Phát triển nhà ở xã hội ở một số địa phương ra sao?

03/03/2023 11:11 GMT+7

Bình Dương dự kiến phát triển tăng thêm 600.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 18.000 căn trong năm 2023. Đồng Nai đang kêu gọi đầu tư xây hơn 10.000 căn. Trong khi đó ở Quảng Bình, Dự án nhà ở xã hội gần 1.000 tỷ đồng đang tìm chủ đầu tư...

Phát triển nhà ở xã hội ở một số địa phương ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bình Dương dự kiến có 18 ngàn căn trong năm 2023


Theo số liệu tổng hợp kết quả phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh Bình Dương, nhìn chung chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân/người toàn tỉnh, chỉ tiêu nhà ở thương mại đã đạt kế hoạch đặt ra.


Tuy nhiên, đối với loại nhà ở xã hội và nhà tái định cư toàn tỉnh chỉ xây dựng được 112.484 m2 sàn, trong khi kế hoạch là 680.000 m2 sàn; tương tự, nhà dân tự xây kết quả đạt được chỉ 1.860.000 m2 sàn còn kế hoạch đặt ra khoảng 2.102.136 m2 sàn.

Nguyên nhân, theo địa phương là do việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Còn nhà ở dân tự xây, giai đoạn đầu năm 2022 có sự biến động giá của vật liệu xây dựng, nhân công lao động trong ngành tăng cao. Đồng thời sau giai đoạn dịch bệnh, khả năng kinh tế của người dân suy giảm.

Từ kết quả chưa đạt được năm 2022, tại Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp chỉ tiêu phát triển nhà ở.

Cụ thể, Bình Dương xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 31 m2 sàn/người (khu vực đô thị 32 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 25,6 m2 sàn/người), đến năm 2025 là 31,5 m2/người (khu vực đô thị 32,5 m2 sàn/người, khu vực nông thôn 26,6 m2 sàn/người).

Ngoài ra, phấn đấu năm 2023, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 9,2 m2 sàn/người, nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,3%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở đơn sơ còn 0,7%; đến năm 2025 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65,0%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%.

Về chỉ tiêu phát triển sàn nhà ở theo từng loại hình, thì nhà ở thương mại dự kiến phát triển tăng thêm 1,75 triệu m2 sàn, tương đương 17.500 căn. Trong đó, năm 2023 đặt mục tiêu hoàn thành 1.239.646 m2 sàn nhà ở từ các dự án đang xây dựng, tương đương 13.537 căn. Mặt khác năm 2023 cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án mới.

Còn với nhà ở xã hội, sẽ phát triển tăng thêm 600.000 m2 sàn, tương đương 18.000 căn. Để thực hiện kế hoạch, tỉnh Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100 ha. Đặc biệt, năm 2023 đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án mới để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Đối với nhà ở tái định cư phấn đấu tăng thêm 140.854 m2 sàn, tương đương 1.000 căn nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông trọng điểm mà tỉnh đang triển khai. Bên cạnh đó, đối với nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng phấn đấu tăng thêm 2.081.257 m2 sàn.

Theo kế hoạch, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là khoảng 23.490,47 tỷ đồng; diện tích đất ở cần tăng thêm 289,11 ha, trong đó việc xây dựng các dự án nhà ở thương mại vào khoảng 110,77 ha; xây dựng nhà dân tự xây là 131,55 ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội là khoảng 46,82 ha.

Đồng Nai kêu gọi đầu tư xây hơn 10.000 căn nhà ở xã hội


Phát triển nhà ở xã hội ở một số địa phương ra sao? - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết nhà ở thương mại tại địa phương được xây rất nhiều nhưng không ở bao nhiêu, trong khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Dù giá trị kinh tế không bằng nhà ở thương mại nhưng vẫn có lời. Đặc biệt là giá trị xã hội rất lớn.


Ông Lĩnh cho biết thêm, Đồng Nai đang có hơn 700.000 người lao động đang sinh sống trong các nhà trọ nên tỉnh cần khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Vì thế, tỉnh mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm đầu tư các dự án nhà ở có chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người nghèo có đủ khả năng mua nhà trả góp trong 15-20 năm. Tỉnh sẽ tính toán kỹ đưa vào quy hoạch đến năm 2030, bố trí đủ quỹ đất làm nhà cho người thu nhập thấp.

"Đối với việc bố trí không gian, nhà ở xã hội không chỉ kết cấu chuẩn mà phải thêm yếu tố phúc lợi, hạ tầng chuẩn. Dù là nhà ở xã hội nhưng không quá chật chội, đảm bảo các phúc lợi, công cộng, hạ tầng đầy đủ", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Hiện Đồng Nai đang triển khai 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với diện tích hơn 52 ha, tổng số hơn 8.000 căn nhà.

Theo nghị quyết về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đặt mục tiêu xây dựng khoảng 10.000 căn, tổng vốn đầu tư khoảng 10.115 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ nhà nước, các doanh nghiệp…

Thông qua hội nghị, Đồng Nai tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 37 khu đất với tổng diện tích hơn 175 ha ở tất cả 11 huyện và thành phố.

Quảng Bình: Dự án nhà ở xã hội gần 1.000 tỷ đồng tìm chủ đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, với tổng mức đầu tư 996 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình vừa có thông báo số 95/KHĐT-TĐ mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới. Khu đất này đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh tại Quyết định số 3861/QĐ-UBND ngày 26/11/2021.

Phát triển nhà ở xã hội ở một số địa phương ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Dự án có diện tích sử dụng đất 9,6 ha với mục tiêu xây dựng khu ở mới với quy mô dân số khoảng 3.126 người, văn minh, hiện đại, thân thiện, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân viên, người lao động và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội tại địa phương, chỉnh trang, từng bước nâng cấp đô thị; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…


Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2758 ngày 13/10/2022; phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3861 ngày 26/11/2021.

Về quy mô xây dựng, dự án gồm công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở. Trong đó, công trình nhà ở khoảng 784 căn, bao gồm 290 căn nhà ở xã hội thấp tầng (diện tích sử dụng đất 19.615,6 m2); 401 căn hộ tại khu chung cư nhà ở xã hội cao tầng (diện tích sử dụng đất 23.239,45 m2); 93 căn nhà ở thương mại (diện tích 10.718,94 m2). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 996 tỷ đồng, gồm chi phí thực hiện 972 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 24 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong vòng 6 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; thời gian hoạt động dự án trong vòng 50 năm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình thông tin, nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước ngày 2/3/2023, đồng thời phải thực hiện các thủ tục để được cấp chứng thư số (nếu chưa có) và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.