Phải xin quá nhiều giấy phép để xây một dự án nhà ở?

21/07/2019 23:46 GMT+7

Hiệp hội Bất động sản TP HCM mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành và cơ quan thường trực TP.HCM đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng hiện nay.

Cụ thể, theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) sau hơn 5 năm thực hiện Luật Xây dựng đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần được xây dựng mới.

Trong đó, cơ quan này chỉ ra 5 điểm hạn chế trong quy định hiện hành gồm: Chưa thật đảm bảo tính đồng bộ; Phương thức xây dựng luật kiểu "luật khung, luật ống" khó hạn chế lợi ích cục bộ của các Bộ, ngành; Khâu yếu nhất là công tác thực thi pháp luật và việc quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của các văn bản dưới luật; Thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập; Trách nhiệm, năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.

Theo đại diện HOREA, lẽ ra quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, và thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, các quy trình này lại được tách ra làm 3 bước (thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế kỹ thuật; rồi mới cấp giấy phép xây dựng).

Phải xin quá nhiều giấy phép để xây một dự án nhà ở? - Ảnh 1.

HOREA cho rằng việc phải xin quá nhiều giấy phép để được cấp giấy phép xây dựng đang làm khó các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.


Cơ quan này lấy dẫn chứng pháp luật hiện nay quy định tất cả công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75 m) đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (2 lượt thẩm định)."Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng, an toàn... Trong đó, có công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng”, HOREA cho hay.

Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện xong bước này, các chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép một lần nữa.

Thực tế, chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải trực tiếp thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng). Trong khi Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có liên quan.

"Đây là bất hợp lý cần được xem xét giải quyết triệt để khi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng", đại diện HOREA nhấn mạnh.

Hiệp hội này cho rằng Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng; xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng; quy chuẩn kỹ thuật xây dựng... là chủ đạo thay vì tiền kiểm.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP HCM đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng vào quy trình cấp giấy phép xây dựng. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày.

Căn cứ vào đó, HOREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng tích hợp "quy trình cấp giấy phép xây dựng" bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.

Đồng thời, phân cấp và giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt.

Trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng mới thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng.

Ngoài ra, HOREA cũng kiến nghị bổ sung một số trường hợp được miễn cấp phép xây dựng như các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thuộc các dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng) và đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật...