Microsoft đặt cược điện toán đám mây

17/03/2011 09:27 GMT+7

(Thế giới @) - Microsoft đang nỗ lực đầu tư mạnh vào công nghệ điện toán đám mây, dù trước đây đã từng phản đối, bài xích nó

Trong quá khứ, Google là một trong những tên tuổi đầu tư mạnh nhất cho điện toán đám mây trong đó nổi bật nhất chính là hệ điều hành Google Chromium hoạt động trên nền tảng đám mây. Bên cạnh đó, các dịch vụ online của hãng như Google Documents, Google Maps, Google Search... cũng đều hoạt động trên cùng một nền tảng như thế.

Theo các chuyên gia của New York Times, thực ra Google không phải là người đầu tiên tham gia vào điện toán đám mây mà trước đó đã có những công ty nhỏ, lẻ tiên phong đi trước. Chỉ cho đến khi Google thực sự tham gia với tiềm lực tài chính dồi dào vào những khoản đầu tư lớn thì điện toán đám mây mới thực sự khởi sắc.

Không muốn thử nghiệm

Trước đây, trong khi các đối thủ không ngừng hỗ trợ cho điện toán đám mây thì dường như Microsoft vẫn không tỏ ra mặn mà với công nghệ mới này. Ngay thời điểm Google, IBM, Zoho... tung một loạt ứng dụng, trong đó đáng kể nhất là bộ office miễn phí lên web thì Microsoft vẫn chưa thay đổi ý. Trong lúc Google tăng tốc cho dự án hệ điều hành điện toán đám mây Google Chromium thì Microsoft lại tập trung sức lực cho Windows Vista và Windows 7.

Hệ điều hành Google Chromium

Theo các chuyên gia, vào thời điểm lúc đó, Microsoft vẫn chưa thực sự cần tới điện toán đám mây bởi các sản phẩm của họ vẫn chiếm thế thượng phong trên thị trường và cho tới lúc đó, điện toán đám mây mới chỉ là một xu thế mới đang được thử nghiệm. “Microsoft không muốn tốn tiền cho một công việc chỉ mang tính thí nghiệm trong khi hãng đang dồn nguồn lực tài chính cho nhiều dự án to lớn hơn” - Washington Post nhận định.

Chuyển hướng

Cho đến thời gian gần đây, Microsoft đã có những thay đổi tích cực trong chiến lược tiếp cận thị trường khi không ngừng đầu tư cho điện toán đám mây. Vào cuối tháng 10 tại hội nghị PDC 2008, Microsoft đã giới thiệu Azure - một hệ điều hành “đám mây” độc đáo nhằm mang đến cho cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng cơ hội được xây dựng và cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng cơ sở hạ tầng Windows. Windows Azure tách biệt hoàn toàn các ứng dụng chạy trên các lớp hệ điều hành ứng dụng công nghệ ảo hóa của Microsoft. Điều này cho phép các nhà quản trị không cần phải nâng cấp từng PC độc lập khi ứng dụng được chỉnh sửa và như vậy, hệ điều hành này không cần nhiều đòi hỏi về phần cứng so với Google Chromium.

Hệ điều hành điện toán đám mây Windows Azure

Chưa dừng lại ở đó, Microsoft còn tiếp tục tung lên mạng bộ công cụ Office trực tuyến của mình để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Mặc dù động thái này được xem là quá trễ khi mà Google Documents đã “bắt rễ” sâu trong lòng người dùng nhưng nó cũng phản ánh quyết tâm của Microsoft trong việc chinh phục nền tảng công nghệ mới. Hàng loạt các hội thảo liên quan đến điện toán đám mây đã được Microsoft đứng ra tổ chức và bảo trợ.

Ngày 2-3-2011, tại Hà Nội, Microsoft Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây” với khách mời là hơn 300 chuyên gia IT và các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp. Theo ông Andrew Pickup, tổng giám đốc tiếp thị của Microsoft châu Á-Thái Bình Dương, “với điện toán đám mây, người dùng vẫn có quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát dữ liệu của mình. Họ cũng có quyền được biết nhà cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng công nghệ bảo mật nào và đây chính là cơ sở, là căn cứ để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp phù hợp”. “Chỉ có 15% sức mạnh xử lý của hệ thống IT tại các doanh nghiệp đang được sử dụng thường xuyên, 85% còn lại luôn nằm ở trạng thái “chờ” - một sự lãng phí khủng khiếp trên quy mô toàn cầu. Việc chuyển sang điện toán đám mây sẽ giúp phân bổ lại sự bất hợp lý này” - Ông Pickup nhận định.

Mục tiêu lợi nhuận

Việc Microsoft chuyển hướng cũng không nằm ngoài mục đích lợi nhuận. Trước tình trạng các hệ điều hành Windows và bộ sản phẩm văn phòng Microsoft Office liên tục bị vi phạm bản quyền ở nhiều nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Á thì các bộ sản phẩm Office online hoạt động trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây sẽ giúp hạn chế hiện tượng trên.

Một đại diện của Microsoft xác nhận rằng, nếu doanh nghiệp sử dụng bộ Office online thì giá sẻ giảm hơn rất nhiều so với bộ Office offline (cài trong máy) và được nâng cấp miễn phí trong khi chi phí sử dụng hàng năm cực thấp. Doanh nghiệp cũng không cần đầu tư nâng cấp phần cứng mà có thể sử dụng các máy tính cũ để sử dụng các phiên bản phần mềm mới nhất mà không gặp bất kỳ trở ngại gì.

Việt Nam đã gia nhập công ước Bern về tác quyền nên doanh nghiệp nào dùng sản phẩm không có bản quyền sẽ bị phạt rất nặng. Có thể đây là một tiêu chí để Microsoft khai thác tối đa khi tiếp cận với các doanh nghiệp.