Tái diễn lừa tiền qua nick chat

07/05/2011 10:02 GMT+7

<FONT size=2>Sau một thời gian khá im ắng, hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua việc chiếm đoạt nick chat trên Yahoo! Messenger (YM) lại tiếp diễn trong thời gian gần đây. Không ít người vẫn bị lừa với những thủ đoạn không mới này.</FONT>

 

Người chat Yahoo nên cảnh giác với các kẻ lừa đảo bằng chiêu nạp tiền điện thoại

“Bài” cũ diễn lại

“Tôi đang ngồi làm việc ở văn phòng thì trên khung chat xuất hiện tin nhắn từ một người bạn trong list YM với một đường link. Tôi kích vào đó thì lập tức thấy báo, tôi đã bị loại do đăng nhập trên một máy tính khác; hỏi những người trong cơ quan tôi mới “ngớ” ra vì bị mất nick”- chị A.H- nhân viên văn phòng một công ty kể. Ngay sau khi nick của chị A. H bị mất, một số người bạn cùng cơ quan với chị A.H đã nhận được nội dung chat từ nick của chị A.H với nội dung nhờ mua thẻ điện thoại Viettel để nạp tiền, giả danh là chị A.H.

Biết đây là thủ đoạn lừa đảo, chị N. (cùng cơ quan với chị A.H) đã trò chuyện với “người ngồi sau” nick. Kẻ mạo danh đã cung cấp số điện thoại 0166 758 2174 của mình cho chị N. để chị N. nhắn mã số nạp tiền. “Tôi đã gọi lại số máy điện thoại này, thấy đổ chuông nhưng không có ai nhấc máy. Một lúc sau người này lại nhảy vào chat với tôi trên YM và bảo nhắn mã số thẻ nạp điện thoại qua chat”- chị N. cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc bộ phận An ninh mạng Công ty Bkav, trò lừa đảo “cướp” nick chat YM này đã “nở rộ” vào năm 2006. Sau đó, do có nhiều cảnh báo từ các đơn vị nghiên cứu nên tạm lắng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, các “chiêu bài” lừa nick cũ lại được “diễn” và không ít người sử dụng YM vẫn sửng sốt vì bị mắc lừa, mất nick, mất tiền oan.

Táo tợn hơn, những kẻ chiếm đoạt nick ngang nhiên buông lời thách thức với những người đã rõ mười mươi trò này. Chị T.- phóng viên một tờ báo cho hay: “Cách đây vài ngày, tôi cũng nhận được tin nhắn nhờ mua hộ thẻ Viettel mệnh giá 500.000 đồng, tôi đã gọi điện hỏi lại chủ nick. Biết “kẻ ngồi sau” nick ấy lừa đảo, tôi khuyên người đó nên dừng lại. Lực lượng chức năng không khó để tìm ra thủ phạm cướp nick nếu có phản ánh từ bị hại, nhưng người đó đã nói với tôi: “Vô tư đi. Ra đây mà bắt”!

Đề cao cảnh giác

Nguyễn V. một tay chơi game chuyên nghiệp cho biết: “Thủ thuật chiếm đoạt nick để lừa tiền rất đơn giản, chỉ cần chưa đầy 5 phút là một game thủ chiếm được nick của ai đó. Tuy nhiên, V. cho rằng, trò lừa đảo này không nên thực hiện, bởi chơi game cũng là một trò chơi của những người trí tuệ, không phải của kẻ gian manh.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, không thể khẳng định trò lừa bịp này được tiến hành bởi những người mê game nhưng thiếu tiền, bởi hình thức chiếm nick để nhờ mua thẻ cào, gửi qua mạng nhanh chóng và dễ thực hiện nên kẻ xấu tận dụng cơ hội này. Kẻ xấu có thể gửi một đường link về một trang tin độc hại, có chứa virus rồi virus sẽ lưu lại những thao tác chủ nick gõ trên máy tính để lấy mật khẩu (password) và chiếm nick. Tương tự, kẻ xấu có thể gửi qua chat trong list YM hình ảnh nào đó, phía nhận được chỉ kích vào đó là mất mật khẩu. Cũng có thể kẻ xấu tạo ra một trang khác có giao diện giống hệt YM rồi yêu cầu người sử dụng khai báo thông tin cá nhân… Người nào không cảnh giác, kiểm tra lại tên miền trang web rõ ràng sẽ bị mắc lừa. Bên cạnh đó, lỗ hổng trình duyệt, người sử dụng máy tính không cập nhật các bản vá lỗi thường xuyên cũng dễ trở thành bị hại.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, người dùng không được lơ là, mất cảnh giác trước những trò lừa đảo này. Đây là những mặt trái tất yếu của người sử dụng internet mà mọi người đều phải “sống chung”; trong đó, sự cảnh giác phải được đặt lên hàng đầu. Chuyên gia Bkav khuyến cáo: Người sử dụng YM tuyệt đối không cung cấp mật khẩu của mình cho người khác; không nên mở những file đính kèm hay link có nghi ngờ; kiểm tra tên miền các trang yêu cầu khai báo kỹ lưỡng trước khi điền thông tin. Khi bị nhắn tin nhờ nạp tiền, người dùng cần nhớ gọi điện thoại cho người nhờ xác minh lại thông tin.