Mối đe dọa từ việc đô thị hóa gia tăng không kiểm soát

27/11/2018 17:33 GMT+7

Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh là sự đe dọa đối với các KGCC. Khi đô thị hóa gia tăng một cách không thể kiểm soát, tỷ lệ không gian công cộng cũng bị suy giảm một cách báo động - TS Kyle Farrell, Đại học Kỹ thuật hoàng gia, Thụy Điển nói.

Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo quốc tế “Không gian công cộng hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Dưới sự bảo trợ của Tổng hội Xây Dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng, các cơ quan: Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị (ICUE), Tổ chức HealthBridge Canada tại VN (HB), Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) đồng tổ chức Hội thảo nói trên.

Thiếu không gian công cộng, khó đô thị hóa một cách lành mạnh

Theo TS. Kyle Farrell (Trung tâm Tương lai của các nơi chốn - Đại học Kỹ thuật hoàng gia, Thụy Điển), khi đô thị hóa có xu hướng tăng một cách từ từ ở nhiều quốc gia đã phát triển, việc phát triển theo kịp với gia tăng dân số đô thị là công việc có thể thực hiện và kiểm soát được.

Tuy nhiên, nếu quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh như ở các quốc gia đang phát triển thì thách thức sẽ trở nên lớn hơn, đặc biệt là sự đe dọa đối với các không gian công cộng (KGCC).

“Khi đô thị hóa gia tăng một cách không thể kiểm soát, tỷ lệ KGCC cũng bị suy giảm một cách báo động, chỉ còn thấy ở những khu vực hẻo lánh và tách biệt. Ngoài ra, xu hướng tư nhân hóa cũng làm giảm thiểu hoạt động quy hoạch, phân bổ quỹ đất cho hoạt động công cộng. “ – TS Kyle nói.

“Với việc không có đủ không gian công cộng, các thành phố khó có thể đô thị hóa một cách lành mạnh. Người dân không có không gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời đô thị hóa cũng trở nên kém hiệu quả và đi theo chiều hướng tiêu cực, thể hiện thông qua việc không thể cung cấp không gian đi bộ an toàn, không có quỹ đất cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như cung cấp nước, thoát nước, thu thập rác thải; và không có không gian xanh thúc đẩy gắn kết xã hội và duy trì chức năng hệ sinh thái” – TS Kyle dẫn báo cáo của UN-Habitat, 2013.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam nhấn mạnh: “Một mạng lưới không gian được thiết kế và quản lý tốt sẽ làm tăng thêm “chất” cho đô thị.”

Theo TS Nguyễn Quang, để có được một tầm nhìn toàn diện về KGCC, chính quyền địa phương cần xây dựng và thông qua một chiến lược tích hợp, toàn diện để định hướng phát triển đô thị.

“KGCC sẽ đóng góp đáng kể trong quá trình này, nếu như có thể phát triển mạng lưới đường bộ một cách có trật tự và hợp lý; Có hệ thống lưu thông hiệu quả (đường phố, đường dành cho xe buýt, xe đạp và đi bộ); Thu hút đầu tư, hoạt động nhằm tăng cường tính an toàn; Cung cấp các tiện ích vui chơi giải trí để tăng cường phúc lợi cộng đồng; Nâng cao giá trị bất động sản nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố; Cung cấp cơ hội tương tác kinh tế, nâng cao sinh kế; Nâng cao giá trị gia tăng cho các yếu tố văn hóa, lịch sử, kiến trúc thành phố để tăng cường tính hấp dẫn và thúc đẩy du lịch” – TS Nguyễn Quang nêu rõ.

Nêu lên thực tế tại Việt Nam, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, bên cạnh việc nhiều khu đô thị mới mọc lên đều có tỷ lệ diện tích dành cho vườn hoa cây xanh, các công trình phục vụ công cộng… thì đã xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch, cấp phép không phù hợp quy hoạch làm tăng diện tích xây dựng các công trình nhà ở thương mại, dịch vụ, giảm diện tích công trình công cộng, trong đó, ông Hùng nhấn mạnh “không loại trừ cơ chế xin – cho để tăng lợi nhuận của chủ đầu tư và lợi ích của người liên quan.”

Trong khi đó, đối với việc chỉnh trang đô thị thì những mảnh “đất vàng”, “đất kim cương” đã bị cấp phép xây dựng hàng loạt dự án thương mại, chủ yếu là nhà ở và văn phòng khách sạn, làm tăng mật độ dân số, giảm tỷ lệ diện tích giao thông dẫn đến ách tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

“Tình trạng xây dựng không phép, trái phép cũng làm giảm thêm chỉ số môi trường sống, đặc biệt là các công trình công cộng vốn đã có tỷ lệ rất thấp để phục vụ cuộc sống của cộng đồng dân cư.” - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói thêm.

Mối đe dọa từ việc đô thị hóa gia tăng không kiểm soát - Ảnh 1.

Đô thị hóa không kiểm soát khiến cho không gian công cộng bị đe dọa - ảnh minh họa


Cần có chiến lược bảo vệ và phát triển không gian công cộng

Phát biểu tham luận tại hội thảo, cũng nhấn mạnh cần xác định hệ thống KGCC là bộ phận quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị, TS Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng & Đô thị đề nghị, để có đủ cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị, trước tiên cần nghiên cứu bổ sung khái niệm về không gian công cộng.

Theo bà Hạnh, “không gian công cộng là một khu vực hoặc địa điểm mở và được tiếp cận, thụ hưởng miễn phí với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, sắc tộc, tuổi tác hay trình độ văn hóa, kinh tế, xã hội. Đó là những không gian để công chúng có thể tự do đến như quảng trường, công viên, khu vực ven sông, hồ, bờ biển, đường đi bộ, vỉa hè, chợ”.

Góp ý cho công tác quản lý xây dựng đô thị, TS Nguyễn Hồng Hạnh đề nghị cần bảo vệ các KGCC hiện hữu, đồng thời tái lập và phát triển thêm các KGCC theo quy hoạch đô thị. Với các khu vực phát triển mới, TS Hạnh nhấn mạnh: “Phải bảo vệ quỹ đất phát triển các không gian công cộng, công viên, vườn hoa và các không gian mở theo quy hoạch được duyệt, không được điều chỉnh, thay đổi chức năng phục vụ các mục đích khác.

Khuyến nghị tại hội thảo, bà Kristie Daniel, Giám đốc Chương trình Thành phố Sống tốt của Tổ chức HealthBridge Canada khẳng định: “Các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển đô thị cần xem việc phát triển hệ thống KGCC chất lượng như là chìa khóa để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bình đẳng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat nhấn mạnh tới nhu cầu phải có sự tham gia của cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển không gian công cộng nói riêng và của đô thị nói chung để đảm bảo tính bền vững, công bằng và hoà nhập xã hội.