Đón đầu xu hướng di động

29/09/2013 08:11 GMT+7

Các nhà cung cấp nội dung số đang ráo riết triển khai những giải pháp trên nền di động nhằm đáp ứng lượng người dùng ngày càng tăng cao

Công nghệ di động (mobility) đang là xu hướng phát triển rất nhanh tại Việt Nam; đòi hỏi của người dùng về các tính năng ứng dụng, tiện ích nội dung số trên nền di động ngày càng cao. Đây cũng là cơ hội cũng như thách thức với các doanh nghiệp (DN), nhà cung cấp dịch vụ triển khai các giải pháp mobility.
 
Nhu cầu tăng nhanh
 
Theo số liệu khảo sát sử dụng smartphone của Google vừa công bố vào giữa tháng 8, tính đến quý I /2013, tại Việt Nam có 17 triệu người dùng smartphone (điện thoại thông minh), chiếm đến 20% dân số. Nghiên cứu của Google cũng cho thấy 50% người dùng luôn rời khỏi nhà với smartphone trong tay, sử dụng smartphone truy cập internet chiếm70%, tìm kiếm thông tin 97% và mua hàng qua mạng chiếm 63%. Điều này cho thấy đây là thời điểm tốt để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số và các DN bắt đầu triển khai những giải pháp ứng dụng trên nền di động nhắm vào phân khúc thị trường tiềm năng này.
 
Các giải pháp di động cho người dùng càng tiện ích sẽ càng chiếm ưu thế

Tại hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2013 diễn ra cuối tuần qua, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, cho biết hiện nay nhu cầu mua sắm điện thoại thông minh đang tăng rất nhanh. Những tính năng, chức năng, ứng dụng dành cho di động thông minh sẽ trở nên rất quan trọng, nhiều DN ngày càng muốn hợp tác với nhau để phát triển những giải pháp cho người dùng di động. Tại Việt Nam, 56% người dùng lên mạng (online) sử dụng thiết bị di động. Thống kê các khảo sát cũng cho thấy trong vòng từ 1-2 năm, hầu hết DN sẽ triển khai các giải pháp mobility.

Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT, cho biết: “Mobility sẽ đem lại sự thay đổi lớn về năng suất lao động cho các DN. Ngoài ra, mobility sẽ giúp DN nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sức cạnh tranh trên thị trường khi cung cấp các kênh trao đổi thông tin sản phẩm/dịch vụ hữu ích và tiện lợi trên thiết bị di động. Tuy nhiên tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng mobility trong DN vẫn còn yếu, chậm hơn so với thế giới khoảng 3-5 năm. Dự kiến đến năm 2015, thị trường này mới tăng trưởng mạnh”.

Ráo riết chuẩn bị

Mặc dù cơ hội mở ra cho các DN, nhà cung cấp nội dung số là rất lớn, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì nhiều DN, nhà cung cấp dịch vụ dù đã công nhận tiềm năng của mobility nhưng việc triển khai các giải pháp, dịch vụ cho người dùng vẫn còn chậm, ít ỏi.

Theo ông Nguyễn Hoài An, Giám đốc sản phẩm 123Phim (VNG): “Đón đầu xu thế sử dụng di động, cách đây vài năm, chúng tôi đã bắt đầu đầu tư và triển khai các giải pháp trên nền di động, xây dựng phần mềm ứng dụng, phiên bản mobile cho các website giải trí, bán hàng trực tuyến. VNG cũng đã xây dựng phần mềm nghe nhạc, mạng xã hội, thoại, tin nhắn miễn phí để cung cấp cho người dùng di động. Từ năm ngoái, chúng tôi đã triển khai xây dựng phần mềm giải trí giúp người dùng tìm kiếm thông tin về phim ảnh để cung cấp cho người dùng Android và iOS ”.

Ông Nguyễn Lâm Phương cho biết: “FPT đã xây dựng các giải pháp mobility như hệ thống quản lý thiết bị di dộng, hệ thống quản lý ứng dụng di động và hệ thống quản lý nội dung di động. Các giải pháp này đã sẵn sàng đưa vào triển khai cho khách hàng. Để bắt kịp xu hướng phát triển của mobility, phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách là rất quan trọng bởi tốc độ xử lý thông tin trên nền di động rất nhanh và liên tục. Cụ thể, chúng tôi đang tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng về mobility cho nhân viên. Dự kiến đến hết năm 2013, FPT sẽ đào tạo được 300- 400 lượt nhân lực cho mảng mobility”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cơ hội cho những DN tận dụng xu hướng di động là rất lớn nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, giải pháp phần mềm khi triển khai mobility. Các thách thức có thể kể đến như định vị khách hàng, phân phối sản phẩm cho đúng tệp khách hàng và kết nối/cung cấp kênh thanh toán trên di động tiện lợi và an toàn nhất. Do tính chất khi chuyển đổi sản phẩm từ web sang mobile thì luồng thông tin diễn ra với tốc độ khá nhanh nên cần thiết phải có đội ngũ kỹ thuật tốt, linh hoạt, bảo đảm các thay đổi cấp thiết của thị trường một cách nhanh nhất.
 

Hậu PC, chuyển sang mobility

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho biết hiện có khoảng 7 tỉ kết nối di động trên toàn cầu, dự báo đến năm 2016 sẽ có khoảng 2,7 tỉ kết nối 3G. Số lượng người Việt Nam sử dụng di động vào mạng xã hội, xem video, duyệt internet thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2012, doanh thu lĩnh vực nội dung số của Việt Nam đạt 1,24 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2011. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có 131,6 triệu thuê bao di động, trong đó có 15,6 triệu thuê bao di động 3G. Người dùng có nhu cầu kết nối internet liên tục. Mạng 3G, 4G đang phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu về dữ liệu ngày càng lớn. Xã hội đang ở thời kỳ hậu PC (máy tính cá nhân) và đang chuyển sang giai đoạn mobility. Đây là cơ hội và cũng là thử thách để nhà mạng, DN triển khai các giải pháp di động cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc thị trường này.