Lịch sử ghi tên Mark Zuckerberg

02/02/2011 10:40 GMT+7

<FONT size=2>(Thế giới @)&nbsp;- Năm 2010 đánh dấu những bước đại nhảy vọt của Mark Zuckerberg trên con đường đưa thế giới vào thời đại của mạng xã hội Facebook. Phạm vi ảnh hưởng của Facebook đối với thế giới được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”</FONT>

Mark Zuckerberg (thứ hai từ trái sang) và một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Facebook Ảnh: Time

Trước năm 2010, Mark Zuckerberg - nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook - vẫn còn là một nhân vật khá bí ẩn, chỉ được biết đến nhiều trong giới công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ). Tuy nhiên, trong năm 2010, chàng trai 26 tuổi này trở thành gương mặt được giới truyền thông nhắc đến nhiều, một phần nhờ bộ phim The Social Network (Mạng xã hội) vừa gây tranh cãi vừa được đánh giá rất cao.

Nhân vật của năm

Năm 2010 khép lại thật hoàn hảo đối với Zuckerberg sau khi tạp chí nổi tiếng Time (Mỹ) chọn anh làm “Nhân vật của năm”, qua đó trở thành người trẻ nhất có vinh dự này kể từ năm 1927. Lý giải về sự lựa chọn này, Tổng Biên tập tạp chí Time Richard Stengel nói rằng Zuckerberg xứng đáng “vì đã kết nối hơn nửa tỉ người và lập bản đồ về mối quan hệ xã hội giữa họ; vì tạo ra một hệ thống trao đổi thông tin vừa thiết yếu vừa hơi đáng sợ; và cuối cùng là vì đã thay đổi cách chúng ta sống mỗi ngày theo những cách mới mẻ, thậm chí là lạc quan”.

Facebook đã thay đổi cách sống mỗi ngày của chúng ta

(Tổng Biên tập tạp chí Time, ông Richard Stengel)

Trong thông điệp phát trên trang Facebook của mình, Zuckerberg bày tỏ việc được tạp chí Time chọn là “Nhân vật của năm” là một “vinh dự thật sự và là sự công nhận đối với những gì nhóm chúng tôi đã làm để biến Facebook thành một sản phẩm mà hàng trăm triệu người muốn sử dụng để làm cho thế giới trở nên rộng mở và kết nối hơn.

Mark Zuckerberg tại buổi giới thiệu tính năng mới của Facebook ở thành phố San Francisco (Mỹ) hôm 15-11-2010 Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, sự lựa chọn của Time nhanh chóng bị một số người chỉ trích là mang động cơ chính trị. Lý do họ đưa ra là Time đã làm ngơ đối với ông Julian Assange, nhà sáng lập kiêm tổng biên tập website WikiLeaks. Cả ông Assange và WikiLeaks đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới vì nhiều lần công bố tài liệu mật của Mỹ trong năm 2010, trong đó đáng chú ý là những tài liệu ngoại giao mật. Hơn nữa, độc giả của tạp chí Time đã chọn ông Assange là “Nhân vật của năm” trong một cuộc bầu chọn không chính thức trước đó với 382.026 phiếu bầu. Trong khi đó, Zuckerberg chỉ nhận được 18.353 phiếu. Mặt khác, cũng có người cho rằng lẽ ra nên trao danh hiệu này cho Zuckerberg vào năm 2008, thời điểm Facebook chính thức trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Người của công chúng

Cho dù có hay không có danh hiệu trên thì năm 2010 vẫn là một năm in đậm dấu ấn của Mark Zuckerberg. Tỉ phú trẻ tuổi này bắt đầu trở thành người của công chúng sau thành công của bộ phim gây tranh cãi The Social Network, trong đó Zuckerberg được mô tả như là một người thông minh và khao khát quyền lực, một tin tặc đâm sau lưng người khác với mong muốn được xã hội và các cô gái thừa nhận. Với một nội dung như thế, không có gì lạ khi Zuckerberg và Facebook đã gọi bộ phim là “một tác phẩm hư cấu”. Dù vậy, điều này không thể ngăn bộ phim trở thành đề tài bàn tán của giới phê bình và người xem phim, đồng thời trở thành ứng viên sáng giá cho giải Oscar.

Trong nỗ lực giảm bớt sự quan tâm đối với bộ phim, Zuckerberg đã xuất hiện trên chương trình của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey để thông báo việc tặng 100 triệu USD cho hệ thống trường học của thành phố Newark ngay trong ngày bộ phim chính thức được công chiếu. Cuối năm 2010, cùng một số tỉ phú khác, Zuckerberg cam kết tặng ít nhất một nửa tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. Zuckerberg - được xem là một trong những tỉ phú trẻ nhất thế giới với số tài sản ước tính khoảng 6,9 tỉ USD - chia sẻ: “Nhiều người chờ đến cuối sự nghiệp để hiến tặng tài sản của mình. Tại sao lại chờ đến lúc đó khi có rất nhiều việc phải làm vào lúc này. Với một thế hệ gồm những người trẻ tuổi hơn đang thành công với doanh nghiệp của mình, nhiều người trong chúng ta có cơ hội hiến tặng sớm hơn và nhìn thấy tác động của những nỗ lực nhân ái đó”.

Tỉ phú trẻ, nhân ái và bình dị

Sinh trưởng ở khu ngoại ô Dobbs Ferry của thành phố New York (Mỹ), Zuckerberg đã góp phần biến Facebook - ra đời tại ký túc xá Đại học Harvard năm 2004 - thành một mạng xã hội hàng đầu như hiện nay. Khi mạng xã hội này ngày càng phát triển, Zuckerberg đã lần lượt từ chối đề nghị mua lại của các công ty, từ Yahoo! cho đến Microsoft. Trong quyển sách The Facebook Effect (tạm dịch: Tác động của Facebook), tác giả David Kirkpatrick viết rằng động lực chính của Zuckerberg không phải là tiền mà là tầm nhìn của anh về web và Facebook. Zuckerberg nói với tác giả quyển sách: “Hầu như ngày nào tôi cũng tự hỏi mình: “Có phải tôi đang làm điều quan trọng nhất mà mình có thể làm?”. Nếu tôi không cảm thấy mình đang làm điều quan trọng nhất mà mình có thể, tôi sẽ không hài lòng về cách sử dụng thời gian của mình. Và đó là điều tôi đang làm với Facebook”.

Zuckerberg thường được mô tả như là một người lãnh đạm và không giỏi giao tiếp. Sự thật là việc trò chuyện với Zuckerberg có thể là một thách thức vì anh xem việc trò chuyện như là một cách trao đổi dữ liệu nhanh và hiệu quả đến mức có thể. Anh nói chuyện rất nhanh và chính xác. Một khi “không có dữ liệu gì để truyền”, anh đột ngột trở nên im lặng. Bên cạnh đó, anh có một cuộc sống khá bình dị nếu so với số tài sản đang nắm trong tay. Anh sống tại một ngôi nhà đang thuê ở gần văn phòng làm việc, dành phần lớn thời gian cho công việc và có sở thích học tiếng Trung Quốc.

Tương lai rực rỡ

Năm 2010 cũng là năm Facebook tiếp tục củng cố vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực mạng xã hội: Số lượng thành viên tăng lên hơn 550 triệu người trong khi doanh thu có thể đạt 2 tỉ USD và giá trị ước tính lên đến hàng chục tỉ USD. Số thành viên của Facebook nói khoảng 75 ngôn ngữ và bỏ ra hơn 700 tỉ phút trên đó mỗi tháng. Ngoài ra, Facebook mỗi ngày có thêm bình quân 700.000 thành viên mới. Nếu Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhận định về Facebook, Tổng Biên tập Richard Stengel của tạp chí Time cho rằng mạng xã hội này đã “thay đổi cách sống mỗi ngày của chúng ta” và phạm vi ảnh hưởng của nó đối với thế giới là chưa từng có tiền lệ. Ông Stengel nhận xét: “Facebook đã hòa nhập vào cơ cấu xã hội Mỹ và không chỉ có người Mỹ mà cả nhân loại: Gần một nửa số người Mỹ có tài khoản Facebook nhưng 70% người sử dụng Facebook sống bên ngoài nước Mỹ. Đó là một thực tế vững chắc trong đời sống xã hội trên toàn cầu. Chúng ta đã bước vào thời đại của Facebook và Mark Zuckerberg là người đưa chúng ta đến đó”.@

 

Trở lại thị trường đông dân nhất thế giới

Nhìn trên bản đồ người sử dụng Facebook hiện nay, có thể thấy Trung Quốc, Nga và Trung Phi là những nơi mạng xã hội này chưa hoặc có rất ít người sử dụng. Trong số này, Trung Quốc có thể là thị trường mà Facebook muốn xâm nhập nhất trong thời gian tới. Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy Trung Quốc hiện có khoảng 420 triệu người sử dụng Internet. Trong khi đó, công ty nghiên cứu Analysys International ước tính các mạng xã hội Trung Quốc có 176 triệu người sử dụng vào năm 2009, tăng 68% so với năm trước đó. Facebook tung ra phiên bản tiếng Trung Quốc vào năm 2008 nhưng không thu hút được nhiều chú ý, một phần vì sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ trong nước và một phần vì bị chặn một năm sau đó. Theo công ty nghiên cứu Inside Facebook, đến cuối năm 2009, Facebook chỉ có 14.000 người sử dụng thường xuyên ở Trung Quốc.

Không lâu sau khi nhận được danh hiệu của tạp chí Time, Zuckerberg và bạn gái đã đến Trung Quốc nghỉ mát nhân dịp cuối năm. Bạn gái của Zuckerberg là một người gốc Trung Quốc và cả gia đình cô hiện đang sống ở nước này. Dù vậy, không ít người phỏng đoán rằng chuyến đi này là một phần nỗ lực của Zuckerberg nhằm đưa Facebook quay trở lại thị trường đông dân nhất thế giới. Phỏng đoán này không phải là không có cơ sở khi Zuckerberg đã lần lượt gặp lãnh đạo công ty viễn thông China Mobile, công ty tìm kiếm trực tuyến Baidu và thăm văn phòng công ty Sina Corp, cổng web hàng đầu Trung Quốc, tại Bắc Kinh. Đây có thể là bước khởi đầu cho kế hoạch khảo sát và tìm kiếm thị trường tại Trung Quốc của Zuckerberg, nhất là sau khi anh công khai bày tỏ mong muốn Facebook hiện diện nhiều hơn tại thị trường này. Nếu mong muốn này trở thành hiện thực, Zuckerberg sẽ tiến thêm một bước lớn trong việc biến thế giới thành một nơi rộng mở và kết nối hơn.