3 nỗi sợ

11/04/2018 13:53 GMT+7

Cháy nổ - tắc đường - lụt lội. Đó là 3 nỗi sợ ám ảnh người dân đang sống trong các chung cư, các đô thị lớn.

Đầu tiên là nỗi lo về cháy nổ. Trong suốt hơn 3 tháng qua, hầu như ngày nào cũng xảy ra cháy. Từ đô thị lớn đến đô thị nhỏ. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó, đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ đã bị lơ là. Nỗi lo này càng lớn hơn đối với các chung cư cao tầng ở những đô thị lớn. Riêng trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, qua kiểm tra, hàng trăm chung cư được phát hiện là các chủ dự án, ban quản lý chung cư "bỏ qua" hệ thống phòng chống "giặc lửa". Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát an toàn phòng cháy chữa cháy của các cơ quan chức năng cũng chưa được coi trọng đúng mức. Dường như sinh mệnh của những cư dân đã bị "bỏ quên" trong lĩnh vực này.

Đáng quan ngại hơn, tại nhiều nơi, việc đầu tư cho công tác phòng chống cháy nổ chỉ "làm cho có", rất sơ sài và hoàn toàn "vô tác dụng". Như tòa chung cư CT5B ở khu đô thị Văn Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội), hệ thống báo cháy "câm" hoàn toàn khi cháy xảy ra.

Đáng ngại hơn là gần đây, có nơi, cư dân ở chung cư lại luôn sống trong cảnh bất an, lo ngại về an toàn tính mạng khi hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà hoạt động rất bất thường, liên tiếp báo cháy giả. Tính mạng và rủi ro của người dân hoàn toàn phó mặc cho may rủi khi có đến 539/718 chung cư cao tầng ở Hà Nội chưa mua bảo hiểm cháy nổ.

3 nỗi sợ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không chỉ có cháy nổ. Tắc đường và lụt lội cũng là nỗi ám ảnh chưa dứt.

Thực tiễn phát triển tại các đô thị lớn trên cả nước thời gian quan cho thấy, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đã bị “bỏ qua”, bị phớt lờ. Ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, tình trạng kẹt xe vẫn ngày một gia tăng dù hạ tầng giao thông đang được mở rộng. Ngoài nguyên nhân do số ôtô, xe máy tăng nhanh, còn do việc cấp phép ồ ạt các khu văn phòng, khách sạn, nhà ở, siêu thị… vào trung tâm đô thị cũ vốn đã quá tải; do quy hoạch khu trung tâm không hạn chế số nhà cao tầng, do giải tỏa hàng loạt nhà máy, kho tàng lẽ ra thành vườn hoa cây xanh nay lại cắm vào đó các siêu thị, trung tâm buôn bán, nhà văn phòng, khách sạn nhà ở; do một thời gian đầu không mở rộng đô thị để giãn dân.

Bên cạnh đó, tình trạng úng ngập cũng không phải chỉ do đường ống cũ, mưa lớn, triều cường ngày càng cao, mà còn do chính các nhà quy hoạch đã cấp phép hàng loại dự án cho lấp hàng loạt ao hồ, ruộng, sông ngòi… Xung quanh các đô thị lớn, lẽ ra phải tăng thêm diện tích hồ tiêu thủy, rừng cây nhưng các dự án lại cho tôn nền, lấp ao hồ, ruộng nước cao các khu đô thị mới làm cho khu đô thị cũ trũng hơn, ngập hơn. Đã thế, các công trình tiêu thủy lại luôn đi sau một bước... Cộng thêm, việc quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng lấn chiếm ao, hồ, kênh rạch.. Cứ như vậy, áp lực đè lên hạ tầng đô thị nên ngập lụt vẫn là nỗi lo thường trực mỗi mùa mưa xuống, triều lên.

Xây mới, sửa sang là điều cần thiết để tạo lập bộ mặt đô thị khang trang hơn. Nhưng những hoạt động xây dựng, nếu vẫn theo lối thủ công, chụp giật thì người dân sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường cục bộ.

Nguy hiểm hơn, khi những điều kiện tối thiểu để bảo đảm an toàn cho người dân không được quan tâm, bị phớt lờ, khi đó, không chỉ sức khỏe, mà tính mạng của người dân cũng có thể bị đe dọa.