Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhiều chung cư, nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy.
Không chỉ ở các chung cư cũ, nhiều nhà ở tái định cư; chung cư nhà ở xã hội và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó, công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy,
Một số chủ đầu tư chưa hoặc không thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở, như chung cư Bảy Hiền Tower, số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, năm 2016 đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở, trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
"Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được", ông Châu cho biết.
Cảnh sát PCCC TP đã có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như 2 xe thang chữa cháy về lý thuyết có thể vươn đến tầng 18 tương đương 56 m, nhưng trong thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu.
Theo số liệu thống kê đến tháng 9-2016, toàn thành phố có 1.037 chung cư; có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng (cấp D). Từ năm 2012 cho đến tháng 9-2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.