Kính 3D - nhược điểm của TV 3D

04/10/2011 16:05 GMT+7

(ictworld.vn) - Kính 3D là phụ kiện không thể thiếu của TV 3D, mang lại trải nghiệm hình ảnh sống động hơn cho người dùng. Tuy nhiên, đây cũng là một phần nguyên nhân hạn chế sự phổ biến của loại TV mới này.

Thị trường tivi (TV) 3D đang khá sôi động nhưng người dùng đang đắn đo giữa TV 3D thụ động và TV 3D chủ động. Hiện nay, công nghệ sản xuất TV 3D thụ động đang được hãng điện tử Hàn Quốc LG phát triển. Đây là công nghệ TV 3D song song với công nghệ chủ động vốn đang được Sony, Samsung, Panasonic hay Sharp áp dụng trên nhiều mẫu TV 3D của hãng. Do giá kính 3D thụ động khá rẻ nên loại TV 3D này đang được người dùng quan tâm. Tuy nhiên, mỗi công nghệ đều có những ưu và nhược điểm riêng, người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn.

3D thụ động hay 3D chủ động?

Công nghệ TV 3D thụ động với màn FPR được xem là thế hệ chuyển tiếp giữa công nghệ TV 3D chủ động và công nghệ TV 3D không cần kính. Các mẫu TV 3D FPR sử dụng một lớp màn phân cực dán lên màn hình LCD, cho phép tách hình ảnh riêng biệt cho hai mắt trong cùng một thời điểm. Thông qua kính chuyên dụng, có thể tạo ra độ sâu hay nổi của hình ảnh đến mắt người xem.

So với TV 3D chủ động, TV 3D FPR thụ động cho chất lượng hình ảnh sáng hơn, không bị nhấp nháy do mắt kính không dùng màn trập. Đồng thời, giúp giảm hiện tượng mỏi mắt khi xem TV 3D lâu.

Tuy nhiên, 3D thụ động cũng có nhược điểm về độ phân giải hình ảnh vì trên cùng một màn hình phải tách đồng thời 2 hình ảnh. Như vậy, khi dùng TV 3D thụ động, hình ảnh sẽ không đạt được độ phân giải tối ưu nhất. Trong khi đó, TV 3D chủ động có thể thể hiện đúng độ phân giải Full HD.

Hạn chế bởi giá kính 3D

Việc lựa chọn TV 3D thụ động hay TV 3D chủ động còn bị ảnh hưởng bởi giá thành của kính 3D. So với TV 3D chủ động, điểm khác biệt lớn nhất mà người dùng có thể dễ dàng nhận thấy được ở 3D thụ động là kính chuyên dụng. Kính chuyên dụng của TV 3D thụ động có trọng lượng rất nhẹ, hơn gần 1/3 so với màn trập thông thường dùng cho TV 3D chủ động. Song song đó là mức giá chỉ từ vài chục ngàn đồng, trong khi mức giá ở kính màn trập là vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Theo một khảo sát được tiến hành với người dùng sở hữu TV 3D, đa số họ đều có một cặp kính nhưng việc giá kính khá cao đã hạn chế họ mua thêm kính cho cả gia đình và bạn bè. Kính 3D đang trở thành một vấn đề rất thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Nhà phân tích của hãng nghiên cứu Strategy Analytics đã thực hiện khảo sát người dùng TV 3D tại Anh. Kết quả cho thấy giá khá cao của kính màn trập là rào cản trực tiếp để người dùng mua nhiều kính. Hơn 50% lượng người khảo sát cho biết sẽ mua thêm kính cho người thân khi giá giảm vừa túi tiền.

Cạnh tranh

Thay vì đầu tư một TV 3D với giá đắt đỏ, người dùng đang hướng đến việc tận hưởng loại hình giải trí mới này ở những rạp chiếu phim hiện đại với màn hình rộng. Ngoài ra, khi đến rạp chiếu phim, người xem còn được tận hưởng hệ thống âm thanh chất lượng cao mà không phải nhà nào cũng có thể trang bị.

Theo thống kê, lượng vé xem phim 3D bán ra tăng vọt, từ 8,6% trong năm 2009 lên 19,3% trong năm 2010 và tiếp tục tăng. Thống kê phản ánh thực tế người dùng đang quan tâm đến việc cùng gia đình đến rạp để xem những bộ phim 3D mới ra mắt hơn là mua một TV 3D mà cả năm chỉ xem vài bộ phim mới. Ngoài ra, chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều nếu trang bị dàn âm thanh đúng chuẩn để xem phim.

Ngoài ra, người dùng còn đắn đo bởi công nghệ TV 3D không cần kính. Đây là bước tiến khá quan trọng của công nghệ, cho phép người xem không cần mang kính chuyên dụng nhưng vẫn xem được nội dung 3D. Nếu được sản xuất đại trà, TV 3D không cần kính sẽ “giết chết” đàn anh của nó hiện nay. Họ cũng đang cân nhắc nên sắm TV 3D hiện nay hay chờ đợi TV 3D không cần kính ra mắt.

Nhưng trước mắt, người xem sẽ vẫn lựa chọn rạp chiếu phim cho giải trí 3D hơn là việc mua TV 3D và kính màn trập đắt tiền.