Đơn cử, đối với dự án có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, thì tích tụ đất để phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng khoa học - công nghệ cao để sản xuất đã được thị trường đặt ra từ nhiều năm nay. Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã xuất hiện.
Có mô hình tương đối thành công, tạo được cánh đồng mẫu lớn, như của Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang. Nhưng còn nhiều mô hình khác, như thuê đất của nông dân; nông dân góp vốn trực tiếp với doanh nghiệp hoặc chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại như ở Hà Nam, Thái Bình… đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, mà bên cạnh rào cản về tâm lý của người sử dụng đất thì rào cản về chính sách cũng rất lớn.
Cụ thể, những nội dung về thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thực hiện đã vấp phải sự xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự. Thị trường chuyển nhượng đất đai ở phân khúc này cũng vì thế mà phát triển thiếu lành mạnh.
Cánh đồng mẫu lớn là mô hình sản xuất hiện đại giúp doanh nghiệp và nông dân gắn kết.
Với các dự án có nhu cầu sử dụng đất, nhưng không thuộc loại Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: "Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, để thực hiện các dự án, công trình sản xuất, kinh doanh".
Nhưng cho đến nay, các chính sách này vẫn chưa được ban hành. Một trường hợp khác rất đáng lưu ý trong bối cảnh Nhà nước chủ trương khơi thông các nguồn lực xã hội, phát triển hình thức đối tác công tư (PPP).
Đó là các dự án loại này thường gặp khó khăn khi một mặt phải chờ đợi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án, mặt khác phải ứng vốn để GPMB diện tích đất được giao đối ứng.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án PPP khi được mời gọi đầu tư có rất ít nhà đầu tư tham gia, cấp tỉnh phải chỉ định thầu thay vì đấu thầu, dẫn đến bất cập lớn.
Một mặt không phát huy được việc đấu giá đất, đấu thầu dự án; mặt khác dễ đem lại nhiều nghi ngại về tính minh bạch, năng lực chủ đầu tư và khó có câu trả lời thỏa đáng về hài hòa lợi ích đối với người bị thu hồi đất.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, trường hợp Nhà nước không thu hồi đất, nhà đầu tư tự thỏa thuận để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì rất khó khăn cho chủ đầu tư khi thỏa thuận với từng người sử dụng đất.
Trường hợp nhà đầu tư chưa thỏa thuận hết toàn bộ diện tích của người sử dụng đất trong phạm vi dự án thì theo quy định hiện hành, cấp tỉnh sẽ thu hồi diện tích còn lại này để giao, cho thuê đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ở đa số dự án, thời gian có thể để được sử dụng đất cho dự án kéo dài và rất khó dự liệu.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ít mặn mà đồng hành với nhà đầu tư trong GPMB, do lo ngại người sử dụng đất có sự so bì về đơn giá đền bù, hỗ trợ giữa hình thức Nhà nước thu hồi với nhà đầu tư tự thỏa thuận, khi đó địa phương gặp khó khăn đối với các dự án Nhà nước thu hồi…
Để thực sự phát triển, nâng cao hiệu quả của hình thức đối tác công tư nói riêng và các dự án sử dụng quỹ đất đai lớn nói chung, những nút thắt quan trọng trên là việc sửa đổi Luật Đất đai cần tháo gỡ.