Sẽ "bêu" tên website lừa đảo, sai phạm

23/04/2013 16:17 GMT+7

Những website thương mại điện tử bị phản ánh về hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc kinh doanh không lành mạnh sẽ bị công bố công khai danh tính trên Cổng thông tin về Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Thông tư quy định cụ thể trình tự, thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm và công bố thông tin trên Cổng thông tin về Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
 
Việc công khai tên các website thương mại điện tử lừa đảo, trá hình sẽ giúp nhiều người dân không bị mất tiền oan. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 
Theo dự thảo Thông tư này, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc hành vi kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh gồm: Vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử; về trách nhiệm của người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; về bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn thanh toán; thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc gây nhầm lẫn, mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó...
 
Khi phản ánh trực tuyến tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử về các hành vi sai phạm nêu trên, người phản ánh phải cung cấp những thông tin tối thiểu gồm họ tên, số CMND, địa chỉ cư trú, số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử của người phản ánh; địa chỉ website thương mại điện tử được phản ánh; đối tượng phản ánh (thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử hay thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng trên website đó); tóm tắt nội dung phản ánh; các tài liệu, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm (nếu có).
 
Bất kỳ website thương mại điện tử nào có trên 5 ý kiến phản ánh về một hoặc nhiều hành vi sai phạm sẽ nhận được thông báo của Bộ Công Thương yêu cầu hợp tác, giải trình về những ý kiến phản ánh đó.
 
Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình của Bộ Công Thương, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử không phản hồi hoặc không giải trình được về các ý kiến phản ánh, thì website đó sẽ được đưa vào danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc hành vi kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương cho biết, những quy định trên nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng một số doanh nghiệp núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử để bán hàng đa cấp trá hình, lừa đảo người dân, điển hình như vụ muaban24, shop 360 đã từng “gây sốt” thời gian qua.

“Để xử lý các vi phạm thì có thể áp dụng nhiều biện pháp như cảnh cáo, xử phạt hành chính,… tuy nhiên, có lẽ biện pháp mà các doanh nghiệp “sợ” nhất chính là bị “bêu tên” công khai trên mạng”, ông Linh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Linh, Thông tư trên được chuẩn bị sẵn sàng để Nghị định Thương mại điện tử có thể sớm đi vào cuộc sống ngay sau khi Chính phủ chính thức phê duyệt.