iPhone 6: Khi đời không như mơ

29/07/2014 16:16 GMT+7

Gần 90% người dùng ở Brazil đang sử dụng smartphone Android, trong khi tỷ lệ sở hữu iPhone gần như bằng 0, hãng Kantar tiết lộ. Đây quả là một số liệu gây sửng sốt, nhưng chưa hết!

Các thông tin từ Nam Mỹ còn cho thấy Android đang kiểm soát hơn 75% thị phần smartphone tại Argentina, Brazil và Mexico. Rõ ràng, iPhone 6, dù được chờ đợi với sự phấn khích cao độ, sẽ phải đối mặt với những thách thức cực lớn khi nó ra mắt.

Có bao nhiêu người ở Brazil đủ tiền sắm một chiếc iPhone 6?

Có bao nhiêu người ở Brazil đủ tiền sắm một chiếc iPhone 6?

Thực tế là nhiều nền kinh tế tuy có tiềm năng tiêu thụ smartphone lớn nhưng tỷ lệ người nghèo cũng rất cao. Mà ai cũng biết, đã là thu nhập thấp thì rất ít người đủ khả năng mua được một chiếc iPhone 6.

Vì sao ư? Theo giới thạo tin, Apple chuẩn bị tung ra iPhone 6 với giá bán lên tới gần 700 USD/máy. Và iPhone 6 sẽ phải cạnh tranh tại những thị trường nơi hàng loạt mẫu smartphone Android cỡ lớn chuẩn bị được bán ra với giá bán chỉ quẩn quanh ngưỡng 100 - 200 USD mà thôi.

Số liệu từ hãng nghiên cứu Kantar cho thấy ngay cả smartphone Windows Phone của Microsoft cũng đang sở hữu thị phần cao hơn iOS của Apple ở một số quốc gia Mỹ La tinh. Hãng eMarketer có số liệu hơi khác một chút, nhưng vẫn củng cố một sự thật là iOS chỉ là hệ điều hành thứ yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển. Lấy thí dụ, tại Tây Ban Nha, thị phần Android giảm từ 93% xuống 87% trong quý gần nhất không phải là vào tay Apple mà là do... Windows Phone.

Đây là một phát hiện quan trọng vì thị trường mới nổi đã được xác định là mảnh đất tăng trưởng duy nhất còn lại cho các hãng điện thoại, khi mà những ai có nhu cầu sử dụng smartphone ở các nước phát triển thì hầu hết đều đã sở hữu tối thiểu một máy. Trong khi đó, Apple thậm chí còn chưa thiết lập được kênh phân phối ở những nước đang phát triển (hãng này chỉ vừa mới khai trương cửa hàng Apple Store đầu tiên tại Brazil vào năm ngoái).

Tất nhiên, tính từ "nước nghèo" ở đây cần được hiểu theo nghĩa tương đối, để phân biệt với những "nước giàu" tại Tây Âu và Bắc Mỹ. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ vào khoảng 47.000 USD/năm, trong khi ở Ấn độ, theo Ngân hàng Thế giới, con số này chỉ có 3.560 USD. So sánh thu nhập đó với giá bán 700 USD của iPhone tại Mỹ và 1200 USD tại Brazil. Bạn sẽ thấy người Mỹ chỉ cần tiết kiệm lương vài tuần là đủ sức mua một chiếc iPhone mới, nhưng ở Brazil hoặc Ấn Độ, bạn sẽ phải tiết kiệm thu nhập vài tháng, nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua iPhone.

Mà đấy là dưới sức ép của Android, giá bán của iPhone đã có chiều hướng giảm nhẹ rồi. Giá bán trung bình của iPhone đã tụt xuống dưới ngưỡng 550 USD kể từ khi Apple bắt đầu bán iPhone 4 và iPhone 4S với giá chiết khấu tại những thị trường như Ấn Độ.

Nhưng liệu iPhone 4 có đủ sức đấu lại Android One, mẫu smartphone Android mà Google dành riêng cho Ấn Độ với giá bán chỉ vẻn vẹn 100 USD hay không, thì lại là cả một câu chuyện khác.

Đấy là chưa kể một loạt các thương hiệu Trung Quốc đang cắt xẻo phân khúc thấp nhất của thị trường với những mẫu smartphone Android nhái theo điện thoại Samsung. Nhiều mẫu trong đó, cụ thể là Android One, tỏ ra "ngon, bổ, rẻ" hơn hẳn so với một chiếc iPhone 4. Đây là một điều đặc biệt quan trọng, bởi đối tượng người mua điện thoại là người có thu nhập thấp và phải cân đo, đong đếm từng đồng một. Loạt smartphone Android giá rẻ mới này đều sở hữu màn hình lớn và những tính năng, ứng dụng hệt như iPhone đời cũ.

Chiến lược của Apple vốn là không thèm quan tâm đến phân khúc đáy của thị trường. Hãng chỉ luôn muốn thống trị phân khúc cao cấp, nơi tập trung hầu hết lợi nhuận của cả thị trường.

Chiến lược đó dường như đã phát huy hiệu quả, chí ít là đến thời điểm này. Samsung có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ngắn hạn, bởi sao người dùng phải sắm một chiếc smartphone Samsung Android đắt tiền khi Xiaomi đưa ra được lựa chọn hời hơn rất nhiều cơ chứ? Nhưng về lâu về dài, chúng sẽ đe dọa đến Apple nhiều hơn Samsung.

Một nền tảng di động nếu chỉ có 20% dân số thế giới sử dụng thì có nghĩa lý gì? Hầu hết giới phát triển đều muốn ứng dụng của họ được nhiều người dùng nhất có thể. Do đó, việc iOS ngày càng bị thu hẹp thị phần sẽ khiến họ phải nghĩ lại về việc có nên ưu tiên toàn lực phát triển ứng dụng cho iOS đầu tiên hay không.

Đừng bất ngờ nếu thấy iPhone 5C sẽ được chiết khấu mạnh tay khi iPhone 6 lên kệ. Màn hình của nó lớn hơn so với iPhone 4 và xét tổng thể, đó vẫn là một con dế thú vị. Nhưng giá bán của nó không thể tụt xuống ngưỡng 100 USD mà người dùng chờ đợi. Điều mà giới phân tích háo hức được xem nhất lúc này là Apple sẽ đối phó với làn sóng giá rẻ này như thế nào, khi mà chiến lược iPhone 5C có vẻ như đã sụp đổ.