ảnh: Đình Sơn - Ngọc Dương
Bất chấp việc hàng loạt lãnh đạo công ty bất động sản bị bắt, bị khởi tố vụ án vì bán dự án "ma" để chiếm đoạt tài sản, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này vẫn không hề giảm đi, đặc biệt là dịp năm hết, tết đến.
Nhờ tư vấn, chiếm luôn đất phân lô bán nền
Nhiều doanh nghiệp, đầu nậu trước đây đi mua gom đất, sau đó xin đấu nối hạ tầng để phân lô tách thửa khá dễ dàng thì nay gần như không được khi cơ quan chức năng chỉ giải quyết cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Trong khi đó, nhiều đầu nậu, doanh nghiệp đã lỡ vẽ dự án, ký hợp đồng mua bán, thu tiền của khách hàng thì nay không làm được, dẫn đến làm ăn bất chính
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty BĐS Trường Phát
Thời gian qua, hàng chục khách hàng đã gửi đơn đến Bộ Công an, Công an TP HCM tố cáo hành vi lừa đảo bán đất nền của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Hoàng Thành và ông Lê Đức Giảng tại thửa đất số 30, tờ bản đồ số 86 đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP HCM. Ông Giảng là chủ đất, nhờ ông Thành làm pháp lý cho thửa đất để phân lô bán nền nhưng ông Thành tự vẽ dự án trên lô đất này rồi... bán luôn.
Theo bà Nguyễn Diệu Thủy, một khách hàng mua đất nền tại dự án này, tháng 3.2017 bà và hàng chục khách hàng khác đã ký hợp đồng với ông Thành để mua nền đất rộng 100,8 m2 trị giá hơn 1,6 tỉ đồng. Đến nay bà đã đóng được 80% tổng số tiền nhưng vẫn không được giao đất. Không những thế, lô đất của bà còn bị ông Thành đem bán cho 2 người khác. Đến nay toàn bộ dự án này đã bị đem bán cho một người khác và sổ đỏ khu đất đã qua tên ông V.A.V. "Khi tôi phát hiện lô đất mà ông Thành bán cho tôi tiếp tục được mang đi bán cho người khác thì ông Thành đã đổi cho tôi một khu đất khác. Một thời gian sau, ông Thành lại mang lô đất này bán cho người khác nữa nên tôi làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng", bà Thủy bức xúc. Nhiều khách hàng cũng tố cáo ông Lê Đức Giảng tiếp tay cho ông Thành. Nhưng theo ông Giảng, khu đất trên là của vợ chồng ông nhờ ông Thành tư vấn các thủ tục về tách thửa. "Trong quá trình tư vấn, tôi không hề ký bất kỳ văn bản nào và không hề giao cho ông Thành bất cứ quyền gì liên quan đến các thửa đất trên. Tuy nhiên ông Thành tự ý làm giả giấy ủy quyền (giấy tay) với nội dung tôi đã làm hợp đồng ủy quyền toàn bộ cho ông Thành được quyền mua, bán, tặng, cho... Với giấy ủy quyền, ông Thành tự vẽ phân lô khu đất trên và bán cho khoảng 60 người, với số tiền chiếm đoạt ước khoảng 50 tỉ đồng. Đây là hành vi cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tôi đã có đơn tố cáo lên Bộ Công an, Công an TP.HCM", ông Giảng cho hay. Hiện công an đã mời vợ chồng ông Thành lên để lấy lời khai, phục vụ công tác điều tra. |
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.9 (TP HCM) có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm và nhận thấy hành vi của bà Nguyễn Thị Thủy, Huỳnh Thị Hạnh Phúc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản . Vì vậy, Công an Q.9 đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an TP.HCM để điều tra theo thẩm quyền. Trước đó, Công an Q.9 nhận được đơn tố cáo của 26 khách hàng tố cáo Công ty TNHH dịch vụ đầu tư môi giới bất động sản (BĐS) Thủ Đức câu kết với bà Nguyễn Thị Thủy, Lê Thị Hiền , Huỳnh Thị Hạnh Phúc lập dự án phân lô bán nền và đã nhận tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó chủ đầu tư không thực hiện công chứng chuyển nhượng theo hợp đồng đặt cọc mà tiếp tục đem khu đất bán cho người khác. Bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc cũng đang bị tố cáo lừa đảo tại một số dự án khác với hành vi tương tự như dự án trên, trong đó có dự án "ma" khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 (Q.9).
Nhiều khách hàng cũng đã gửi đơn đến Công an TP.HCM tố cáo ông Trần Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển An Thuận Phát có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bằng thủ đoạn bán nền dự án "ma" tại khu dân cư An Phát 1, đất nền tại thửa đất số 159, tờ bản đồ số 72 (xã Long Phước, H.Long Thành, Đồng Nai). Đây là các khu đất trồng cây lâu năm, nhưng công ty này vẫn phân lô để lừa bán nền.
Giả sổ đỏ, vẽ dự án ma lừa hàng trăm tỉ đồng |
Tình trạng lừa đảo BĐS cũng nở rộ ở nhiều tỉnh, thành. Ngày 8-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tạm giam Vũ Xuân Ngữ (30 tuổi, ngụ H.Nga Sơn, Thanh Hóa). Đây là bị can mới nhất liên quan lừa đảo BĐS nở rộ tại Đà Nẵng thời gian qua. Đánh vào tâm lý ham đất vàng giá rẻ, dù đất mặt tiền sông Hàn đường Như Nguyệt (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) có giá đến 150 - 200 triệu đồng/m2, nhưng Ngữ lừa bán cho chị P.T.C (28 tuổi, ngụ TP HCM) chỉ mức 8 triệu đồng/m2. Ngữ làm giả sổ đỏ khu đất A1-10 đường Như Nguyệt đứng tên Ngữ đưa cho chị C. xem, dụ chị này đặt cọc gần 2 tỉ đồng để chờ tách thành các lô đất nhỏ. Với cách tương tự, 2 bị hại khác cũng bị Ngữ chiếm đoạt 5,3 tỉ đồng.
Các vụ lừa đảo BĐS có điểm chung là bị hại... ham rẻ. Trong vụ Trương Văn Ba (38 tuổi, quê H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, giám đốc một công ty BĐS) bị Công an Q.Sơn Trà khởi tố, bắt giam hồi giữa tháng 12.2019, Ba lừa đảo bà H.T.P (ngụ Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) 300 triệu đồng tiền cọc mua lô đất nghĩa địa giá 1,3 tỉ đồng. Lúc đó, bà P. thấy BĐS đang "sốt" nhưng giá bán rẻ nên ham, cho dù lô đất này vốn là đất nghĩa địa do UBND P.Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu) quản lý và không thể làm giấy tờ thành đất ở.
Phổ biến lừa đảo BĐS năm 2019 tại TP Đà Nẵng là nạn sổ đỏ giả. Theo Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, chỉ trong 2 tháng cuối năm, lực lượng công an khởi tố 4 vụ tương tự. Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng, năm 2019, lừa đảo BĐS lớn nhất là vụ Nguyễn Thị Bích Thuận (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà) và Hồ Cẩm Uyên (31 tuổi, nhân viên) dựng lên 2 dự án "ma" phía nam cầu Cẩm Lệ (đường Đô Đốc Lân) và Bệnh viện Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), sau đó bán khống gần 300 lô đất, lừa hơn 200 người, chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng thu hồi được 4 ô tô, 4 căn hộ cùng tiền mặt, tài sản khác hơn 50 tỉ đồng...
Sập bẫy vì lòng tham
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty BĐS Trường Phát, cho rằng khi cơ quan chức năng bắt những người có trách nhiệm, khởi tố vụ án tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo, bán đất ma tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu thì những địa phương này cũng đã siết chặt việc phân lô, tách thửa đất. Không những thế, việc giám sát mua bán đất đai cũng nghiêm ngặt hơn. Tại TP HCM, Quyết định 60 thay thế Quyết định 33 quy định về tách thửa cũng là một trong số các nguyên nhân làm đổ vỡ, phá sản nhiều dự án dẫn đến các chủ đầu tư không thực hiện được cam kết với khách hàng. "Hiện nay gần như trên toàn địa bàn TP HCM đang siết chặt phân lô bán nền, nhất là đối với các đầu nậu đất đai thu gom đất phân lô. Nhiều doanh nghiệp (DN), đầu nậu trước đây đi mua gom đất, sau đó xin đấu nối hạ tầng để phân lô tách thửa khá dễ dàng thì nay gần như không được khi cơ quan chức năng chỉ giải quyết cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Trong khi đó, nhiều đầu nậu, DN đã lỡ vẽ dự án, ký hợp đồng mua bán, thu tiền của khách hàng thì nay không làm được, dẫn đến làm ăn bất chính như trường hợp Công ty Hoàng Kim hay Công ty Angel Lina bị khởi tố vụ án mới đây", ông Dũng phân tích.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, đã nhiều lần khẳng định rằng khi TP ban hành Quyết định 60, mục tiêu là cho phép giải quyết tách thửa đất ở để phục vụ nhu cầu của người dân chứ không phải hướng dẫn tách thửa để thực hiện dự án nhà ở, để phân lô bán nền. Không thể có chuyện tách nhỏ các khu đất lớn ra để chuyển nhượng mà không đầu tư hạ tầng để lại gánh nặng cho xã hội.
Lãnh đạo nhiều địa phương thời gian qua cũng đã mạnh tay đối với các khu đất có ý đồ phân lô bán nền. Thế nhưng vì lòng tham, vì thiếu thông tin và vì sự liều lĩnh của các đối tượng lừa đảo, nhiều người vẫn sập bẫy.