa chắc là hạnh phúc. Hiện tôi đang ở Sài Gòn, nhiệt độ bên ngoài là hai mươi mấy độ C, trời xanh, ước ao (và khát khao) của tôi có làn da màu nâu đã được thực hiện. Tôi hầu như không nhớ mùa đông lạnh rét của Hà Nội, quên hẳn cảm giác đi xe máy một tay trên ghi-đông, một tay trong túi. (Nhiều người bảo tôi là người Canada nên không sợ lạnh nhưng thực sự cái lạnh của Hà Nội kinh khủng hơn cái lạnh của Canada nhiều, nhiệt độ chỉ là một phần câu chuyện.) Mùa đông Hà Nội đã thành cảnh mơ hồ của ngày xưa, là internet khi chưa có mạng xã hội, là laptop khi chưa có wifi, là máy điện thoại khi vẫn chỉ lưu được 10 tin nhắn.

Nhưng xét về độ hạnh phúc tôi thấy không khác. Không có không khí lạnh nên tôi tìm cái khác để làm phiền tôi. Tiếng ồn. Giá xăng. Văn hóa ứng xử trong thang máy. Tôi có “quota khó chịu”: theo sếp nói mỗi năm tôi phải sản xuất đúng 4.300 cảm giác khó chịu, bất chấp sự phát triển của thế giới. Mà đôi khi thế giới càng phát triển, quota của tôi càng cao.

Có khi lúc còn chịu mùa đông lạnh thì cuộc sống của tôi còn vui hơn. Mùa đông năm 2002 tôi nhớ là rất lạnh, hồi đó nhà tôi thuê ở Hà Nội không có quạt sưởi, không ai chịu mua. Tôi lên danh sách những quán cà-phê ấm áp, có lò sưởi, có tạp chí, có ghế mềm và có ít khách để người ta có thể ngồi lâu mà không cảm thấy ngại. Cảm giác bước vào các quán cà-phê ấy vui thật, càng “vui” hơn khi thấy người đi bộ qua cửa số nhăn mặt, cho tay vào túi, chửi cái lạnh, mắng cái rét. Tôi tìm được tổ ấm của tôi rồi.

Vậy nên tôi chưa chắc những iphone, ipad, facebook, android (và đồng bọn) sẽ giúp cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng có một điều tôi rất chắc chắn – bao giờ những thiết bị điện không dây ra thị trường thì tôi sẽ là một trong những người đầu tiên mua.