Facebook: “Bút sa, gà chết”

10/07/2011 10:06 GMT+7

Trên toàn thế giới, số người sử dụng Facebook đã lên tới hơn 750 triệu người, chiếm 12% tổng số dân toàn thế giới. Mỗi tài khoản trên Facebook hiện nay đều được xem như một kênh thông tin chính thức của người ấy về mặt xã hội – tại nhiều quốc gia

Điều đó khiến Facebook trở thành một trong những chứng cứ quan trọng theo cách mà dân gian hay gọi “bút sa, gà chết”. Theo các luật gia, người dùng cần thận trọng khi phát ngôn trên Facebook.
Facebook có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Ảnh: Internet

Hiện chưa có một thống kê đầy đủ các tai họa mà mọi người gặp phải vì những phát ngôn vô tình hay hữu ý của mình trên Facebook nhưng dựa trên những thông tin được nhiều báo, đài trên cả nước và quốc tế loan tải thì con số này không phải là ít. Một vài câu bình luận, status bâng quơ vô thưởng vô phạt hoặc đùa vui cũng có thể trở thành tai họa của người phát ngôn – nhất là khi nó có liên quan tới những vấn đề nhạy cảm liên hệ mật thiết với công việc, môi trường sống của người ấy.

Số người sử dụng Facebook thuộc đủ tầng lớp khác nhau và vì thế, sự tác động của Facebook tới xã hội là không thể phủ nhận. Tổng thống Hoa Kỳ Obama – trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ - đã sử dụng tài khoản của mình trên Facebook như một kênh giao tiếp phụ với cử tri và thậm chí còn khuyến khích giới trẻ sử dụng mạng xã hội đặc biệt này. Theo thống kê gần đây nhất, blog Facebook của Tổng thống Obama có tới vài chục triệu người “Like”. Bên cạnh đó, còn có khá nhiều chính khách, người nổi tiếng và cả những công ty, doanh nghiệp cũng lập tài khoản của mình trên Facebook để làm một nơi giao lưu, nhận  phản hồi từ khách hàng.

Tuy thế, có vẻ Facebook đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát hoặc người sử dụng Facebook đã không thể tự kiểm soát mình khi sử dụng dịch vụ này, theo một chuyên gia nhận xét. Tổng thống Obama ngay sau khi thành công trong cuộc đua giành ghế tổng thống đã… tuyên bố những người trẻ tuổi nên cẩn thận khi phát ngôn trên Facebook, ông cũng cấm gia đình, nhất là 2 con  gái, dùng Facebook. “Người sử dụng Facebook sẽ phải trả giá cho những gì mình làm bây giờ trong tương lai” - ông Obama nói.

Xa hơn, vào thời mà Facebook đang bắt đầu xâm chiếm cộng đồng mạng, Ashley Payne, một giáo viên tại bang Georgia (Mỹ), đã bị yêu cầu phải rời bỏ công việc tại Trường Trung học Apalachee vào tháng 8-2009 vì những hình ảnh và thông điệp mà cô đăng tải lên trang Facebook của mình. Lý do được đưa ra là những hình ảnh của Payne cho thấy cảnh cô sử dụng rượu, cũng như những đoạn thông điệp có sử dụng từ ngữ tục tĩu. Mặc dù trang Facebook của Ashley Payne được thiết lập chế độ riêng tư, tuy nhiên, trong số các bạn bè của cô trên Facebook có khá nhiều người là đồng nghiệp làm việc chung tại trường.
Rất khó để mọi người biết rằng mình nói điều này lên Facebook sẽ trở thành lỗi lầm chết người trong tương lai vì họ không ý thức được điều đó. Một anh chồng lên Facebook hẹn hò với một cô gái ảo trên mạng, giả bộ rủ cô gái đi trốn và anh ta sẽ bỏ vợ nhưng sự thực lại không hề làm vậy nhưng người vợ vẫn dựa vào đó để ly dị.

Một nhà quan sát tại Việt Nam tin rằng để tránh được các rủi ro về chính mình, các chủ nhân Facebook nên hạn chế quyền truy cập thông tin vào blog của mình và không công khai chúng để tránh các hậu quả đáng tiếc một khi vô tình nói câu gì đó khiến mình phải mang vạ. Ngoài ra, nên xem Facebook như một kênh thông tin của bản thân trước xã hội thay vì coi đó là một trang nhật ký – khi ấy, bạn mới có thể ý thức được tầm quan trọng và tác động lẫn hậu quả của phát ngôn mình đưa lên trên Facebook.