Tiền mất, thưởng chẳng thấy đâu!

28/11/2013 17:46 GMT+7

Thời gian gần đây rất nhiều thuê bao điện thoại nhận được tin nhắn trúng thưởng từ các ứng dụng di động nhắn tin miễn phí trên smartphone (ứng dụng OTT), nhiều người dùng đã bị lừa mất tiền.

Nhiều bạn đọc đã gọi điện về Tuổi Trẻ phản ảnh vấn đề này.
 
Bị lừa 100 triệu đồng/tháng
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dùng ứng dụng Zalo do Công ty VNG cung cấp đang bị khủng bố tin nhắn lừa đảo nhiều nhất. Nội dung kiểu như: “Hệ thống Zalo: Chào bạn! Thay mặt cho bên Zalo, chúc mừng bạn đã nhận phần quà đặc biệt “SỰ KIỆN” Tuần Lộc Vàng gồm: 1 xe  Liberty  với 30 triệu đồng  và mã dự thưởng: [02584]. Bạn cần LH hỗ trợ viên 01656990863 hoặc vào web eventvang.com/ để cập nhật thông tin”. Nhiều người dùng ứng dụng Viber, Wala cũng nhận được tin nhắn từ các số lạ: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn lọt vào tốp ba tài khoản nhận được quà may mắn trong sự kiện tháng. Click vào link xyz sau để biết thêm chi tiết”...
 
Cần cơ chế quản lý dịch vụ OTT
 
“Hiện tại, dịch vụ OTT được cung cấp bởi các nhà khai thác nội dung khác trên nền dịch vụ 3G của các nhà mạng. Do đó, nhà mạng không có thẩm quyền can thiệp vào nội dung của các dịch vụ OTT - các tin nhắn có nội dung spam, lừa đảo - nên trách nhiệm trong vấn đề này là của nhà cung cấp OTT. Việc này cũng giống như tình trạng lừa đảo trên Internet không thể bắt các nhà cung cấp dịch vụ ADSL phải chịu trách nhiệm. Tôi thiết nghĩ cũng cần phải có cơ chế quản lý các nhà cung cấp dịch vụ OTT” - ông Nguyễn Sơn Hải, phó trưởng phòng kinh doanh Vinaphone.
Điểm chung của các tin nhắn trên đều hướng dẫn người dùng truy cập vào một địa chỉ web và thực hiện các bước “đóng phí nhận thưởng” bằng thẻ cào điện thoại di động hoặc thẻ nạp tiền chơi game của VNG, FPT, VTC. Điển hình là trường hợp của bạn đọc N.V.T. (Trà Vinh) bị lừa gần 4,5 triệu đồng bởi tổ chức giả mạo nhân viên Công ty VNG. Cụ thể theo lời kể của N.V.T.: “Sau khi truy cập vào trang web theo yêu cầu thì có nội dung chúc mừng và yêu cầu nạp thẻ để tiếp tục. Ban đầu họ bảo nạp thẻ mệnh giá 100.000 đồng (tất cả các mạng và thẻ game).
 
Sau khi tôi nạp thẻ thì có một số điện thoại gọi đến xưng là nhân viên VNG xác nhận, rồi bảo tôi liên lạc với nhân viên này qua địa chỉ yahoo: phuonglinh_vinagame và được tư vấn thanh toán vận chuyển với số tiền 850.000 đồng. Tiếp theo tôi được yêu cầu liên hệ với anh Vũ số điện thoại 090278xxxx để được tư vấn thủ tục hồ sơ. Sau khi tư vấn, anh Vũ yêu cầu tôi gọi sang số của anh Hoàng phòng kế toán 090560xxxx để hoàn thành phần còn lại. Tôi gọi anh Hoàng thì được yêu cầu phải đóng thêm phí hỗ trợ 5.000.000 đồng. Tôi nói không thể lo nổi thì anh tắt máy bảo họp hội đồng để hỗ trợ. Sau đó anh ta gọi lại bảo đã họp xong và quyết định hỗ trợ 30%, nghĩa là tôi cần thanh toán thêm 3.500.000 đồng (hình thức nạp thẻ không sử dụng tiền mặt). Sau khi thanh toán xong, anh ta gọi lại bảo để hoàn thành phần giải thưởng, thuê nhà báo... cần chuyển tiếp 7.000.000 đồng tiền thẻ nữa. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa”.
 
Theo ghi nhận, nạn nhân bị lừa chủ yếu là người dùng ứng dụng Zalo và các dịch vụ khác (chủ yếu là các trò chơi) của Công ty VNG. Theo bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty VNG, trong tháng 8-2013, họ đã nhận được 689 phản ảnh từ khách hàng về hành vi lừa đảo trên các kênh trực tuyến. Tổng giá trị thiệt hại có thể quy đổi cụ thể thành tiền mặt qua các hình thức: lừa nạp thẻ điện thoại, thẻ game hoặc lừa tiền mặt là 100 triệu đồng. Trong đó, khách hàng bị lừa đảo nạp tiền nhiều nhất vào website shopquaVLCM.com với số tiền hơn 22 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng bị lừa đảo nạp tiền vào hàng loạt website như hackgame.vn; xuzing.net, khoqua.net... với số tiền trên dưới 3 triệu đồng. Theo phản ảnh của khách hàng, có hơn 60 website khả nghi.
 
“Ứng dụng OTT nào cũng bị”
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng người dùng các ứng dụng OTT đang bị giăng bẫy lừa đảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, giám đốc điều hành Công ty Wala - cung cấp dịch vụ Wala, thừa nhận “giờ ứng dụng OTT nào cũng bị”. Nguyên nhân do người Việt Nam dùng các ứng dụng OTT ngày càng nhiều, bao nhiêu người dùng smartphone là bấy nhiêu người dùng OTT, ngoài ra “do những kẻ spam, lừa đảo tận dụng tối đa ưu thế miễn phí và dễ dàng tìm bạn của các ứng dụng này. Còn người dùng thì lúc nào cũng online nhờ kết nối 3G hoặc WiFi nên xác suất gửi thành công các tin nhắn rác, lừa đảo này đến người dùng cao không kém SMS mà lại không tốn phí gửi. Wala chúng tôi cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và đã hạn chế rất nhiều, nhưng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn được” - ông Hòa cho biết.
 
Về việc nhiều người dùng ứng dụng Zalo bị lừa, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, trưởng phòng truyền thông Công ty VNG, khẳng định: “Zalo hoàn toàn không có những chương trình khuyến mãi “thông báo trúng giải thưởng một xe máy và 30 triệu đồng, nếu muốn lĩnh giải thì cào và nạp thẻ vào số điện thoại nhắn tin này”.  Bà Thi cho biết VNG đã nhận được phản hồi của nhiều người dùng về tình trạng giăng bẫy lừa đảo. Qua phân tích, VNG nhận diện các đối tượng lừa đảo thường dùng công cụ “Yêu cầu kết bạn” của Zalo và đặt tên cho tài khoản của họ theo kiểu “Quan Tri Vien”, “Nhan Thuong”, “Ban Quan Tri” để gửi tin nhắn đến người dùng. “Từ những thông tin khách hàng cung cấp, chúng tôi đã tổng hợp các trường hợp, thủ đoạn và những website lừa đảo thông báo đến các cơ quan chức năng, đồng thời liên tục cập nhật những trang giả mạo VNG đến khách hàng thông qua các website, trang chủ dịch vụ, sản phẩm của công ty. Chúng tôi cũng mong khách hàng tỉnh táo để nhận ra các tin nhắn lừa đảo, các website giả mạo các sản phẩm của VNG để lừa đảo” - bà Thi nói.
 
Chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Tìm hiểu về cơ chế lừa đảo của những kẻ xấu nấp sau các tin nhắn, chúng tôi đã thử truy cập vào website hosoxe.com theo hướng dẫn trong tin nhắn thông báo trúng thưởng. Giao diện xuất hiện với bảng chứng nhận “website nhận thưởng tri ân khách hàng mạng xã hội” kèm theo đó là thông báo tài khoản của bạn “được lựa chọn là chủ nhân giải thưởng một chiếc xe Air Blade + 20 triệu đồng kèm phiếu đổ xăng miễn phí một năm... (tổng trị giá giải thưởng lên đến 100 triệu đồng)”.

Ngay bên dưới, website yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân (cả địa chỉ cư trú, số điện thoại, email, số chứng minh nhân dân) và chọn màu xe cho có vẻ tin tưởng. Sau khi cập nhật thông tin cá nhân, người dùng sẽ phải làm hai thủ tục rất quan trọng để nhận thưởng là “thanh toán phí” và “rút phí đăng ký hồ sơ”. Trong phần thanh toán phí là hình thức để nhận xe bằng các loại thẻ cào điện thoại Viettel, MobiFone, Vinaphone hoặc thẻ thanh toán của FPT Gate, VTC Vcoin. Khách hàng nạp mã thẻ làm theo hướng dẫn sẽ “biếu không” tiền thẻ cho kẻ lừa đảo.