Vì sao hashtag bị thất sủng trên Facebook?

02/02/2014 16:44 GMT+7

Từng làm mưa làm gió trên Instagram và Twitter nhưng hashtag lại gần như là một thất bại hoàn toàn trên Facebook: không ai sử dụng dấu "#" để đánh dấu các chủ đề mà mình đang nói cả. Vì sao tình trạng này lại diễn ra?

Khi hashtag lần đầu xuất hiện trên Facebook vào khoảng tháng 6-2013, người dùng Facebook bỗng dưng thấy News Feed của họ tràn ngập các biểu tượng dấu thăng (#). Nhưng, chỉ vài tháng sau, gần như chẳng còn ai sử dụng hashtag nữa cả. Điều này có thể gây bất ngờ cho nhiều người, bởi hashtag là một trong những lý do chính góp phần tạo nên thành công cho các mạng xã hội như Twitter và Instagram (nay đã thuộc quyền sở hữu của Facebook).
 
Nhưng, một khi đã nhìn vào bản chất của hashtag và Facebook, bạn sẽ sớm nhận ra rằng tính năng này chẳng có lý do gì để xuất hiện trên mạng xã hội số 1 hành tinh cả.
 
Sau đây là 5 lý do chính dẫn tới tình trạng "sống dở chết dở" của hashtag trên Facebook do trang công nghệ Make Use Of tổng hợp lại.
 
Hashtag không phải là một tính năng quen thuộc trên Facebook
 
Cộng đồng IT nói riêng và công nghệ nói chung đã sử dụng hashtag từ thập niên 1970. Twitter, vốn được ra mắt vào cuối năm 2006, đã bắt đầu sử dụng hashtag từ năm 2007. Người dùng Twitter có thể sử dụng hashtag để đánh dấu rằng tin ngắn (Tweet) của họ thuộc về một cuộc hội thoại, một chủ đề nhất định. Nhờ có hashtag mà Twitter mới có thể phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
 
Hashtag ra đời trên Twitter vào năm 2007
 
Trái ngược lại, Facebook phải mất tới hơn 10 năm mới bắt đầu hỗ trợ hashtag. Người dùng Facebook đã quá quen với việc sử dụng trang cá nhân của mình không cần có hashtag, chưa kể sự ra mắt của tính năng này trên Facebook khiến người ta cảm giác rằng Mark Zuckerberg đang "copy ý tưởng" của Twitter.
 
Người dùng Facebook không cần tới hashtag
Trước khi hashtag ra mắt trên Twitter, người dùng không có cách nào để tạo ra các cuộc hội thoại cùng một chủ đề cả. Nhờ có hashtag, người dùng Twitter mới có thể tham gia vào thảo luận cùng một chủ đề và trả lời các tin nhắn Tweet từ những người dùng Twitter khác.
 
Nhờ có hashtag mà Twitter mới có thể có những cuộc hội thoại thú vị như thế này
 
Facebook hoàn toàn khác biệt với Twitter: mạng xã hội số 1 hành tinh thực chất là một loạt các cuộc hội thoại bắt nguồn từ một câu trạng thái, một bức ảnh hoặc một bài viết đăng trên Tường của bạn bè. Hashtag trở nên phổ biến trên Twitter bởi đây là cách duy nhất để người dùng Twitter tạo ra các dòng hội thoại trên mạng xã hội này. Ngược lại, người dùng Facebook không cần tới hashtag mà vẫn có thể thảo luận một cách thoải mái.
 
 
Bạn không cần phải có hashtag trên Facebook để có thể tham gia bình luận, trò chuyện
 
Gần đây, Facebook cũng đã ra mắt tính năng Trending Topics (Chủ đề Nổi bật), khiến cho việc sử dụng hashtag càng trở nên thừa thãi.
 
Người dùng Facebook không hiểu rõ hashtag
 
Bạn có thể tạo hashtag trên Facebook một cách dễ dàng bằng cách thêm dấu thăng vào trước một cụm từ nào đó và nhấn nút Đăng bài. Bạn có thể sử dụng bất kì một từ, cụm từ nào làm hashtag: từ #vnreview cho tới #iPhone, từ #starwars cho tới #doge v.v…
 
Tuy vậy, khi bấm vào hashtag trên Facebook, bạn sẽ thấy rằng số lượng các bài viết sử dụng hashtag để đánh dấu chủ để tương ứng gần như là bằng 0. Lý do là người dùng Facebook chủ yếu vẫn đang dùng hashtag để làm mục đích… trang trí, thay vì để đánh dấu cho status, bức ảnh của mình tham gia vào một chủ đề nhất định. Hashtag còn bị sử dụng khá bừa bãi trong các câu status quảng cáo không có giá trị thực dụng với người dùng.
 
Ví dụ điển hình về việc sử dụng hashtag một cách vô nghĩa
 
Hashtag sẽ làm tốn tài nguyên máy chủ một cách vô ích
 
Facebook sẽ tạo một đường dẫn riêng cho mỗi hashtag. Điều này là tương đối đáng lo ngại, bởi nhiều người dùng thêm các hashtag một cách vô tội vạ vào bài viết Facebook của họ.

Ví dụ, trong bức ảnh trên, bạn có thể thấy tới hàng chục hashtag để nói về một chủ đề. Người dùng cũng sẽ tự tạo ra hàng triệu hashtag vô nghĩa kiểu như #toilakhoaitay, và tương ứng với hàng triệu hashtag vô nghĩa này sẽ là hàng triệu đường dẫn tới các chủ đề trống không trên Facebook. Đây quả là một tình huống không mấy dễ chịu cho cả Facebook lẫn người dùng.
 
Các bài viết có hashtag vẫn bị quản lý bởi tùy chọn cá nhân
 
Trong suốt lịch sử của mình, Facebook luôn phải tìm cách cân bằng giữa các lựa chọn chọn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và sự phát triển của mạng xã hội này. Mới gần đây nhất, Facebook đã bị phản đối khi buộc người dùng phải để ảnh cá nhân và ảnh bìa của mình ở chế độ công khai.

Trên Facebook, tất cả các bài viết có sử dụng hashtag vẫn sẽ bị áp dụng phạm vi quyền riêng tư của bài viết đó. Điều này có nghĩa rằng ngay cả khi bạn sử dụng một hashtag bao hàm một chủ đề rất rộng như #iphone hoặc #facebook trên một câu trạng thái chỉ cho phép bạn bè vào xem, những người dùng không phải là bạn bè của bạn sẽ không thể nhìn thấy câu status của bạn.
 
Cũng bởi vậy mà khi bấm vào các hashtag trên Facebook, bạn thường xuyên thấy các dòng hội thoại tương ứng gần như trống không. Trên Twitter, tất cả mọi thứ đều được đặt ở chế độ Công khai (Public) cho phép tất cả mọi người vào xem, và nhờ đó hashtag mới trở nên hữu dụng.
 
Liệu hashtag trên Facebook có sớm chìm vào dĩ vãng?
 
Ngay sau khi Facebook ra mắt tính năng hashtag, các chuyên gia công nghệ đã sớm chỉ trích rằng tính năng này chỉ là một vật trang trí vô ích được Facebook tung ra nhằm chiều lòng một số ít người dùng. Bạn vẫn có thể tạo ra các chủ đề trò chuyện bằng hashtag, song các giới hạn quyền riêng tư khiến điều này trở nên vô nghĩa. Thời gian sẽ sớm trả lời cho số phận của hashtag trên Facebook, song rõ ràng chẳng còn mấy ai sử dụng #facebook nữa cả.