Lên Facebook... đi chợ

01/07/2013 09:23 GMT+7

Chỉ cần nằm nhà lướt web hay đang làm việc, bạn vẫn được phục vụ tận nơi bởi những trang web, mạng xã hội cung ứng dịch vụ thức ăn, quà vặt...

Sau những mặt hàng như quần áo, nước hoa, mỹ phẩm..., các món ngon, ẩm thực online cũng đang nở rộ đáp ứng nhu cầu những thực khách đặc biệt: bị kẹt cứng trong bốn bức tường suốt tám giờ làm.
Nhiều người chọn cách lên Facebook để đi chợ... - Ảnh: T.T.D.
 
Nhấp chuột, alô là có liền
 
Cứ khoảng 4 giờ chiều, cả phòng của chị Linh Giang (nhân viên công ty chứng khoán ở Q.1, TP HCM) lại bắt đầu rộn ràng “hôm nay ăn gì”. Trong phòng với 12 nhân sự, đa số trẻ tuổi nên khá hợp nhau về sở thích... ăn uống. Chị Giang thường được giao nhiệm vụ gọi món và là người giữ danh sách số điện thoại các đầu mối đặt hàng. “Thứ sáu nên ăn bánh bột lọc, bánh nậm và tráng miệng rau câu nhé” - một người đề nghị. Một cú điện thoại được thực hiện, 20 phút sau 12 phần bánh nóng hổi cùng 12 hộp rau câu được giao tận nơi, mọi người hào hứng thưởng thức.
 
Danh sách món ăn của phòng chị Giang đến nay khá đa dạng, được hình thành và bổ sung từ những “tay chuyên lướt web”, hễ ai phát hiện món gì ngon là thông báo ngay với mọi người. Từ bánh mì, xôi, phở cuốn... đến bánh bột lọc, bánh bèo, chè, sinh tố... đủ cả. Đặc điểm của những dịch vụ này là chỉ giao hàng từ 2-3 phần trở lên với món ăn và 5 phần trở lên với thức uống nên mỗi lần ai có nhu cầu là “hè” nhau cùng ăn!
 
Chị Thu, nhân viên một công ty tại Tân Bình, TP HCM, cho biết tình cờ trong một lần bỏ bữa lướt web đã phát hiện một địa chỉ Facebook chuyên bán các món ăn mặn khá hấp dẫn. “Với các món nấu sẵn này, buổi sáng mình chỉ cần mang theo cơm trắng là có đủ bữa trưa tại văn phòng” - chị Thu nói. Trang Facebook này chuyên bán các món ăn gần gũi với một bữa cơm gia đình như cá bống kho tiêu, cá lóc ruộng kho nghệ... theo hương vị đặc trưng miền Trung được chị Thu giới thiệu với một số đồng nghiệp và nhanh chóng “lọt vào mắt xanh” của cô nàng văn phòng. Hàng đặt trước vài ngày và được giao tận nơi.
 
Khoảng một năm gần đây, mô hình bán đồ ăn qua mạng, giao hàng tận nơi len lỏi vào giới văn phòng và phát triển rất nhanh. Từ những món ăn quà vặt đơn giản đến các món đặc sản vùng miền, trái cây ngoại nhập, từ bình dân đến cao cấp... đều có thể trở thành mặt hàng kinh doanh. “Chỉ cần ngồi tại chỗ, lướt web và nhấp chuột là có thể ngồi mát chờ mang đến. Vì môi trường văn phòng dùng máy điều hòa nên những món có mùi quá đặc trưng như mắm, hay có mùi nặng sẽ không được ưu tiên” - Thùy Dương, nhân viên một công ty truyền thông, có thâm niên gọi món qua mạng, chia sẻ kinh nghiệm.
Tiện người này, khó người kia
 
Phải nhìn tận mắt, sờ tận tay

Chị Thanh Ngọc, nhân viên công ty về vận chuyển ở Q.1, TP HCM, cho biết đến bây giờ vẫn cảm thấy sợ khi mua thức ăn trên mạng. Cách đây không lâu, chị Ngọc có mua một phần bắp bò muối và heo ngâm xì dầu trên một địa chỉ Facebook hết hơn 300.000 đồng để dành cho cả nhà ăn trưa. Chị Ngọc nhớ lại: “Gần trưa khách giao hàng, nhìn túi đồ để tủ đá là đã không cảm tình, nhưng cứ bảo thực phẩm lúc vận chuyển cần được bảo quản cũng cho qua. Về thái thịt heo và bò ra mời cả nhà thì thật đáng buồn. Miếng thịt không hề thơm ngọt như quảng cáo. Cả nhà ai ăn cũng nhăn nhó”. “Đồ ăn là cứ phải đi chợ, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới tin được” - chị Ngọc đúc kết.
Chị Phước, chủ Facebook Bếp của Phước, chuyên cung cấp các món ngon mang hơi hướng miền Trung, cho biết ý tưởng ra đời của bếp là từ nhu cầu của những người bạn xung quanh. “Rất nhiều người hiện nay quá bận rộn với công việc, không có thời gian nấu những món ăn mình thích hay các món đòi hỏi nhiều công đoạn chế biến, thao tác nấu nướng. Sẵn sở thích nấu nướng lại ở nhà với con nhỏ, tôi mở dịch vụ này và may mắn được đón nhận” - chị Phước chia sẻ.
 
Theo chị Phước, để một trang mạng xã hội bán thực phẩm thành công đến nay là sự tin tưởng. Nếu không có yếu tố này thì khó làm ăn đường dài. “Ai cũng có thể quảng cáo nguyên liệu của mình tươi ngon, được mua từ vùng này, vùng kia nhưng để tạo được niềm tin thì không dễ” - chị Phước nói. Chị Lê Thanh Thủy, chủ trang Gọt trái cây, chuyên kinh doanh trái cây ngoại nhập như cherry, kiwi, nho..., cho biết hơn 80% khách của tiệm hiện nay là khách quen, mua nhiều lần và chủ yếu là giới văn phòng.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Chị Phước kể sau sự cố bánh ít tro mà chị đứng ra đặt giúp khách không được thơm ngon như quảng cáo vào dịp tết đoan ngọ gần đây, rút kinh nghiệm nên chỉ bán những thứ mình tự tay làm. Việc giao hàng tận nơi là ưu điểm của dịch vụ này nhưng lại là bài toán đau đầu của những nhà kinh doanh tự phát. Các món ăn phải được bảo quản đúng thì mới tươi ngon, chưa kể giao hàng trễ, chậm hay lúc đến nơi thì giao nhầm hàng, hàng đã hư hỏng.
 
Anh Nguyễn Khắc Hiếu, chủ website quavatonline chuyên cung cấp các món ăn vặt như chè, nem chua rán, bánh rán, cho biết do đối tượng phục vụ chính của dịch vụ này là giới văn phòng nên có những tình huống tréo ngoe. Các đơn hàng thường dồn dập vào buổi chiều. Tầm từ 13 giờ -17 giờ là cao điểm giao thông, không ít đơn hàng bị trễ khiến khách phàn nàn. Dù vậy anh Hiếu cho rằng đây vẫn là dịch vụ nhiều tiềm năng. “Khách hàng văn phòng tuy khó tính nhưng thu nhập ổn định, lại có những góp ý rất thiết thực nên nhà kinh doanh vẫn muốn hướng vào” - anh Hiếu chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng (phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử VN):

Tô phở ăn tại chỗ bao giờ cũng ngon hơn...

Thời gian gần đây, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng bận rộn, đặc biệt đánh vào giới văn phòng, nhiều trang web cung cấp dịch vụ ăn uống online ra đời, trong đó có những trang chuyên cung ứng thực phẩm do các cá nhân tự phát. Nếu như dịch vụ đặt hàng qua mạng, giao tận nơi của các dịch vụ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, các sản phẩm đều có tiêu chuẩn nhất định, khi gọi món người dùng đã biết mình thưởng thức mùi vị, món đó ra sao thì thức ăn tại các trang mạng xã hội lại vô chừng hơn.

Những cửa hàng, điểm bán muốn kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo quy trình, có giấy phép nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi mua thực phẩm online có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không biết món ăn mình đưa vào miệng được nấu nướng, chế biến ra sao, có mang lại nguy cơ gì hay không. Những rủi ro này người tiêu dùng cần phải lường trước. Một tô phở ăn tại chỗ bao giờ cũng ngon hơn.