Mang họa vì Facebook

22/02/2011 10:05 GMT+7

(Thế giới @) - Mọi người lên Facebook để trao đổi, tâm tình chuyện vui, buồn trong cuộc sống, nhưng cũng không ít người mang họa vì nó

Mất việc

Trên thế giới, khá nhiều người gặp may nhờ Facebook nhưng cũng không ít người tự rước họa cho mình. Gần đây nhất là trường hợp của nhân viên Dawnemarie Souze đang làm cho một công ty vận chuyển y tế với tên gọi American Medical Response. Sau khi tiếp xúc với giới lãnh đạo để đề nghị thực hiện một yêu cầu liên quan đến công việc mà không được chấp thuận, cô lên Facebook để thóa mạ ban giám đốc. Kết quả là vào cuối năm 2010 vừa rồi, cô đã bị cho nghỉ việc khi những người cô mắng mỏ đọc được những gì “cần đọc”.

Nhiều người còn nhớ một sinh viên một đại học công lập có tiếng tại TPHCM sau khi “buông” lời phê phán cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu của trường về chính sách thu học phí đã lập tức bị gọi lên cảnh cáo và cho tạm nghỉ một học kỳ.

Bị phạt

Với những người “gặp nạn” trên Facebook nói trên thì hậu quả đó còn nhẹ so với khá nhiều trường hợp khác. Tại Mỹ, một bà cụ lãnh trợ cấp hàng tháng đã bị cắt trợ cấp và có nguy cơ bị kiện ra tòa vì mang tiền trợ cấp để đi du lịch. Theo cáo trạng trước tòa, sự việc trên đã diễn ra từ lâu nhưng chỉ được phát hiện do bà cụ tự tố cáo mình khi đem các ảnh chụp khi đi du lịch khoe đầy trên Facebook của mình.

Lái xe bằng... chân

Tại Việt Nam, cách đây chưa lâu rộ lên bàn tán về một quái xế nữ sau trò lái xe bằng chân và khoe đoạn clip “độc” của mình lên mạng đã được cơ quan chức năng xử lý và cư dân mạng lên tiếng phê bình vì chơi trội và vi phạm pháp luật giao thông.

Và gần đây, khá nhiều clip học sinh Việt Nam đánh nhau, lột, cạo tóc nhau sau khi đưa lên Facebook và sau đó những người hành hung nhanh chóng bị phát hiện và kỷ luật đồng loạt. Theo nhận định của các cư dân mạng, có lẽ những sự việc đáng phê phán kia sẽ “chìm xuồng” nếu như các “diễn viên” không cố tình tung chúng lên Facebook để “khoe”.

Lời khuyên tổng thống

Người nổi tiếng nhất thế giới dùng Facebook chắc chắn không ai khác hơn Tổng thống Mỹ Obama. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của mình, ông Obama cũng đã tận dụng Facebook, YouTube và cả Twitter như một cách để chuyển tải các thông điệp tranh cử của mình cho cử tri, đồng thời tạo ra hình ảnh của một vị tổng thống trẻ trung và sẵn sàng đổi mới. Hiện tại, trang Facebook của ông Obama có gần 3 triệu người đăng ký làm fan và hàng ngày, theo một thống kê không chính thức, có gần 10 triệu người ghé Facebook của ông để theo dõi tình hình.

Facebook của Tổng thống Venezuela

Trên thế giới còn có rất nhiều những vị tổng thống khác cũng tham gia Facebook. Tại Nam Mỹ, nổi tiếng nhất có lẽ là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, không những ông tham gia Facebook mà thậm chí còn có một tài khoản đồng thời trên Twitter. Vị tổng thống này “rủ rê” những lãnh đạo Cuba, Ecuador... cùng tham gia với mình trên các mạng xã hội này. Tại trời Âu, tổng thống Pháp, tổng thống một số nước Đông Âu... cũng hào hứng mở tài khoản và update thông tin thường xuyên trên status của mình.

Nhưng mới đây, ông Obama đã quyết định “quay lưng” lại với Facebook vì tin rằng nó là một hiểm họa. Phát biểu trước các học sinh của trường trung học Virginia trong một buổi gặp gỡ, tổng thống Hoa Kỳ nhắc nhở giới trẻ nên thận trọng trước “thảm họa” Facebook, ông cũng khuyên mọi người cần phải “cẩn thận về những gì đăng tải trên Facebook” vì chúng có thể sẽ “làm ảnh hưởng đến đến cuộc sống thực” của từng người “vào một thời điểm nào đó trong tương lai”. Đồng quan điểm với chồng, bà Michelle Obama, đệ nhất phu nhân tổng thống My, cũng khẳng định “tôi không ủng hộ việc trẻ em sử dụng Facebook”. Trong gia đình mình, hai con gái của Tổng thống Obama, 9 tuổi và 12 tuổi cũng không được phép sử dụng Facebook vì lý do an toàn.

Gần đây, nhiều trường đại học đã tổ chức các buổi nói chuyện bàn về hiểm họa trên Facebook. Theo một đại diện của Đoàn Thanh niên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, thế hệ 8x, 9x và 10x bây giờ đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhiều người sử dụng không lường trước được những gì mình làm sẽ có hại thế nào trong tương lai. “Nếu như trước kia, người ta phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói thì ngày nay, các cư dân mạng nên “uốn bàn phím” 100 lần trước khi “viết” bởi mọi thông tin, một khi đưa lên Facebook hoặc bất kỳ trang mạng xã hội nào, chúng sẽ có thể tồn tại đến cả trăm năm” – Một sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nhận định.