Mạng xã hội bộc lộ mặt trái

06/02/2011 00:00 GMT+7

<FONT size=2>Không thể phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội như Twitter hay Facebook, tuy nhiên, những phiền toái mà nó đem lại cho các cá nhân hoặc tập thể đang khiến nó trở thành “con dao hai lưỡi”.</FONT>

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ còn cho biết, dường như các mạng xã hội đang dần phá vỡ các mối liên kết quan hệ xã hội. Thậm chí, giám đốc điều hành của “gã khổng lồ Google” còn lo ngại, rằng sẽ có ngày người ta sẽ phải tự thay tên đổi họ và cải biến bản thân để thoát khỏi "quá khứ số" của chính mình.

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các trang mạng xã hội bởi nó đáp ứng được khát khao cập nhật thông tin, kiến thức và chia sẻ với người khác của cư dân mạng. Vì thế, mạng xã hội tuy không phải là các kênh chính thống đối với các vấn đề kinh tế và chính trị nhưng nó lại là kênh dễ tạo ra trào lưu và thu hút người đọc. Tuy nhiên, sau thời gian cả thế giới cùng sốt với các mạng xã hội, giờ đây người ta đang bắt đầu trở nên dè chừng, đặt câu hỏi về những lợi ích thật sự sau khi những kẻ cuồng tín, tội phạm sử dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích xấu xa. Nước Anh, nước Mỹ hay cả Trung Quốc giờ đây cũng đã bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm của sự “quá cởi mở” trên các mạng xã hội và đang hối hả tìm cách "chữa cháy". Đ.Brúc, một nhà xã hội học tại Mỹ nhấn mạnh, nếu không quản lý chặt, không nghiêm khắc xử lý sẽ tạo ra những kẽ hở để những kẻ trục lợi tha hồ thao túng và điều khiển một lượng đông đảo cư dân mạng để phục vụ cho những mục đích xấu, tạo nên một trào lưu sống không lành mạnh.

Tiến sĩ X.Túc-cơ (S.Turkle), Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), lo ngại rằng công nghệ đang đe dọa thống trị đời sống của chúng ta, làm chúng ta trở nên cô lập hơn và "ít con người hơn". Giáo sư Turkle thậm chí còn mô tả việc sử dụng các trang mạng xã hội là một dạng “điên rồ hiện đại”. Cùng chung quan điểm này, một chuyên gia quản lý mạng của Google đã cảnh báo, vấn đề là mạng xã hội cũng cung cấp một công cụ rất mạnh mẽ để ngăn cản chính bạn hoặc làm tiêu tan danh tiếng của bạn trên phạm vi toàn cầu và hầu như vĩnh viễn. Một khi bạn đã đặt nó trực tuyến, nó được chia sẻ trên khắp thế giới trong vài giây, và vẫn có thể được hồi tưởng sau nhiều thập niên. Chuyên gia này dẫn ra ví dụ gây chấn động tại Ác-hen-ti-na. Vào tháng 5-2010, tại tỉnh Men-đô-gia, tòa án tại tỉnh này phải yêu cầu mạng xã hội Facebook đóng cửa tất cả những diễn đàn của trẻ em tham gia trên mạng xã hội này sau khi xảy ra vụ 11.000 học sinh trung học cơ sở thông qua trang mạng xã hội này để rủ nhau bỏ học không phép, sau đó cùng nhau tụ tập tại một quảng trường.