Giải mã vụ kiện tranh chấp ý tưởng "Facebook"

19/05/2011 18:14 GMT+7

Vụ kiện tranh chấp ý tưởng tạo ra mạng xã hội Facebook vừa chính thức kết thúc sau khi tòa án bác đơn kiện đòi bồi thường của anh em Winklevoss đối với chủ nhân hiện tại của Facebook là Mark Zuckerberg.

Mọi việc bắt đầu từ tận năm 2004, khi anh em Winklevoss tuyên bố Zuckerberg đã đánh cắp ý tưởng cho việc xây dựng Facebook từ mạng xã hội ConnectU (còn gọi là Harvard Connection). Cặp song sinh buộc tội Zuckerberg không những đã đánh cắp ý tưởng cùng những đoạn mã tạo nên trang web, mà còn trì hoãn họ để Zuckerberg có thể đi trước một bước trong việc mang thefacebook.com ra công chúng.

Ba nhà sáng lập ConnectU

ConnectU là dự án mạng xã hội của Cameron Winklevoss, Tyler Winklevoss và Divya Narendra, khi ba sinh viên này muốn tìm ra cách để kết nối và giữ liên lạc với bạn bè tại Harvard một cách thuận tiện và dễ dàng hơn những gì đang có thời bấy giờ. Kết quả là bộ ba đã tạo ra mạng xã hội dành riêng cho cộng đồng sinh viên Harvard, “HarvardConnection”.

Mark Zuckerberg tham gia vào giai đoạn cuối của ConnectU, nhưng không hiểu vì lý do gì mà dự án này đã vĩnh viễn không ra mắt công chúng như anh em Winklevoss và Divya Narendra đã mong muốn. Thay vào đó, thế giới chứng kiến sự ra đời và thống trị của Facebook từ 2004 đến nay.

Mark Zuckerberg đã “hack” ConnectU ra sao?

Tờ Business Insider có bài phân tích về những gì Mark Zuckerberg đã làm với ConnectU, cùng những tố cáo của những người từng là bạn học của ông chủ Facebook.

Bài viết kể lại câu chuyện đã diễn ra vào năm 2004, khi những sáng lập viên của ConnectU buộc tội Mark Zuckerberg đánh cắp ý tưởng của họ để tạo ra Facebook. Chi tiết câu chuyện là kết quả của những nghiên cứu và điều tra rộng hơn đối với vụ việc về sự ra đời của Facebook. Cuộc điều tra là kết quả của nhiều cuộc phỏng vấn với nhiều nguồn tin suốt hơn hai năm, cũng như những e-mail nội bộ (nay đã bị bạch hóa trước báo giới) mà Zuckerberg trao đổi với anh em Winklevoss.

Vào mùa hè 2004, mạng xã hội “mới toanh” của Mark Zuckerberg đã phổ biến một cách không ngờ. Sau khi Mark ra mắt thefacebook.com vào tháng 2-2004, trang web đã thống trị các cuộc bàn tán khắp các hội trường và hành lang ở Harvard. Cuối tháng 8 năm đó, số người dùng đã là 250.000 và chỉ một tháng sau, con số đã đạt đến 1 triệu.

Thành công quá sớm đã khiến ông chủ của thefacebook.com không mảy may lo ngại về bất cứ sự cạnh tranh nào đến từ đối thủ chính của nó cũng tại Harvard, ConnectU, vốn ra mắt trước đó nhiều tháng.

Những người sáng lập ConnectU – anh em Winklevoss cùng Divya Narendra – đã khởi động dự án mạng xã hội của họ tại 15 trường đại học vào đầu năm 2004. Thế nhưng rốt cuộc dự án đã chẳng đi đến đâu trước sức hút quá lớn của Facebook. Kết quả là ngày ngay có hơn 400 triệu người đang truy cập Facebook mỗi ngày, còn ConnectU chỉ còn tồn tại trên những trang lưu trữ lịch sử của thế giới Internet.

Anh em nhà Winklevoss - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong suốt năm 2004, ngay cả sau khi Facebook đã “thành hình” và ra đời, Mark Zuckerberg vẫn tỏ ra rất “ám ảnh” với ConnectU. Cụ thể, anh chàng đã ra tay… hack trang này và tạo ra một số thay đổi nho nhỏ liên quan đến tài khoản người dùng, trong đó có cả Cameron Winklevoss.

Thật ra trước đó, Mark đã tìm thấy một lỗ hổng trong hệ thống chứng thực tài khoản của ConnectU, từ đó giúp anh tạo ra một tài khoản Cameron Winklevoss giả mạo cùng một địa chỉ e-mail mang đuôi “harvard.edu” cũng giả mạo nốt.

Tiếp đó, Mark đã có thể đăng nhập vào tài khoản của một số người dùng ConnectU và biến hệ thống riêng tư của họ trở nên hữu hình (visible). Ý tưởng ở đây rõ ràng là để khiến việc tìm kiếm bạn bè trên ConnectU trở nên khó khăn hơn, từ đó làm hạn chế tính ưu việt của trang web. Cuối cùng, Mark đã đi một bước xa hơn, khi vô hiệu hóa (deactivate) khoảng 20 tài khoản ConnectU.

Lo lắng về hậu quả và rủi ro của hành động của mình, nhưng tự trấn an rằng những người phát triển ConnectU sẽ không nhận ra sự thành công của việc vô hiệu hóa nhiều tài khoản đến từ một địa chỉ IP duy nhất. Mark cũng hy vọng cơ chế ghi nhớ (logs) của Apache (chương trình web server) cũng sẽ không nhận diện được hành vi của mình, và ngay cả khi trường hợp xấu nhất là những người sáng lập ConnectU phát hiện ra điều này, họ cũng chỉ nghĩ rằng có ai đó đã gửi e-mail “dụ dỗ” người dùng vô hiệu hóa tài khoản của họ.

Đến bây giờ vẫn không rõ Mark đã làm cách nào mà tiếp cận được vào những tài khoản nói trên (Trước đó, để hack vào tài khoản của hai biên tập viên tạp chí Harvard Crimson, Mark đơn giản đã sử dụng những thông tin đăng nhập được lưu trong máy chủ Facebook). Các bằng chứng cũng cho thấy Mark đã giữ quyền truy nhập vào máy chủ ConnectU trong một thời gian không ngắn.

"Ông lớn" vẫn là "ông lớn"

Khi bằng chứng về những hành vi không mấy “đẹp mặt” này bị lộ. Ban lãnh đạo Facebook đã đưa ra bình luận: “Chúng tôi sẽ không tham gia tranh luận về những lời kiện cáo nhỏ mọn từ những nguồn tin không danh chính ngôn thuận, của những cá nhân đang cố gắng viết lại lịch sử của Facebook cũng như hạ bệ uy tín của Mark Zuckerberg.

Sự thật không thể tranh cãi là sau khi rời đại học Harvard để đến thung lũng Sillicon sáu năm về trước, Mark đã lãnh đạo Facebook từ một dự án cấp trường để trở thành một dịch vụ mạng xã hội tầm cỡ toàn cầu, đóng vai trò như phương tiện liên lạc và giao tiếp chủ chốt của hơn 400 triệu người sử dụng.”

Mark Zuckerberg,một trong các nhân vật ảnh hưởng thế giới trong năm 2011 của tạp chí Time bầu chọn 

Tờ Business Insider cho biết, họ không có ý định nghi ngờ thành công “khổng lồ” của Facebook cũng như cá nhân Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, đứng trên phương diện đạo đức cũng như những quan tâm về bảo mật mạng của người sử dụng Internet, người ta có quyền đặt nghi vấn về phản ứng của công ty (cũng như của Mark) trước những cáo buộc trên.