Khổ vì con “nghiện” game online

15/01/2011 10:31 GMT+7

(Thế giới @) - Vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến (game online) không chỉ được quan tâm ở cấp nhà quản lý, nhà cung cấp, người chơi mà còn được sự quan tâm đặc biệt ở các bậc phụ huynh.

Sau khi báo Người Lao Động đăng bài Gian nan chặn “ma túy số”, phản ánh vấn đề “nghiện” game online của giới trẻ hiện nay mà phần lớn là những học sinh đang tuổi cắp sách đến trường, nhiều bạn đọc đã đồng cảm viết nên những tâm tư chân thành trên trang mạng.

Trên trang Người Lao Động Online, bạn đọc nguyenthihongphuc đã thổ lộ những ý kiến dưới góc độ của một phụ huynh như sau: “Khi nào bạn có con, em, cháu nghiện game online, thì bạn sẽ thấy rõ nó sẽ giết dần đứa trẻ chẳng khác nào ma túy. Và muốn giúp nó thoát ra, cần có tình thương cao độ và sự giúp đỡ cho đứa trẻ một cách không mệt mỏi. Tôi cho rằng nhận định của Giám đốc Sở TT-TT TPHCM “xem game online là ma túy số” là hoàn toàn chính xác. Đã là như thế thì phải tìm cách dẹp cho bằng được. Chứ mà còn vì ham cái lợi kinh doanh trước mắt thì sẽ làm hỏng thế hệ con trẻ về sau. Và tầm nguy hiểm của nó chẳng khác nào bị tiêu diệt trí não do dùng hóa chất độc hại... Làm ơn dẹp game online giùm, cho xã hội được bớt một mối nguy hại và các bậc phụ huynh cũng được nhẹ bớt một nỗi lo”.

Nhiều học sinh say sưa "cày" game trực tuyến

Cùng với nỗi bức xúc trên, bạn đọc Mai Quang Huy cho rằng nếu các công ty cung cấp trò chơi gây nghiện có trách nhiệm với cộng đồng, thì phải biết xót xa cho các em học sinh mê chơi bỏ học, để tìm ra các biện pháp khống chế các em vào chơi. Đằng này không, họ cho rằng “gia đình không quản lý thì ráng mà chịu”.

Trong khi đó, bạn đọc có nick nguyen thanh dung chắc cũng có người thân nghiện game online nên đã viết ra những góp ý mà chỉ có người trong cuộc mới rõ: “Đã có rất và rất nhiều gia đình tan nát và đau khổ khi có con nghiện game online. Các tệ nạn cướp giật cũng một phần do nghiện game online mà ra. Những ai có con chơi game online sẽ thấu hiểu nỗi đau khổ mà những gia đình cho con chơi game gánh chịu”.