Game online "lên thớt"

30/03/2011 09:27 GMT+7

<FONT size=2>30-3 là hạn cuối Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP) phải triển khai chặn việc truy nhập game online từ các đại lý internet và điểm truy nhập internet công cộng do các ISP đang quản lý trong thời gian từ 22 giờ đến 8 giờ hôm sau.</FONT>

Sự chuẩn bị của các địa phương để thực hiện quy định mới của Bộ Thông tin - Truyền thông về siết chặt quản lý game online (trò chơi trực tuyến) vẫn còn lúng túng, thiếu nhất quán, nặng về xử phạt hành chính.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Trước đó, vào giữa tháng 2-2011, Bộ TT-TT đã có công văn yêu cầu các ISP chặn việc truy nhập các game online từ các đại lý internet trên cả nước trước ngày 30-3. Sau ngày 30-3, các sở TT-TT trên cả nước phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý những ISP không thực hiện yêu cầu ngừng cung cấp game online tại các đại lý internet trên địa bàn.

Thời gian cung cấp và sử dụng các dịch vụ mạng khác ngoài game online tại những đại lý internet sẽ tuân thủ quy định về thời gian đóng - mở cửa hằng ngày của các đại lý internet được quy định bởi UBND tỉnh, TP (theo quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet). Trước ngày 10 cuối cùng của từng quý, các ISP có trách nhiệm báo cáo Bộ TT-TT về số lượng các đại lý internet, hiệu quả của việc áp dụng giải pháp kỹ thuật…

Không ít học sinh mê game online thái quá khiến việc học tập bị ảnh hưởng, sức khỏe sa sút

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết những giải pháp trên chỉ là tạm thời; về lâu dài, để hạn chế mặt tiêu cực của game online, vẫn phải chờ Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý game online mà Bộ TT-TT đang hoàn tất dự thảo. Quy chế này sẽ có các quy định cụ thể để ngăn ngừa các tác hại của game.

Nặng về kiểm tra, xử phạt

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-3, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TT-TT TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã lên kế hoạch cho “chiến dịch” thực hiện quy định mới và quyết tâm thực hiện triệt để. Trước mắt sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao các ISP, sau đó sẽ kiểm tra thực tế tại các đại lý.

Quy định mới giảm tác hại từ game online

 

Mới đây, Trường ĐH Cần Thơ có cuộc khảo sát về tình hình quản lý internet và chơi game online trên 282 sinh viên. Kết quả cho thấy 66% sinh viên thường xuyên chơi game online từ 1-3 lần/ngày, chủ yếu chơi game từ 18 giờ đến 21 giờ, trung bình một lần chơi từ 2 đến 3 giờ; có tới 62 tiệm hoạt động gần trường học (trong bán kính từ 100 - 1.000 m). Bên cạnh đó, khoảng 55% nhà trọ và nơi ở của sinh viên có kết nối internet, điều này cũng tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên tham gia chơi game online. Tại các điểm chơi, chủ tiệm gần như bỏ mặc khách hàng, không quan tâm, nhắc nhở về các quy định liên quan đến game trực tuyến. Khi người chơi đăng nhập vào các trò chơi, màn hình không có các cảnh báo về độ tuổi được chơi, tính chất bạo lực, tác hại khi chơi lâu…

Trước quy định mới về game online của Bộ TT-TT, anh Trần Thiện Bình, Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Chủ trương này góp phần giúp sinh viên có thời gian lo việc học và giải trí bằng những trò chơi khác lành mạnh hơn”.

C.Linh

Trong khi đó, tại TPHCM, việc ngừng cung cấp game online cho các đại lý internet từ sau 22 giờ đến 8 giờ hôm sau đã được Sở TT-TT TP triển khai từ tháng 9-2010. Ngày 9-9-2010, sở đã gửi công văn đến 11 ISP và 18 doanh nghiệp cung cấp game online trên địa bàn TP, yêu cầu thực hiện quy định nói trên.

Trước đó, ngày 10-8-2010, trong công văn gửi Bộ TT-TT, Sở TT-TT TP đã đề xuất giải pháp yêu cầu các nhà phát hành hằng ngày ngưng cung cấp game online trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 8 giờ hôm sau. Sở cho rằng tắt hệ thống cung cấp game là biện pháp triệt để và khả thi hơn so với việc cắt đường truyền của đại lý internet.

Sau khi TPHCM thực hiện thành công, Bộ TT-TT đã thống nhất triển khai thực hiện biện pháp này trên toàn quốc (từ ngày 30-3), thay vì biện pháp trước đây của bộ là cắt đường truyền đại lý internet.

Còn tại Bình Dương và Đồng Nai, dù Bộ TT-TT đã có công văn hướng dẫn nhưng mỗi tỉnh lại có cách thực hiện khác nhau.

Chiều 29-3, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai, cho biết để ngăn chặn tác hại của game online, sở đã tham mưu để UBND tỉnh ra quy định cắt đường truyền internet đối với các đại lý công cộng từ 22 giờ, nếu phát hiện đại lý nào vi phạm thì xử phạt đại lý đó và cả doanh nghiệp cung cấp game.

Về hướng dẫn của bộ “từ 22 giờ chỉ yêu cầu các bên liên quan ngưng cung cấp game online, còn việc truy nhập internet vẫn bình thường ở các đại lý công cộng”, ông Hùng cho rằng việc dùng biện pháp kỹ thuật để chặn game như vậy không hiệu quả và triệt để bằng cách mà Đồng Nai đang thực hiện. “Bộ hướng dẫn như vậy nhưng tùy đặc thù từng tỉnh mà làm” - ông Hùng nói.

“Bộ hướng dẫn như vậy nhưng tùy đặc thù từng tỉnh mà làm”

Ông Nguyễn Minh Hùng,Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai

Chiều cùng ngày, ông Võ Chí Phú, Phó chánh Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Bình Dương, cho biết từ tháng 9-2010, sở đã đề nghị các ISP trong tỉnh phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho các đại lý trên địa bàn từ 23 giờ đến 6 giờ hôm sau.

Trả lời câu hỏi từ ngày 30-3 trở đi, Bình Dương có thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ TT-TT hay không, ông Phú nói ông phải hội ý với lãnh đạo sở mới dám trả lời. Như vậy, nhiều khả năng các game thủ ở Bình Dương có nhiều hơn 1 giờ để chơi game so với ở Đồng Nai và các tỉnh khác!

Cũng trong ngày 29-3, ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở TT-TT TP Đà Nẵng, cho biết thanh tra sở đã lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị hữu quan thực hiện kiểm tra đột xuất các điểm truy nhập internet từ 22 giờ đến 8 giờ hôm sau, nếu điểm nào vi phạm thì sẽ lập biên bản xử lý theo quy định.

Trước đó, thanh tra sở đã kiểm tra gần 50 điểm truy nhập internet gần trường học và đã phát hiện trên 20 điểm mắc sai phạm. Theo ông Đức, hiện TP Đà Nẵng có hơn 900 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập internet, hầu hết đều có đăng ký hành nghề.