Động đất và cáp quang biển

28/03/2011 07:41 GMT+7

(Thế giới @) - Trong sự kiện đứt cáp Internet do động đất tại Nhật, gần như mọi người dùng tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng

Khi cáp quang biển bị đứt, các hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối Internet của các nhà mạng tại Việt Nam như FPT Telecom, Viettel Telecom, VDC... đều bị chậm lại hoặc thậm chí mất hẳn.

Ảnh hưởng toàn Châu Á

Sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG đi vào Việt Nam chưa được khắc phục xong thì trận động đất tiếp theo ở Nhật Bản đã tiếp tục làm hỏng một số tuyến cáp ngầm và ảnh hưởng đến tất cả các dịch vụ viễn thông nói chung (thoại, Internet, truyền số liệu... quốc tế) trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất khi 3 đường cáp quang Japan-US, PC-1 và APCN2 đều bị đứt khiến kết nối tới Mỹ và Canada của công ty viễn thông Unicom Group (Trung Quốc) đã bị ngắt kết nối hoàn toàn. Trong khi đó, hai tuyến Japan-US và PC-1 bị đứt làm mất 12% băng thông của nhà mạng China Telecom. Công ty Chunghwa Telecom (Đài Loan) thông báo tuyến cáp ngầm mà họ đang quản lý cũng đã bị hỏng ở khu vực gần bờ biển phía đông của Nhật và khiến toàn bộ băng thông kết nối mất hoàn toàn.

Ngay sau sự kiện trên, các hãng viễn thông đã phải điều chỉnh và chuyển hướng sang những đường kết nối chưa bị ảnh hưởng để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng. Tuy thế, do các tuyến cáp bị đứt đều đóng vai trò quan trọng nên tốc độ kết nối của toàn Châu Á đã giảm xuống rõ rệt. Mặt khác, do sự phân bổ băng thông giữa các quốc gia không tốt nên một số hướng kết nối dự phòng đã bị tập trung quá mức gây ra tình trạng nghẽn và làm giảm tốc độ truy cập mạng xuống mức cực thấp. Về căn bản, mọi hoạt động liên quan tới Internet như truy cập dịch vụ web, gửi – nhận email, gọi điện thoại từ PC hay xem các video từ các website lưu trữ trực tuyến như YouTube... đều không thể hoạt động với tốc độ như trước kia, thậm chí việc xem video hay gọi điện thoại Internet không thể thực hiện được trong lúc này vì hình, âm thanh bị giật, ngắt quãng.

Mặc dù phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng về tốc độ Internet thì công ty nghiên cứu Renesys cho biết họ thực sự kinh ngạc khi thấy thảm họa động đất ảnh hưởng rất ít đến các tuyến cáp ngầm kết nối Nhật với thế giới. Chỉ một phần nhỏ bị tác động nhưng hầu hết cũng đã nhanh chóng được phục hồi. Điều này hoàn toàn khác so với trận động đất ở Đài Loan năm 2006 khi nhiều đoạn cáp bị đứt và khiến Internet nhiều nơi bị tê liệt.

Thuê bao cá nhân bị thiệt

Trong sự kiện đứt cáp Internet trên, gần như mọi người dùng tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tuy thế, theo phản ánh của cộng đồng mạng thì mức độ mọi người bị tác động không hoàn toàn giống nhau. Anh Huân (Biên Hòa, Đồng Nai) phản ảnh trong nguyên tuần qua, tốc độ kết nối Internet của máy tính trong nhà giảm đến mức “thê thảm”, nghe nhạc trên YouTube liên tục bị giật còn việc gửi một file 6 MB trong hộp thư Gmail thì mất 30 phút mới upload xong.

Nhiều thành viên trong các diễn đàn tin học nhận xét, phần đông những người dùng cá nhân đều bị cắt giảm băng thông Internet quốc tế, trong khi các doanh nghiệp lớn hoặc thuê bao có cước phí đóng hàng tháng cao thì tốc độ không giảm nhiều. Anh Long, quản trị một tiệm café-Internet gần Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho hay khách đến chơi game online tại các server Việt Nam và quốc tế trong quán không có bất kỳ phàn nàn gì về tốc độ.

Kết luận về hiện tượng này, theo đánh giá của các chuyên gia, có thể với lượng băng thông hạn chế, để đảm bảo tốc độ kết nối Internet cho các doanh nghiệp, các nhà cung cấp đã hạn chế băng thông của các thuê bao cá nhân, riêng lẻ. Theo một số phân tích trên các diễn đàn mạng, có thể theo quản lý của các ISP thì nhu cầu kết nối của Internet doanh nghiệp cao hơn và quan trọng hơn với nhu cầu cá nhân nên được ưu tiên.

ISP Việt Nam nói gì

Theo ông Lê Hữu Hiền, Phó Giám đốc Viettel Telecom, do công ty này chỉ mới khai thác một phần nhỏ tuyến bị đứt nên các thuê bao của Viettel chỉ cảm thấy hơi chậm khi truy cập ra nước ngoài. Viettel cũng đã lên kế hoạch thay thế lưu lượng cho tuyến cáp quang bị đứt ngay trong thời gian sớm nhất.

Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) xác nhận đã khắc phục bằng cách tăng thêm lưu lượng băng thông từ các tuyến cáp quốc tế khác để khách hàng vẫn có thể kết nối Internet bình thường. Tuy nhiên, việc liên lạc trao đổi thông tin đi quốc tế vẫn chưa ổn định hoàn toàn.

Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC thông báo đã chuyển sang những hướng kết nối ra quốc tế khác để đảm bảo việc sử dụng dịch vụ của khách hàng được bình thường.