Facebook - Tin đồn ảo đe dọa cuộc sống thực

11/05/2013 14:14 GMT+7

Mạng xã hội Facebook đang trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, nhưng cũng có nhiều tin đồn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như cuộc sống người dân.

Những tin đồn thất thiệt
 
Gần đây nhất, vụ "rạch đùi nữ sinh" làm xôn xao dư luận, thông tin này được đăng tải trên Facebook với hàng nghìn lượt like và share. Chỉ trong một thời gian ngắn  tin đồn đã được lan truyền rất nhanh và khiến rất nhiều bạn nữ lo lắng không dám ra đường vì sợ rạch đùi.
 
 
Thông tin nữ sinh bị rạch đùi lan truyền trên Facebook.
 
Để tăng thêm tính thuyết phục của câu chuyện một nickname chia sẻ "những gì mình thấy" ở Nhà hát Lớn. Điều này càng khiến dư luận xôn xao và hoang mang.
 
 
Câu chuyện rạch đùi được một nickname chia sẻ.
 
Vụ việc này khiến cư dân mạng nhớ lại thông tin nhiễm HIV do dính kim tiêm trong rạp chiếu phim. Thông tin được đưa ra rằng cách đây không lâu, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa ra từ ghế của cô trong rạp phim. Khi đứng dậy để xem đó là vật gì thì thấy một cây kim nhô ra khỏi ghế kèm theo một mảnh giấy ghi :"Bạn vừa mới nhiễm HIV".
 
Thông tin này khiến không ít người cảnh giác hơn khi ngồi ở những chiếc ghế công cộng. Có người sợ hãi không dám đi xem phim ở rạp nữa, có người phẫn nộ trước cách "trả thù đời" của những người nhiễm HIV... đa phần mọi người đều lo sợ và đề phòng trước tin đồn này.
 
Từ sữa có đỉa đến ấu trùng trong mắt
 
Cách đây không lâu, đoạn clip dài 1 phút 8 giây, do một cá nhân có nickname LMT đẩy lên Facebook cá nhân vào ngày 23-02-2013, được giật tiêu đề lớn: “Vinamilk - Vừa phát hiện trong sữa giấy Vinamilk có con đỉa”.
 
Khung cảnh trong clip là một căn phòng kín, rất nhiều người vây quanh chiếc bàn lớn bàn tán xôn xao; trên bàn có một thìa sữa chứa vật thể lạ giống như con đỉa được đặt trên miệng chiếc cốc. Phần lớn dung lượng đoạn clip đều quay cận cảnh thìa sữa. Giọng nói của người trong clip mang âm hưởng Nam bộ.
 
 
Clip phát hiện đỉa trong sữa Vinamilk.
 
Ngay lập tức, clip trên đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hàng ngàn lượt truy cập và nhiều bình luận khác nhau. Phần lớn ý kiến nghi ngờ tính xác thực của clip này. Một bạn có nickname Topcare HA DONG bóc mẽ: “Tại đồn công an nào, nếu chỉ quay như vậy đâu nói lên được điều gì? Không có một cái gì chứng minh điều đấy cả trừ một cái cốc có đỉa”. Tuy nhiên, một số người cũng bày tỏ sự hoang mang trước thông tin sữa có đỉa: “Giờ ăn gì cũng không an toàn”...
 
Tuy chưa xác minh được nguồn gốc nhưng gần đây thông tin và một số hình ảnh cảnh báo sự nguy hiểm từ những loại kính áp tròng xuất xứ từ Trung Quốc gây ảnh hưởng đến người sử dụng đã lan truyền trên Facebook với tốc độ "chóng mặt".
 
 
Ấu trùng trong mắt do sử dụng kính áp tròng.
 
Theo thông tin đưa ra, những loại kính này có cấy ấu trùng, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ ký sinh và phát triển ngay trong mắt của người sử dụng.
 
Đây là một lời cảnh báo tưởng như vô cùng thiết thực khi mà ngày càng có nhiều bạn gái sử dụng những loại kính này để làm đẹp với mong muốn sở hữu đôi mắt to tròn hơn thực tế. Tuy vậy, thông tin và hình ảnh mắt có ấu trùng không có tính thực tế, vì vậy dường như đây vẫn là những chiêu trò câu like, share và khiến người dân càng thêm hoang mang.
 
Không chỉ có đỉa trong sữa, ấu trùng trong mắt do dùng kính áp tròng mà còn nhiều tin đồn thất thiệt khác như: sinh vật lạ do dùng áo ngực Trung Quốc, bim bim có đỉa...
 
 
Hình ảnh phản cảm và lời cảnh tỉnh trước những chiêu lừa đảo câu like.
 
Tất cả những tin đồn trên đều mang lại những hiệu ứng khá tiêu cực trong cộng đồng Facebook, và nó lan nhanh ra thế giới thực, khiến người dân hoang mang lo sợ mỗi khi ra đường, sử dụng sản phẩm và không loại trừ những tin đồn được tung ra có chủ ý để “dìm hàng” đối thủ cạnh tranh.
 
Người trong cuộc nói gì?
 
Trước việc thông tin nhiễm HIV do kim tiêm nơi công cộng gây hoang mang dư luận bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội lên tiếng: Việc xét nghiệm bơm kim tiêm như đã nói ở trên là không thể thực hiện được và 20 năm nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do có kim tiêm đâm ở các điểm công cộng như ATM hay các rạp hát, rạp chiếu phim. “Ở Hà Nội có đến hàng chục CLB người nhiễm HIV nhưng chưa bao giờ có phản ánh tình trạng này” - bà Lan dẫn chứng.
 
Cùng với đó, sau khi nhận được thông tin có đỉa trong sữa Vinamilk, ngay lập tức Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản bác tin đồn có đỉa và sinh vật lạ trong sữa. Cơ quan này cho biết qua kiểm tra các mẫu vật phẩm thì không hề phát hiện ấu trùng hay đỉa trong sữa. Ông Nguyễn Lân Hùng (Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam) cho biết thêm:"Về khía cạnh sinh học thì đỉa là loại sinh sản hữu tính nên không có chuyện tán nhuyễn đỉa ra mà nó vẫn sống và sinh sản được".
 
Hậu quả khó lường từ những tin đồn
 
Chỉ một ngày sau khi xác nhận tin rạch đùi nữ sinh ở Hà Nội là không có thật, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định được đối tượng tung tin đồn thất thiệt này.
 
Đối tượng tung tin là Nguyễn Khánh Thành (sn 1986 trú tại số 60, ngách 51B- Linh Quang- Văn Chương- Đống Đa- Hà Nội) hiện là Admin của page Trường xưa trên Facebook.
 
 
Chân dung đối tượng tung tin đồn.
 
Bước đầu khai nhận, vào sáng ngày 7-5 khi thấy thông tin 3 nữ sinh ở Hải Phòng bị rạch đùi bằng dao lam dính máu HIV. Thành đã copy và sửa thông tin thành nữ sinh Hà Nội bị rạch đùi rồi đưa lên page Trường xưa với mục đích "cảnh báo" đồng thời câu like.
 
Thông tin mà Thành đăng tải ngay sau đó được hàng nghìn lượt chia sẻ gây tâm lý hoang mang lo âu cho nữ sinh tại Hà Nội. Biết được sự vào cuộc của công an, Thành đã xóa bài đăng và khóa địa chỉ facebook cá nhân. Tuy nhiên mánh khóe của Thành không qua được mắt các trinh sát điều tra của Đội phòng chống Tội phạm Công nghệ cao - Phòng CSHS CATP Hà Nội.
 
Theo Bộ luật Hình sự , Nguyễn Khánh Thành có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Facebook là một mạng xã hội ảo trên internet, nhưng những tác động của nó tới đời sống thực bên ngoài là không thể phủ nhận. Những tin đồn thất thiệt chưa được kiểm chứng có thể làm ảnh hưởng tới một cá nhân, một tổ chức hay thậm chí cả một sự lo âu cho xã hội. Những sai phạm có thể bị pháp luật xử lý chỉ vì sự thiếu ý thức và mong muốn được nổi tiếng, được nhiều like, nhiều share trên mạng xã hội này.