Áp lực từ những dự án BĐS
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, trong khu vực nội đô của Thành phố hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.
Do đó, thành phố Hà Nội đang có nhiều tuyến phố dày đặc các tòa chung cư, tòa nhà hỗn hợp (chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại), các phố như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng, Duy Tân…và rất nhiều tuyến đường khác với nhiều dự án nhà cao tầng đang được xây dựng. Thậm chí, tuyến đường Lê Văn Lương, vốn là trục đường xuyên tâm quan trọng, nhằm giải phóng và giảm sức ép giao thông cho Thủ đô ở cửa ngõ phía tây thì giờ đây lại đang phải vật vã với lưu lượng phương tiện quá lớn mỗi ngày.
Không chỉ dừng lại ở việc các dự án nhà cao tầng mà các khu đô thị liên tiếp được mở ra đã góp phần không nhỏ gây áp lực đối với hạ tầng của Thành phố. Đơn cử như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính với phê duyệt số người dự kiến trong khu vực quy hoạch (32,86 ha) là 12.600 người; khu nhà ở hồ Linh Đàm (160,9 ha) 25.128 người; Ciputra (300 ha cho cả 3 giai đoạn) 50.000 người; khu Đặng Xá (33,6 ha) 13.000 người; Times City (36,5 ha) 12.000 người…
Việc phát triển cao ốc không gắn với quy hoạch và hạ tầng là nguyên nhân dẫn đến quá tải, ùn tắc giao thông.
Đa số các dự án trên đều đươch tính toán quy mô dân số dự án bằng cách lấy tổng diện tích sàn xây dựng chia 40 - 45 người (đối với chung cư) và 70 - 80 người (đối với nhà liền kề hay biệt thự)… Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, nhiều chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt khi đua nhau vay ngân hàng, kêu gọi người dân góp vốn xây dựng chung cư để bán, mà quên đi nghĩa vụ phải phát triển hạ tầng xã hội đi kèm.
Vì vậy, tình trạng trăm dự án cùng nhìn xuống một con đường, dự án chồng dự án, đã khiến dân số ở những khu vực này tăng lên vùn vụt, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông và nhiều tiện ích khác chưa phát triển kịp đã không còn hiếm gặp.
Chẳng hạn Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm bị băm nát sau khi những tòa nhà thương mại giá rẻ san sát mọc lên dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống giao thông khu vực phía nam. Nạn kẹt xe ở nút giao giữa Linh Đàm với đường Giải Phóng là hậu quả nhãn tiền của việc cấp phép xây dựng tràn lan, không quan tâm đến sự mất cân đối giữa gia tăng dân số cơ học và những nhu cầu thiết yếu về hạ tầng xã hội ở nhưng khu vực này.
Thậm chí, tình trạng quá tải dân số tại các dự án nhà ở, khu đô thị dẫn tới hàng loạt bất cập như thiếu sân chơi, trường học, áp lực về điện, nước, an toàn phòng cháy, phá vỡ quy hoạch.
"Đánh đổi" bền vững để phát triển?
Theo Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Ủy viên Ban Thường trực Hội KTS Hà Nội, chuyên gia về phản biện quy hoạch đô thị Việt Nam thì các dự án BĐS hiện nay phần lớn đều không hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đô thị mà tập trung vào việc xây dựng để nhanh thu lại lợi nhuận. Do đó, hệ quả là áp lực dân số nội đô và sự thiếu thốn tiện nghi đô thị ngày một gia tăng. Đồng thời ông Ánh cho rằng không nhất thiết phải xây dựng thêm các dự án BĐS mới trong khi đã có quá nhiều dự án chưa phát huy được hết hiệu quả như hiện nay.
Đồng ý với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Trong nhiều năm qua, khi cấp phép xây dựng các khu đô thị, thành phố Hà Nội đã không bắt buộc các chủ đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, mà để cho họ thoải mái xây nhà để bán và không quan tâm tới nghĩa vụ phải phát triển hạ tầng, đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý quy hoạch.
Các dự án được "xen cấy" trên các diện tích đất cũ, ăn theo hạ tầng hiện có của khu vực, đặc biệt trong các quận nội đô, đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các chủ đầu tư nhưng để lại hậu quả quá tải, khiến đô thị phát triển thiếu cân bằng, chất lượng cuộc sống người dân đô thị có xu hướng suy giảm…
Bên cạnh đó, quy hoạch chung đã được công bố rất chi tiết nhưng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn mù mờ. Do đó, tất cả dự án, quy hoạch phải minh bạch để tham vấn xã hội rộng rãi. Nếu cơ quan quản lý thực hiện lỏng lẻo thì cần xã hội giám sát. HĐND, Quốc hội với chức năng phản biện phải có đầy đủ thông tin. Mà từ thông tin đó, mới tập hợp các nội dung và kiến nghị để lập luận phản bác hoặc đòi hỏi quy hoạch đúng theo quy trình, Tiến sĩ Liêm cho biết thêm.