Cần Thơ cần 2.441 tỉ đông xây kè bảo vệ bờ sông, kênh rạch. Trong ảnh là một điểm sạt lở xảy ra gần đây tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết tại buổi làm việc về kế hoạch bố trí di dời các hộ dân sống ven sông rạch và kế hoạch phòng chống sạt lở diễn ra chiều nay, 6-9, tại thành phố Cần Thơ.
Theo ông Hè, 9 dự án gồm, kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy); kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy, Ninh Kiều); kè sông Bò Ót (quận Thốt Nốt); kè chống sạt lở bờ sông kênh Thốt Nốt (quận Thốt Nốt); kè bờ sông Cần Thơ- dự án ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ (quận Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền); kè bờ sông Cần Thơ, đoạn từ nhà khách số 2 đến rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều); Kè Cái Sơn- Mương Khai (quận Ninh Kiều, Bình Thủy); kè đoạn sông Cái Răng Bé (quận Cái Răng) và kè chống sạt lở sông Ô Môn- khu vực Thới An (quận Ô Môn), với tổng chiều dài gần 22 km.Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết tại buổi làm việc về kế hoạch bố trí di dời các hộ dân sống ven sông rạch và kế hoạch phòng chống sạt lở diễn ra chiều ngày 6-9, tại TP Cần Thơ.Ngoài các dự án nêu trên, ông Hè cho biết, địa phương đang tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí cho địa phương thực hiện hai dự án kè chống sạt lở từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, là dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn- khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn (phía bờ phải), có tổng chiều dài trên 1,5 Km với kinh phí đầu tư 198 tỉ đồng; dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), có chiều dài 1,9 km với kinh phí đầu tư 223 tỉ đồng.
Về tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 2010- 2017, địa phương có 153 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 6,1 km; sạt lở làm chết 4 người, bị thương 5 người và có 53 căn nhà bị hư hại hoàn toàn với tổng thiệt hại trên 20 tỉ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm nay, tại địa phương đã xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà; có 43 căn bị sạt một phần cũng như bị ảnh hưởng với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586 mét, tổng thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra ước trên 33,6 tỉ đồng.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, hiện trên địa bàn các quận, huyện, có 155 km bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở với 2.600 căn nhà nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời, tương đương tổng số dân cần phải di dời hơn 18.400 người.
Còn theo quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 của thành phố Cần Thơ, địa phương sẽ sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở cho 9.353 hộ dân với 37.306 nhân khẩu sống ven sông, kênh rạch. Trong đó, giai đoạn 2017 -2020 thực hiện bố trí ổn định cho 5.309 hộ thông qua việc di dời đến các cụm dân cư tập trung, xen vào tuyến dân cư trên địa bàn và ổn định tại chỗ.