Tình trạng phát tán virus dựa vào tên tuổi của những người nổi tiếng thế giới như ca sĩ Rihanna, diễn viên Angelia Jolie... đã tồn tại trên Facebook khá lâu, còn các liên kết bằng tiếng Việt mới xuất hiện vài tháng và bùng phát trong khoảng vài tuần nay.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Công ty Bkav, cho hay cơ chế của các loại virus hoạt động qua Facebook thường là kẻ xấu đăng các đường link đi kèm với thông điệp gây sốc, mời gọi... Vì tò mò, nhiều người đã bấm vào và được dẫn đến website có video clip giả mạo. Tại đây, họ được đề nghị tải plugin để xem video. Nếu cài đặt plugin này, lập tức máy tính của họ sẽ bị nhiễm virus và tài khoản Facebook của người dùng bị biến thành công cụ spam, tự động lan truyền link xấu lên Wall của những người có trong danh sách bạn bè, gây phiền toái và tạo sự hiểu nhầm tai hại.
Những đường link chứa virus trên hai Group khác nhau.
Không ít Group (nhóm) trên Facebook đã vô tình trở thành nạn nhân của tình trạng này do tài khoản của một vài thành viên bị nhiễm virus và làm "bẩn" trang với những hình ảnh đồi trụy. Thậm chí, một số Group có thành viên khá đông đã bị Facebook xoá vì vi phạm nội quy của mạng xã hội, như nhóm "Dọn nhà cho đỡ chật" vốn có hơn 22.000 thành viên. Ông Nguyễn Quang Sơn, người sáng lập nhóm, cho biết: "Trong khoảng nửa tháng gần đây, Group thường xuyên bị đăng nội dung xấu như trên. Các admin phải hoạt động liên tục để xoá bài vi phạm. Chúng tôi còn khuyến khích các thành viên trong Group tích cực sử dụng tính năng báo cáo nội dung xấu để muốn Facebook ngăn chặn hiện tượng trên. Tuy nhiên, thay vì xử lý các cá nhân vi phạm hay bịt lỗ hổng bị virus lợi dụng, Facebook thẳng tay xoá Group mà không một lời cảnh báo trước".
Ông Huỳnh Kim Tước,Giám đốc phát triển và hoạch định chính sách Facebook tại Việt Nam, cho hay Facebook có tính năng tiếp nhận thông tin từ người dùng và sau khi kiểm tra nếu thấy vi phạm các điều khoản sử dụng thì sẽ xử lý. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ bị xoá mà không được kháng nghị. Các Group bị xoá rất khó có thể khôi phục lại được do không có bằng chứng chứng minh không vi phạm các quy định của Facebook.
Facebook gửi thông báo sau khi đã xóa Group vi phạm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Sơn cho rằng về bản chất, Group được tạo ra cho tất cả thành viên tham gia sinh hoạt, do đó khi một hay một vài thành viên nào đó vi phạm thì không thể đánh đồng là cả Group vi phạm. Nếu có xử lý thì chỉ nên xử lý từng cá nhân.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo các admin Group trên Facebook nên chuyển sang chế độ kiểm duyệt nội dung để tránh bị xoá bất ngờ không kịp trở tay. Đại diện một Group có trên 11.000 thành viên cho biết họ cũng vừa phải thiết lập trạng thái đóng, duyệt trước các nội dung mà thành viên đăng lên.
Vì tò mò hoặc do lỡ tay bấm vào link, nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ phát tán virus.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Sơn của Bkav nhấn mạnh rằng người dùng Facebook không phải cài thêm plugin để xem video. Do đó, nếu gặp những đề nghị như vậy, họ có thể nghĩ đến khả năng mình đang bị lừa và không nên làm theo. Cách tốt nhất là nên cài phần mềm diệt virus để nếu lỡ tải nhầm plugin giả mạo hay những phần mềm độc hại khác thì chương trình diệt virus sẽ tự động ngăn chặn.