Việc thị trường nhà ở TNT có dấu hiệu chững lại đã khiến giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân trở nên khó khăn và càng khó khăn hơn khi nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở này lại rất hạn hẹp.
Vấn đề "khát" vốn nhà ở xã hội (nhà TNT) luôn được dư luận quan tâm đặc biệt. Trả lời các cơ quan báo chí về giải pháp tìm nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà TNT tại buổi họp báo thường kỳ quý 2-2018 của Bộ Xây dựng mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết:
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ngành Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm. Riêng đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có TNT tại khu vực đô thị, hiện cả nước đã hoàn thành 86 dự án, quy mô khoảng 34.700 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.735.000m2. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chương trình đã hoàn thành 2 dự án, quy mô khoảng 1.300 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 65.000 m2…
Song, việc triển khai các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là thiếu nguồn vốn để thực hiện, mặc dù cơ chế, chính sách đã hoàn chỉnh. Trong Luật và Nghị định quy định: Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng, theo 2 hình thức (cho doanh nghiệp vay, cho người dân vay) nhưng khó khăn khi triển khai do vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước phụ thuộc vào Luật Đầu tư công, phải có kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn do thiếu vốn.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng, trong đó dành một phần bổ sung cho chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng trong trường hợp còn thiếu, số còn lại bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng NƠXH. Vốn này mới chỉ được cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện, Bộ Tài chính đã cấp đủ 840 tỉ đồng hỗ trợ cho người có công với cách mạng tại các địa phương.
Bên cạnh đó, có khoảng 1.140 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong 3 năm (2018 – 2020). Hiện nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội được 250 tỉ đồng trong năm 2018; trong tháng 6-2018 giải ngân được 30 tỷ đồng (rất thấp, mới chỉ đạt 13%).
Theo Bộ Xây dựng, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020, đến năm 2020 phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho đến năm 2020. Bên cạnh đó, cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là hơn 3.400 tỉ đồng.
Như vậy, số vốn cần có lên tới hơn 6.000 tỉ đổng. Trong khi hiện nay, có hàng loạt các chương trình phát triển nhà ở đã và đang được triển khai trên cả nước, bao gồm chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp (KCN). Các chương trình này đều cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên phải cân đối, bố trí trong khi nguồn ngân sách có hạn…
Liên quan đến vấn đề trên, với quan điểm, thắt đầu tiên ở đâu, nên được gỡ ở đó. Một số chuyên gia kinh tế đề xuất, Việt Nam nên xã hội hóa một quỹ nhà ở, trong đó có sự đóng góp của nhà nước cũng như một số chủ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nhà ở TNT, nhà ở xã hội. Hơn nữa, các nguồn tài chính cần được huy động từ những người có nhu cầu về nhà ở, từ cộng đồng dân cư, từ các nguồn đô thị qua việc sử dụng đất. Cùng đó, việc sử dụng quỹ cần bài bản, minh bạch, đúng mục đích, nhu cầu là phát triển nhà TNT.
Trong xây dựng nhà TNT, chủ đầu tư bị khống chế mức lợi nhuận không vượt quá 10% tổng mức đầu tư dự án. Do đó, để thu hút được nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà TNT, tăng lợi nhuận là một trong những yếu tố cần thiết, kết hợp với việc tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư BĐS trong bố trí quỹ đất và vay vốn, thủ tục pháp lý thuận lợi…
Thiết nghĩ, giải pháp đưa ra có nhiều nhưng để làm sao thực hiện được các giải pháp đó thì vẫn là "bài toán" chưa có lời giải chính xác. Vấn đề người dân và doanh nghiệp cần bây giờ là có nguồn vốn nào hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, nhà TNT không và bao giờ được giải ngân. Cơ chế, chính sách đã đầy đủ, đã có kế hoạch cấp vốn nhưng sao vẫn phải chờ. Nhu cầu phân khúc này rất lớn, giải quyết nhà ở đối với những người có TNT còn mang cả ý nghĩa xã hội. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp vẫn cứ là giải pháp mang tính hình thức nếu như không được thực hiện triệt để, quyết liệt và bài bản…