Thực trạng về trào lưu điện thoại Hàn tại Việt Nam

24/11/2012 14:02 GMT+7

Trong khoảng thời gian một năm trở lại đây trên thị trường có không ít người dùng lựa chọn và sử dụng những sản phẩm điện thoại xuất xứ Hàn Quốc được đưa về Việt Nam. Trào lưu này nhanh chóng nở rộ trong cộng đồng, cùng với đó là việc các cửa hàng chuyên điện thoại Hàn mọc lên như nấm sau mưa.

Dạo một vòng quanh các diễn đàn điện thoại lớn, không khó để bắt gặp hàng chục, hàng trăm topic do giới “thương nhân” lập ra để buôn bán, trao đổi thông tin về các sản phẩm như LG VU, Galaxy Note, LG LU6200, Sky VEGA… phần lớn trong số này là các phiên bản được sản xuất riêng cho thị trường nội địa Hàn Quốc, có cam kết  sử dụng dịch vụ với nhà mạng .
 
Vì đâu nở rộ?
 
Sự bùng phát của dòng điện thoại Hàn có rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến thiết kế và kiểu dáng khá bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của người dùng Việt. Anh Huy, một người đang cân nhắc lựa chọn các dòng điện thoại Hàn cho hay những sản phẩm điện thoại xách tay từ Hàn Quốc có thiết kế khá và chẳng thua kém những thương hiệu lớn khác. Thêm vào đó chúng cũng có rất nhiều mẫu mã cũng như chủng loại từ trung cấp cho đến cao cấp đủ sức thỏa mãn mọi nhu cầu của người mua.

Một lý do quan trọng không thể không kể đến là giá thành rẻ cũng như cấu hình và hiệu năng cao. Anh Trường, một người đang tìm mua điện thoại cho hay: "Chỉ với hơn 6 triệu đồng nhưng muốn tìm mua một sản phẩm chính hãng từ Samsung, Sony hay HTC hỗ trợ vi xử lý lõi kép là rất khó bởi những sản phẩm này thường có mức giá xấp xỉ trên 7 triệu đồng. Trong khi cũng với mức giá đó thì dòng điện thoại xách tay Hàn Quốc lại có rất nhiều lựa chọn". Chính nguyên nhân này đang khiến cho ngày càng có nhiều người tìm mua và sử dụng những chiếc điện thoại từ xứ Kim Chi và cũng có ngày một nhiều cửa hàng tìm cách nhập các sản phẩm này về.
 
Một chiếc điện thoại nội địa Hàn Quốc với cấu hình cao chẳng kém gì hàng hãng.
 
Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng buôn điện thoại xách tay Hàn Quốc thì điện thoại Hàn thường đi theo hợp đồng nhà mạng nên giá khá rẻ và thường xuyên được thay mới theo các đợt khuyến mãi. Khi mang về Việt Nam khá nhiều máy có thể được sử dụng luôn mà không cần phải unlock trong khi đó cũng tồn tại một số ít cần phải “unlock” để sử dụng. Cũng theo ý kiến của chủ cửa hàng này, tất cả các dòng máy đều sử dụng vỏ nhựa, áp dụng các công nghệ và phần cứng đã có sẵn, không có những công nghệ dạng phát minh hay độc quyền nên không làm đội giá bán nhiều như các sản phẩm từ những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
 
- Loại một là hàng "Fullbox"  nguyên seal, nguyên hộp và được đưa trực tiếp từ Hàn Quốc về. Theo nhận định của GenK thì mức giá cho các sản phẩm này thường cao hơn so với loại còn lại nhưng tựu chung vẫn là rẻ. Tuy vậy, để tìm được một “em” hàng xịn như thế này không phải đơn giản, bởi đi theo con đường này khá khó khăn.
 
- Loại thứ hai phổ biến hơn là dòng đã qua sử dụng “mới 99%” (theo cách gọi của các thương nhân) nhưng nhập theo lô, bỏ hộp, tách phụ kiện đóng riêng để tiết kiệm không gian. Mức giá dành cho các sản phẩm này rẻ hơn nhiều so với loại thứ nhất.
Giới “thương nhân” Việt Nam chia sẻ là vậy nhưng đằng sau câu chuyện điện thoại Hàn cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Làm quen với một trong những tay buôn có tiếng tại Hà Nội, tuy không tham gia “đánh hàng” Hàn Quốc nhưng anh H. cũng cho nắm được khá rõ về cách các dòng máy này đặt chân được vào Việt Nam.
 
Tất nhiên, dù là hàng loại nào thì có 2 điều gần như chắc chắn là các máy điện thoại Hàn dạng này đều là hàng “trốn thuế” và nặng hơn là nhập lậu bằng nhiều con đường. Giới thương gia có thể chọn cách nhanh nhất là xách tay trực tiếp về nước qua đường hàng không hoặc đường biển nhưng làm theo hướng này không vận chuyển được số lượng lớn, chỉ áp dụng với các dòng máy rất mới, muốn đưa về Việt Nam sớm. Con đường có phần chính thống này cũng là cách những iPhone 4, iPhone 5, iPad… đầu tiên có mặt tại Việt Nam (nhưng với mức giá ngất ngưởng).
 
 
Có thể là hàng “Fullbox”...
 
Chính vì những lý do trên mà “đường vòng” là cách được phần lớn dân buôn chọn. Con đường này hơi rắc rối một chút khi máy được chuyển lậu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc (được xem là khá dễ dàng), sau đó tập kết tại Thâm Quyến để chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại cửa khẩu Móng Cái. Chuyển theo cách này, thì phụ kiện và máy thường được để riêng, chuyển theo lô để hạn chế rủi ro và nhanh gọn. Đây cũng là con đường mà BlackBerry hàng dựng trước đây thường đi về Việt Nam.
 
... hoặc hàng “new 99%” full túi bóng theo lô.
 
Tuy nhiên, cách làm này cũng đặt ra câu hỏi, liệu có thật các dân buôn trong nước chấp nhận đi đường vòng với mức chi phí vận chuyển gấp đôi, gấp ba và thiết lập được 1 “đường dây” chuyển hàng hoàn hảo từ Hàn Quốc – Trung Quốc – Việt Nam. Hay chỉ dễ dàng đơn giản đi tìm gặp và mua lại từ các đối tác Trung Quốc – vốn rất nổi tiếng với các chiêu trò dựng máy, tân trang thân vỏ từ thời BlackBerry cho đến iPhone gần đây? Nếu quả thực như vậy thì có thể tin rằng ngay chính bản thân những “thương gia” này còn không thể biết nổi nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thực sự của dòng máy chứ đừng nói đến người dùng cuối tại Việt Nam.
 
 
Phụ kiện “zin” và “chính hãng”.
 
Chính vì đi theo những con đường không chính ngạch nên đa số các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc tại Việt Nam có mức giá tương đối rẻ. Mặt khác giá rẻ của điện thoại xách tay Hàn cũng đến từ cạnh tranh trong nước. Nhu cầu cao cho điện thoại Hàn xách tay nên rất nhiều thương gia đã chọn nhập về Việt Nam, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mạnh giữa các thương gia này với nhau. Vậy nên mức giá dành cho điện thoại Hàn thường khá cạnh tranh do người bán luôn theo dõi giá của nhau để điều chỉnh hạ giá nhằm lôi kéo người mua. Anh Trúc, một người có kinh nghiệm buôn điện thoại Hàn cho hay: Chỉ cần vênh nhau từ 300.000 cho đến 400.000 là hàng của người này đã dễ bán hơn rất nhiều so với của người kia.
 
Tuy cạnh tranh có phần khốc liệt là vậy nhưng dòng điện thoại này vẫn thu hút được dân buôn trong nước. Bởi lẽ, mức giá bán ra vẫn đảm bảo dân buôn lời lớn trên mỗi dòng máy. Tôi đã từng mua được của người quen chiếc Galaxy Note 1 (được quảng cáo 98-99%) với giá chỉ hơn 5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá gốc hơn 7 triệu trên thị trường. Tôi vẫn tin với mức giá 5 triệu này, người bạn của tôi ít nhất cũng vẫn phải hòa vốn chứ không thể lỗ. Nói như vậy để thấy được tính chất siêu lợi nhuận trong ngành hàng tưởng nhỏ mà không nhỏ này.
 
Nhược điểm khi sử dụng điện thoại xách Hàn Quốc
 
Khi đã nói đến ưu thì cũng không thể bỏ qua nhược điểm của điện thoại xách tay Hàn. Dưới đây là một số lỗi thường hay gặp của điện thoại Hàn mà người mua thường gặp phải.
 
1. Ít ROM hỗ trợ và không có giao diện tiếng Việt
 
Rất nhiều người sử dụng điện thoại Android thường hay thích “vọc vạch” bằng cách cài nhiều ROM nhằm tối ưu hóa hoạt động của điện thoại. Điện thoại xách tay của Hàn thướng có ít ROM cũng là điều dễ hiểu bởi chúng chỉ được thiết kế để phục vụ thị trường nội địa Hàn Quốc nên không được cộng đồng quốc tế biết đến và hỗ trợ phát triển ROM.
 
Tuy vậy thì vấn đề này đang được khắc phục bởi cộng đồng người chơi điện thoại Hàn tại Việt Nam  đang ngày càng đông đảo và đủ sức hỗ trợ nhau trong việc phát triển ROM đáp ứng nhu cầu cho các vọc sĩ. Cũng bởi vậy mà sự thiếu vắng giao diện tiếng Việt cũng có thể khắc phục được trong tương lai.
 
2. Lỗi tin nhắn
 
Đây được coi là lỗi rất phổ biến của điện thoại xách tay Hàn Quốc. Bình thường, một tin nhắn sẽ có thể chứa tới 160 ký tự nhưng khi sử dụng điện thoại xách tay Hàn thì người dùng sẽ chỉ có thể nhắn được tối đa 80 ký tự cho một tin nhắn nếu nhắn quá 80 ký tự, người dùng sẽ bị tính vào tin nhắn thứ hai. Nhược điểm này cũng có thể được khắc phục bằng cách cài đặt lại ROM khác hoặc sử dụng phần mềm nhắn tin khác. Đối với những người mới sử dụng thì đây cũng không phải là một điều dễ dàng.
 
 
Tin nhắn vượt quá 80 ký tự không thể gửi được, hoặc bị lỗi font chữ.
 
3. Không nhận sóng hoặc yếu sóng
 
Do được thiết kế tại riêng thị trường Hàn nên những điện thoại được xách về từ đất nước này thường gặp phải lỗi sóng yếu hoặc tệ hơn là không bắt được sóng tại Việt Nam. Với lỗi này thì thường phải sử dụng một thời gian người dùng mới có thể nhận ra được và rắc rối khi đó là phải mất công đem đi bảo hành.

Theo kinh nghiệm của một số thành viên diễn đàn, có những lỗi rất rõ ràng (không nhận sóng, không gọi điện, nhắn tin được); nhưng lại có những lỗi không rõ ràng mà rất hay gặp (sóng yếu, sóng 3G bị 2G đè không thể tự lên lại,...). Nếu người sử dụng gặp phải lỗi rõ ràng thì có thể mang ra “bắt đền” chủ tiệm, nhưng nếu gặp phải những lỗi kia thì lại không thể làm gì bởi việc chứng minh máy lỗi mất rất nhiều thời gian theo dõi sát sao hoặc người bán có thể từ chối ngay với lý do “sóng ở khu vực này không mạnh”.
 
4. Bảo hành
 
Xách về Việt Nam theo đường xách tay nên chế độ bảo hành của những chiếc điện thoại mác Hàn thường không được đầy đủ và tốt như khi người dùng lựa chọn các sản phẩm chính hãng. Chính vì thế mà khi đã quyết định lựa chọn dòng sản phẩm này, người mua không những cần phải bỏ công sức ra tìm hiểu xem “thương nhân” nào trung thực, uy tín mà còn vừa phải đánh cược may rủi bởi chỉ nhìn sơ qua, hầu hết 100% điện thoại hàn quốc đều không bảo hành màn hình. Hầu hết không bảo hành hoặc bảo hành với thời hạn cực ngắn đối với các phụ kiện như pin, sạc, cáp, tai nghe,... Đối với hàng mới 100% thì mới có 1 số cửa hàng bảo hành 12 tháng phần cứng; còn với hàng “mới 99%” thì thời hạn này ngắn hơn rất nhiều thường chỉ là 3 tháng thậm chí là 30 ngày!

Tạm Kết
 
Nhìn chung, sự xuất hiện của những dòng điện thoại xách tay từ Hàn Quốc về Việt Nam đã làm phong phú thêm cho thị trường smartphone Việt qua đó tạo điều kiện cho người dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn khi muốn sử dụng smartphone với mức giá thành rẻ và hiệu năng cao. Tuy nhiên, mức siêu lợi nhuận từ nguồn hàng không rõ xuất xứ và chất lượng thấp có thể là một cái bẫy lớn khiến cho nhiều thương gia tha hóa lương tâm sẵn sàng bán rẻ danh dự và làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng sử dụng điện thoại Hàn nói riêng, và hàng xách tay nói chung.
 
Về phía người sử dụng, nếu chưa phải là “thợ” thì cần phải bỏ thời gian tìm hiểu thật kĩ càng về máy móc cũng như uy tín của nơi bán để có thể chọn mua được sản phẩm chất lượng cao giá rẻ mà không bị dính “trái đắng”; nhưng thiết nghĩ đó có thể được coi là cái giá phải trả hợp lý cho dân chơi điện thoại Hàn.
 
Một chút thoáng buồn vui lẫn lộn khi nhìn qua thị trường điện thoại Hàn tại Việt Nam: Bao giờ các thương gia Việt mới thật sự coi trọng cái “đức” và cái “tâm”? Đến bao giờ cộng đồng yêu công nghệ Việt mới có thể thực sự được tận hưởng những sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ như các nơi khác trên thế giới mà không còn phải canh cánh lo âu?