Đặt cọc mua bán nhà bị vô hiệu: Xử lý như thế nào?

07/06/2018 08:40 GMT+7

Hỏi: Bố tôi đã ký hợp đồng nhận tiền đặt cọc của một cá nhân để bán nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Giờ bố tôi không thể bán nhà do phát sinh khiếu nại ngoài ý muốn. Vậy, nếu người mua nhà kiện ra tòa, bố tôi có bị phạt cọc hay không?

Nguyễn Thị Giáng Hương (KP Bình Hòa, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)


Đặt cọc mua bán nhà bị vô hiệu: Xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, các bên có trách nhiệmhoàn trả cho nhau số tiền đã nhận. Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo quy định, thỏa thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự, vì vậy việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định (người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện) và phải được lập thành văn bản.

Khoản 1, Điều 126 Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định rõ, việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả chủ sở hữu; nếu có chủ sở hữu chung không đồng ý bán, các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, nếu bên nhận đặt cọc và bên đặt cọc đều có lỗi làm cho việc đặt cọc bị vô hiệu do không thực hiện đúng điều khoản này thì theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, các bên có trách nhiệm hoàn trả cho nhau số tiền đã nhận.

Luật gia Nguyễn Văn Khôi