Nốt nhạc trầm thương mại điện tử

06/02/2011 15:30 GMT+7

<FONT size=2>(Thế giới @)&nbsp;- Lại thêm một năm trôi qua khá trầm lắng của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam.</FONT>

Trừ một số ít “đại gia” hoạt động đa dịch vụ ít bị ảnh hưởng, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT và quảng cáo trực tuyến không có nhiều đột phá về kinh doanh. Các hoạt động bề nổi như hội thảo, tọa đàm... vẫn diễn ra ì xèo nhưng ít có các dự án lớn được công bố rầm rộ như vài năm trước đây.

Những câu chuyện từ Đông Á

Khoảng hơn một năm gần đây, các doanh nghiệp TMĐT không còn lạ S., một nhân vật đến từ Trung Quốc. Năng nổ, tích cực, kiên trì, doanh nhân này đi lại như con thoi, tìm đến các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp, hội thảo... để tìm hiểu. Thông thạo tiếng Anh và rành tiếng Việt đến có thể dùng được tiếng lóng, S. tiếp cận nhanh với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. S. cho biết phía sau anh là rất nhiều doanh nghiệp TMĐT của Trung Quốc đang tìm cơ hội làm ăn tại nước ta. Với kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều lợi thế khi nhảy vào Việt Nam với sự tư vấn tích cực của những người đi tiền trạm như S. Cuối năm qua, S. tổ chức một hội thảo TMĐT lớn với sự tham gia của nhiều hội đoàn và doanh nhân ngành TMĐT đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore...

Nằm khiêm tốn trong một cao ốc bình thường tại TPHCM là văn phòng của T., một doanh nghiệp rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Quá trình phát triển dự án tại Việt Nam của họ khá âm thầm nhưng với chi phí thuê máy chủ lên đến vài tỉ đồng một năm, có thể thấy họ đang đầu tư lớn và lâu dài. Đã có vài dự án dạng mạng xã hội của họ đang đi vào hoạt động ở mức độ thử nghiệm và đây sẽ là đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Câu chuyện của Y., doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, cũng tương tự. Không quảng cáo rùm beng, không họp báo ầm ĩ, họ chăm chú phát triển dịch vụ bán hàng trực tuyến và truyền thông qua các kênh quảng bá nào hiệu quả nhất. Có những dịch vụ quảng bá Y. chỉ tốn chừng 1 triệu đồng/tháng. Đến nay, Y. được xem là một trong số không nhiều website bán hàng có uy tín và bài bản, ngày càng được nhiều công dân mạng biết đến.

Khoảng 100 công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ thiết kế từ website đến brochure, menu, logo do B. cung cấp. B. là công ty do người Nhật lập ra tại Việt Nam, cần mẫn đi tìm khách hàng trong cộng đồng người Nhật. Hiểu rõ sự khó tính của dân xứ mình, B. chinh phục họ bằng cách đưa ra những dịch vụ có chất lượng rất cao với giá phải chăng cùng với kỹ năng về ngôn ngữ. Các vị giám đốc của B. nói thạo tiếng Anh. Cũng như Y., B. không quan tâm các bề nổi mà chú trọng hiệu quả, khả năng phát triển kinh doanh, tập trung đi vào một phân khúc thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam khó lòng chen vào được.

Điểm chung của các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là họ có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực TMĐT, chất lượng dịch vụ tốt, tiềm lực tài chính mạnh. Họ hoạt động âm thầm nhưng thực chất. Họ tập trung phát triển khả năng cung cấp dịch vụ của mình, chinh phục dần dần người tiêu dùng. Ít khi thấy họ công bố dự án một cách rầm rộ hay tham gia vào các danh hiệu, giải thưởng này nọ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp TMĐT ở nước ta lại thích chạy đua tìm kiếm danh hiệu hoặc các hoạt động bề nổi.

“Phục hồi danh dự””cho email marketing

Với xu hướng tìm những kênh quảng cáo chi phí thấp, nhiều doanh nghiệp đang quay lại với hình thức tiếp thị quảng cáo qua email (email marketing). Ông Nguyễn Ngọc Dzũng, Trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOMHCM), nhận định: “Trong suốt một thời gian dài, thị trường này bị nạn spam hoành hành đến mức email marketing được đánh đồng với spam và gánh chịu cái nhìn đầy ác cảm. Người có nhu cầu gửi thư quảng cáo chính đáng không tìm được nhà cung cấp dịch vụ vì “ra ngõ đụng spammer”. Các mẫu quảng cáo với tên gọi mỹ miều “dịch vụ email marketing chuyên nghiệp” thực chất chỉ là bán phần mềm “dội bom” email và danh sách địa chỉ email. Hậu quả là không ít doanh nghiệp lỡ dùng loại phần mềm này gửi thư quảng cáo đã bị liệt vào danh sách đen, bị khóa tên miền, máy chủ, cắt thuê bao Internet... gây thiệt hại về tiền bạc lẫn thương hiệu. Cũng vì những phần mềm “bom mail” này mà Việt Nam bị liệt vào danh sách top 10 quốc gia phát tán spam nhiều nhất thế giới, một danh hiệu đáng buồn”.

Thị trường này dần đi trở lại theo đúng nghĩa của nó từ khi có Nghị định 90/2008 về chống thư rác và cơ quan chịu trách nhiệm chính là Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông (VNCERT). Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Trưởng phòng Nghiệp vụ VNCERT, cho biết Nghị định 90 đã tạo hành lang pháp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ email marketing hoạt động và tái lập trật tự thị trường. Đến nay, đã có 7 doanh nghiệp trên cả nước được cấp mã số quản lý, cung cấp cho các doanh nghiệp dịch vụ hợp pháp và chuyên nghiệp. Sau 2 năm từ khi Nghị định 90 có hiệu lực, có thể nói email marketing đang được “phục hồi danh dự”. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ có mã số quản lý để được tư vấn cách thực hiện email marketing đúng nghĩa, vừa đạt hiệu quả cao vừa bảo đảm về pháp lý.

Mới đây, VECOMHCM cũng đã công bố ra mắt dự án cung cấp giải pháp email marketing chuyên nghiệp do hiệp hội hợp tác với các doanh nghiệp hội viên phát triển có tên là VECOMHCM Newsletter. Đây là công cụ giúp các doanh nghiệp TMĐT có thể dùng email marketing một cách chuyên nghiệp và hợp pháp, góp phần đẩy lùi nạn spam. @

 

Không dễ “ăn ở” với TMĐT

Điểm nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là sự xuất hiện của hàng chục website bán hàng dạng “mua chung” theo mô hình Groupon. Hiện tại, các dự án này được đánh giá là có tính thực tế hơn làn sóng đầu tư vào mạng xã hội trước đây. Tuy nhiên, tương lai của mô hình này thì vẫn còn phải chờ sau một vài năm mới biết được vì TMĐT luôn là cuộc chơi dài hơi và cũng dễ... “chết”, khi chỉ còn một bước nữa là chạm tay vào thành công.