Di dời sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai?

10/09/2018 14:24 GMT+7

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) chia sẻ thêm về đề xuất của mình.

Không ngại xa

Hội thảo khoa học Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP HCM được tổ chức ngày 8-9 tại Đà Nẵng.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần xem xét việc di dời sân bay Đà Nẵng nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển giao thông đô thị cũng như phát triển kinh tế Đà Nẵng và khu vực.

TS - KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký VUPDA, cho rằng Đà Nẵng có thể chọn việc khai thác sử dụng sân bay Chu Lai.

Chia sẻ với Đất Việt cụ thể hơn về đề xuất này, TS-KTS Trương Văn Quảng cho biết Đà Nẵng cách sân bay Chu Lai 100km, trong khi đã xây dựng đường cao tốc trên cao nên thời gian từ Chu Lai về Đà Nẵng chỉ mất chừng 1 tiếng.

Chưa kể, nay mai có đường sắt cao tốc và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có thêm đường sắt nội vùng, tàu điện nhanh nối đến tận Nha Trang. Vì  thế, ông tin rằng cự ly nói trên không có gì đáng ngại trong tương lai nếu giải quyết tốt phương tiện công cộng.

"Trong Quyết định 1085 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có hướng sẽ lấy sân bay Chu Lai để tương lai di dời sân bay Đà Nẵng và dùng sân bay Đà Nẵng (diện tích hơn 800ha) để phát triển một trung tâm tầm cỡ, đó là trung tâm dịch vụ-thương mại-tài chính-ngân hàng của khu vực và quốc tế.

Nhìn từ hành lang Đông Tây thì đây chính là cửa ngõ của hành lang Đông Tây hướng biển, nếu giành quỹ đất sân bay Đà Nẵng để xây dựng hướng biển thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được với Singapore và một số nước.

Hiện Đà Nẵng đang thiếu một trung tâm mang tính tầm cỡ, nếu cứ loay hoay mỗi mảng du lịch thì khách chủ yếu đến ăn xong rồi về. Trong khi đó, nếu có các hoạt động khác, có các cơ quan đại diện, có văn phòng của các tập đoàn quốc tế trụ lại, có kết nối tài chính, chứng khoán... thì Đà Nẵng sẽ rất khác", Phó Tổng thư ký VUPDA nói.

Trước ý kiến lo ngại sân bay cách Đà Nẵng 100km sẽ ảnh hưởng lớn đến sự hấp dẫn của TP trong tương lai, các tập đoàn quốc tế sẽ bỏ Đà Nẵng, TS-KTS Trương Văn Quảng trấn an: nếu di dời về sân bay Chu Lai, chắc chắn không gian ở Đà Nẵng sẽ có cơ hội để phát triển và tạo sức hút.

"Khi không có sân bay ở vị trí hiện nay, Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Chúng  ta không phải ngại các tập đoàn quốc tế sẽ bỏ Đà Nẵng bởi đã có nhiều phương tiện nhanh, từ cao tốc đến đường sắt, đường bộ..., quan trọng là các tập đoàn quốc tế có định vị ở Đà Nẵng hay không, có tạo ra nhiều cơ hội công ăn việc làm cho các đối tượng khác hay không...

Sân bay chủ yếu mang tính dịch vụ-thương mại-du lịch, nếu không di dời thì TP không còn quỹ đất để phát triển", ông Quảng bày tỏ quan điểm.

Di dời sân bay Đà Nẵng vào Chu Lai? - Ảnh 1.

Sân bay Đà Nẵng


"Theo ý kiến tại hội thảo, có thể chuyển sân bay Đà Nẵng về Trảng Nhật (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) hoặc có thể lấn biển để xây dựng sân bay. Việc lấn biển thì Tập đoàn Kansai cuả Nhật hay Hongkong (Trung Quốc) cũng đã làm.Trong trường hợp Đà Nẵng không muốn chuyển sân bay vào Chu Lai vì ngại xa, theo TS-KTS Trương Văn Quảng, TP có thể tìm những vị trí khác trong ranh giới TP hiện nay, vị trí cụ thể cũng đã được các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Tôi cho rằng, quan trọng là phải có ý chí chính trị, còn sẽ làm được hết. Các chuyên gia hàng không, chuyên gia quy hoạch sẽ cùng lựa chọn làm sao có được một vị trí sân bay tốt, đảm bảo kỹ thuật bay, an toàn bay cũng như không ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị.

Sân bay Đà Nẵng chắc chắn chưa thể di dời ngay, phải 20-30 năm, thậm chí 50 năm nữa. Ở đây, các ý kiến đang đề xuất một tầm nhìn bởi sau này sân bay Đà Nẵng phát triển lên quy mô như dự báo thì lượng hành khách, máy bay ra vào hàng ngày chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề rất mệt, chẳng hạn như tiếng ồn.

Sân bay Đà Nẵng lại vừa làm nhiệm vụ sân bay dân sự vừa là sân bay quân sự, tới đây có thể phải tách ra chỉ làm thương mại đơn thuần...

Dù sao, như đã nói, đây là vấn đề dài hơi, hội thảo đưa ra như vậy để rộng đường trao đổi", ông Quảng cho biết.

Đảm bảo không gian xanh

Phó Tổng thư ký VUPDA cũng chỉ rõ, hiện nay việc phát triển đô thị Đà Nẵng không quá đậm đặc, phần lớn chia lô theo dân sự nhiều, không rõ các trung tâm, các khu hoạt động công cộng, đặc biệt một số không gian công cộng trong quy hoạch sau này bị hẹp lại.

Chẳng hạn, diện tích công viên trung tâm Đà Nẵng nhỏ đi rất nhiều, hay dọc hành lang các sông Hàn, sông Cu Đê...  đã lấn ra sông rất nhiều để phát triển đô thị trong khi lẽ ra đó phải là những hành lang xanh.

"Nếu dọc hành lang sông ở Đà Nẵng là các công viên vui chơi giải trí theo thềm địa hình thì chúng có giá trị rất đẹp vì những hành lang ấy đón luồng sinh khí cho đô thị phát triển tốt.

Muốn vậy, bây giờ phải tái cấu trúc lại ruộng đất, nhưng nhiều người lo ngại đất Đà Nẵng có chủ hết rồi, khó tái cấu trúc. Đó là vấn đề lớn của Đà Nẵng. Như vậy, trung tâm của Đà Nẵng để theo định hướng chung chưa được rõ", ông Quảng nhận xét.

Cũng theo vị kiến trúc sư, nếu di dời sân bay Đà Nẵng và diện tích sân bay để phát triển dịch vụ, thương mại vẫn đảm bảo được không gian xanh cho TP.

"Khi làm quy hoạch thì phải có thiết kế và chúng tôi đề nghị nếu có quỹ đất đó thì sẽ đặt một đầu bài để thi quốc tế lấy ý tưởng. Sẽ có nhiều ý tưởng và cây xanh chắc chắn rất nhiều mà vẫn đảm bảo hoạt động của một trung tâm dịch vụ thương mại tài chính tầm cỡ ", TS-KTS Trương Văn Quảng nói.