Tạo mạng ngân hàng giả, trộm tiền thật

26/02/2011 14:05 GMT+7

<FONT size=2>Mấy tháng lại đây, nhiều nơi ở Trung Quốc liên tục xảy ra những vụ lừa đảo lấy mật mã, sau đó tiến hành ăn trộm tiền của khách hàng qua ngân hàng trực tuyến. Việc an ninh tài chính mạng bị xâm hại đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.</FONT>

 

Một số phương tiện gây án được cảnh sát Trung Quốc thu được.

Ngày 9/12/2010, tại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, liên tục xảy ra 6 vụ ăn cắp tiền ngân hàng trên mạng với tổng giá trị lên tới trên 1 triệu nhân dân tệ (NDT). Trong tất cả các trường hợp nêu trên, những người bị hại đều nhận được tin nhắn từ số di động lạ, cảnh báo rằng mật mã tài khoản ngân hàng trực tuyến của họ sẽ quá hạn vào ngày hôm sau, cần phải nhanh chóng đăng nhập trang mạng chính thức của ngân hàng để nâng cấp. Người bị hại vội vàng làm theo chỉ dẫn từ tin nhắn, hệ quả là tiền trong tài khoản của họ “không cánh mà bay”.

Cảnh sát Thiệu Hưng đã cử các tổ điều tra xuống 6 địa phương ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây để lần tìm manh mối. Sau hơn một tháng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, ngày 13/1/2011, cảnh sát Thiệu Hưng đã phá án thành công, đập tan một băng nhóm tội phạm chuyên trộm cắp tiền của khách hàng qua ngân hàng trực tuyến, bắt 8 nghi phạm, trong đó có tên cầm đầu họ Diệp. Cảnh sát Thiệu Hưng cũng thu giữ hàng loạt phương tiện gây án, bao gồm máy tính và cả thiết bị gửi tin nhắn theo chùm cùng 150.000 NDT mà bọn chúng ăn trộm được.

Chi đội trưởng Chi đội cảnh sát mạng thuộc Cục An ninh thành phố Thiệu Hưng Nghê Bính Thủy cho biết, hiện nay các vụ trộm cắp công nghệ cao như trên đang “lây lan” ở Trung Quốc với tốc độ đáng lo ngại.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 12/2010 trở lại đây chỉ riêng ở tỉnh Chiết Giang đã xảy ra hơn 40 vụ trộm cắp tiền qua ngân hàng trực tuyến với số tiền bị chiếm đoạt phi pháp lên tới hàng triệu NDT. Các địa phương khác ở Trung Quốc như Giang Tô, Quảng Đông, Bắc Kinh… cũng đã xuất hiện những trường hợp rơi vào bẫy lừa đảo tương tự.

Điều đáng chú ý là toàn bộ quá trình thực hiện hành vi lừa đảo lấy tiền qua ngân hàng trực tuyến, kẻ lừa đảo không hề lộ diện. Chúng thường bắt đầu bằng một tin nhắn “đầy thiện ý”, kèm theo hướng dẫn “tận tình” và đường link đến trang web ngân hàng giả.

Đối tượng bị hại không cảnh giác sẽ tự động chui vào bẫy. Do những trang web này đều có tên miền miễn phí ở nước ngoài, nên cảnh sát rất khó khăn trong việc có được thông tin cá nhân của người đăng ký.

Chi đội trưởng Nghê Bính Thủy cảnh báo các cư dân mạng phải tăng cường ý thức phòng phạm của bản thân, không được tin vào nội dung liên quan đến tài chính nêu ra trong những bức thư điện tử, tin nhắn điện thoại không rõ nguồn gốc. Một số cư dân mạng cho rằng phía ngân hàng cũng nên chủ động vào cuộc, tìm ra những trang web ngân hàng giả, thông báo cho khách hàng và thực hiện ngay các biện pháp “vá” lỗ hổng an ninh mạng.

Sau những vụ việc trên, theo nhiều chuyên gia, ngay cả các trang web bán hàng trực tuyến cũng cần phải đề phòng bởi bọn tội phạm có thể tạo ra những trang web giả gần giống với trang web của họ để phục vụ hành vi lừa đảo.

Khách hàng đăng nhập vào những trang web giả này mua hàng sẽ rơi vào cảnh “tiền mất mà hàng chẳng thấy đâu”. Danh tiếng và uy tín của trang web bán hàng thật lại bị tổn hại. Vì thế, các trang web bán hàng trực tuyến nên có lực lượng chuyên trách phát hiện các trang web “nhái” có dấu hiệu phạm tội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý.