Vừa sắm được chiếc iPhone xách tay không lâu, anh Tiến ở Giải Phóng (Hà Nội) liền mang máy đến cửa hàng để cài đặt ứng dụng và các phần mềm hỗ trợ điện thoại. Được nhân viên cửa hàng quảng cáo "chỉ mất 200.000 đồng phí cài đặt cho cửa hàng thì sẽ có ngay gói 100 ứng dụng bản quyền và miễn phí", anh không ngần ngại đồng ý.
Người dùng có thể tốn tới tiền triệu vì dùng ứng dụng miễn phí.
"Về đến nhà, tôi mới phát hiện trong số cả trăm ứng dụng miễn phí này, chỉ có một vài phần mềm hữu ích cho mình, còn lại chỉ toàn game, danh sách những truyện cười tục, nhảm... Mất thời gian quay lại cửa hàng yêu cầu cài ứng dụng theo yêu cầu thì được cho biết là không có, nên không cài được. Ngay cả những phần mềm đã được cài trước đó, nếu muốn nâng cấp lên phiên bản mới cũng không thể tự làm được, phải nhờ cửa hàng, mà như vậy thì đồng nghĩa với việc mất phí", anh Tiến chia sẻ.
Lướt qua một vòng những ứng dụng gắn mác "free" trên điện thoại, không hiếm gặp những comment phàn nàn về việc thu phí trá hình đối với người dùng, đặc biệt là với các ứng dụng giải trí. “Chỉ chơi được một vài phút, màn hình nhảy ra cửa sổ yêu cầu mua ứng dụng, nếu không sẽ dừng cung cấp dịch vụ”, một người dùng bình luận trên Android Market.
Thậm chí, một số phần mềm kiểu này còn khiến máy treo, nếu không click vào dòng lệnh đồng ý sẽ không thể thoát ra được màn hình chính. “Sau một vài lần phải đến cửa hàng nhờ can thiệp, bây giờ tôi luôn tránh xa mấy ứng dụng kiểu này. Thà mất tiền mua sản phẩm bản quyền để được dùng yên ổn còn hơn”, một người sử dụng bức xúc nói.
Một thành viên trên diễn đàn Tinh tế cho biết, khi tải về máy một số ứng dụng Việt có ghi "miễn phí", thành viên này không ngờ rằng tài khoản của mình bị rút ruột tới 15.000 đồng mỗi khi khởi chạy ứng dụng. Sau khi cho phép người dùng download miễn phí, các ứng dụng này sẽ âm thầm gửi tin nhắn về một đầu số thu phí theo cú pháp định sẵn ngay khi được khởi chạy.
Quá trình gửi nhận tin nhắn diễn ra mà hoàn toàn không có bất kỳ cảnh báo hay lưu ý nào để người sử dụng biết được mình đang mất tiền khi sử dụng ứng dụng. "Thậm chí, một số phần mềm kiểu này còn thu tiền người dùng trên mỗi lần sử dụng, gây tình trạng một ứng dụng mà phải trả phí nhiều lần, trong khi chủ thuê bao không hề hay biết, cứ nghĩ đã thanh toán xong. Đáng nói hơn, hầu hết ứng dụng kiểu này đều đến từ các nhà cung cấp Việt Nam, như Đôrêmon, 7 viên ngọc rồng (ứng dụng đọc truyện tranh)...", thành viên này ngán ngẩm.
Theo anh Trường, chủ một cửa hàng bán điện thoại tại Cầu Giấy, Hà Nội, các ứng dụng bản quyền trên điện thoại di động đều khá rẻ, phần lớn luôn dưới 1 USD, chỉ phải mua một lần nhưng cho phép chia sẻ và sử dụng lại khi đổi máy. “Rất nhiều ứng dụng kiểu này được các hãng điện thoại cung cấp miễn phí toàn bộ, hoặc miễn phí một phần, mà chỉ những người có tài khoản mới tiếp cận được. Vì thế, thay vì chỉ săn những ứng dụng gắn mác ‘miễn phí’, người dùng Việt nên cân nhắc lựa chọn những kênh mua sắm bản quyền, tránh việc bị mất tiền oan".