Quy hoạch chưa hết rắc rối

03/09/2019 12:55 GMT+7

Quá nhiều loại quy hoạch, cái cần thì không có, cái có lại không cần. Luật bảo phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng tìm bản đồ thì không có, nhìn vào bản đồ quy hoạch xây dựng lại không rõ về đất đai. Cuộc sống gần như phải dừng lại vì phải chờ quy hoạch, mà vốn quy hoạch làm ra vì mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đời oái oăm là như vậy!

Quá nhiều loại quy hoạch, cái cần thì không có, cái có lại không cần. Luật bảo phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng tìm bản đồ thì không có, nhìn vào bản đồ quy hoạch xây dựng lại không rõ về đất đai. Cuộc sống gần như phải dừng lại vì phải chờ quy hoạch, mà vốn quy hoạch làm ra vì mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đời oái oăm là như vậy!

Quy hoạch chưa hết rắc rối - Ảnh 1.

Nhìn lại hệ thống quy hoạch của ta thì ai cũng phải lo ngại. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Vẫn còn đầy bức xúc

Trong suốt những năm qua, hầu như điểm nóng nào về đất đai và bất động sản cũng đều liên quan đến quy hoạch. Gần đây nhất, người dân ở nông thôn xin chuyển mục đích sử dụng đất suốt gần ba năm mà không được giải quyết cũng do tìm không thấy trong quy hoạch. Trước đó một chút, tại Thủ Thiêm, việc thu hồi đất ngoài ranh giới quy hoạch đã làm cho khiếu nại kéo dài.

Ở nhiều nơi, chủ đầu tư dự án thật mà xây dựng trái quy hoạch để bán nhà, hay doanh nghiệp tạo dựng dự án ma để bán đất nền trái quy hoạch để thu lợi bất chính, đều do có quy hoạch mà cán bộ không dùng để quản lý. Người dân không được cấp giấy chứng nhận nhà đất cũng do không phù hợp quy hoạch; không được sửa chữa nhà cửa suốt cả chục năm liền làm cho cuộc sống bức bách cũng vì quy hoạch treo mà không ai tháo gỡ...

Cứ như vậy, người dân chỉ được trả lời là do vướng quy hoạch, cơ quan quản lý cũng chỉ biết là do quy hoạch nên chưa thể giải quyết. Nhưng rồi cả hai đều không biết rõ là quy hoạch nào, loại đất nào và cũng không được xác định minh bạch về pháp lý. Dân cứ bức xúc đằng dân, cán bộ cứ lo sợ mình làm trái pháp luật. Quá nhiều loại quy hoạch, cái cần thì không có, cái có lại không cần.

Luật bảo phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng tìm bản đồ thì không có, nhìn vào bản đồ quy hoạch xây dựng lại không rõ về đất đai. Cuộc sống gần như phải dừng lại vì phải chờ quy hoạch, mà vốn quy hoạch làm ra vì mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đời oái oăm là như vậy!

Chuyện quy hoạch trước ngày đầu năm 2019

Ngày 1-1-2019 được nêu ra ở đây là ngày Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành, một luật được xây dựng với kỳ vọng giải quyết được mọi vướng mắc trong khâu quy hoạch đã diễn ra trong suốt thời gian, từ khi Việt Nam quyết định đổi mới. Quá nhiều quy hoạch, quy hoạch chồng quy hoạch, lại không phù hợp nhau làm khó cho cả dân, cả cán bộ. Nay đã là giữa năm 2019 mà cái khó đó vẫn còn nguyên, dân vẫn long đong lận đận vì quy hoạch, cán bộ rối trí không biết quyết làm sao cũng vì quy hoạch.

Tại thời điểm năm 2017, khi nhìn lại hệ thống quy hoạch của ta thì ai cũng phải lo ngại. Tất cả có đến 113 văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng luật, pháp lệnh và nghị định quy định về quy hoạch, trong đó có 58 văn bản thuộc thẩm quyền Quốc hội và 55 văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ. Cả nước có tới 19.331 quy hoạch, trong đó có 261 quy hoạch cấp quốc gia, 84 quy hoạch vùng, 3.440 quy hoạch cấp tỉnh, 2.324 quy hoạch cấp huyện và 13.222 quy hoạch cấp xã.

Nhà nước đã phải chi gần 1.760 tỉ đồng cho quy hoạch giai đoạn 2001-2010 và hơn 4.000 tỉ đồng cho quy hoạch giai đoạn 2011-2020. Quả là bức tranh quy hoạch quá phức tạp và tốn kém, mà hiệu quả tích cực cho quản lý chẳng được là bao.

Phân tích cụ thể hơn còn thấy nhiều điều đáng suy ngẫm. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được coi là quan trọng nhất lại chỉ được điều chỉnh bằng một Nghị định của Chính phủ, không có quy hoạch cấp quốc gia, chỉ có quy hoạch từ cấp vùng trở xuống. Thế nhưng, bất cứ gì vướng mắc lại phải sử dụng một quy hoạch cấp quốc gia do Thủ tướng phê duyệt để giải quyết. Ví dụ như quy hoạch sân golf, khi các tỉnh đua nhau làm sân golf, lãng phí đất đai quá lớn, Thủ tướng Chính phủ đã phải phê duyệt quy hoạch sân golf cho cả nước để giải quyết vấn đề.

Thực chất, quy hoạch sân golf này chỉ là một nội dung trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất nhiên, khi phê duyệt cho mỗi tỉnh thì phải cân đối trên phạm vi cả nước để quyết định... Nói tiếp thì còn nhiều bất hợp lý, nhưng thấp thoáng thấy câu chuyện quy hoạch rắc rối là ở tham vọng quyền lực quy hoạch của từng cơ quan nhà nước.

Nguyên nhân của những bất cập

Quy hoạch chưa hết rắc rối - Ảnh 2.

Trong suốt những năm qua, hầu như điểm nóng nào về đất đai và bất động sản cũng đều liên quan đến quy hoạch. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Từ lâu, Thủ tướng Chính phủ đã thấy được tính phức tạp của hệ thống quy hoạch, được tập trung quản lý ở ba nơi gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cả mọi quy hoạch các ngành, các lĩnh vực; Bộ Xây dựng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý quy hoạch sử dụng đất.


Từ khoảng 15 năm trước, nhiều lần Thủ tướng yêu cầu ba bộ này ngồi lại với nhau để giải quyết rắc rối quy hoạch; ngồi lại cũng đã vài lần, nhưng chẳng giải quyết được điều gì. Ai nói người nấy nghe, ai cũng cho là mình quan trọng, ngành nào cũng giữ khoảng trời riêng của mình.

Nguyên nhân bất cập quy hoạch thì nhiều. Sâu xa, cách tiếp cận quy hoạch của các cán bộ quản lý nhà nước vẫn giữ nguyên tư duy của nền kinh tế chỉ huy tập trung (bao cấp) dựa trên nền tảng trung tâm là quy hoạch, kế hoạch do Nhà nước cân đối và quyết định. Thị trường cứ vận hành, nhưng muốn chi ngân sách nhà nước thì phải đưa được vào quy hoạch, xếp được vào kế hoạch hàng năm.

Từ góc nhìn thực tế cho thấy bộ nào có kế hoạch chi ngân sách nhiều là bộ đó mạnh. Vậy là công cụ quy hoạch bị lạm dụng, người ta quy hoạch cả những thứ do thị trường quyết định như cà phê, cao su, mắc ca, xi măng, đường... Nắm giữ quyền quyết định về quy hoạch là một "bảo bối" về quyền lực. Tư duy bao cấp vẫn chưa bị đẩy lùi.

Mặt khác, cách làm quy hoạch trên thế giới đã đổi khác rất nhiều mà ta không chịu nghiên cứu và học tập. Họ không có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hay quy hoạch tổng hợp. Phần này được thể hiện bằng chiến lược phát triển gắn với một số chỉ tiêu dự định về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường...

Từ các chỉ tiêu này, quy hoạch sử dụng đất phải thể hiện trên không gian lãnh thổ, gồm cả mặt đất, lòng đất, mặt biển, lòng biển, đáy biển, khoảng không dựa trên phân vùng không gian mặt đất đâu là vùng đô thị, vùng công nghiệp, vùng du lịch, vùng dân cư nông thôn, vùng rừng đầu nguồn, vùng rừng phòng hộ... Từ đó, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn làm nhiệm vụ chi tiết hóa sử dụng không gian trong từng vùng. Tất cả được tích hợp mà không thể phát sinh mâu thuẫn không gian. Hơn nữa, thông tin, dữ liệu đầu vào của mọi quy hoạch là thống nhất, được chuẩn hóa và áp dụng triệt để công nghệ thông tin không gian.

Ở ta, quy hoạch sử dụng đất chưa làm được bất kỳ thứ gì mà thế giới đã làm được. Tất cả chỉ là một bảng số liệu các loại đất phân theo mục đích sử dụng được chuyển dịch trong kỳ quy hoạch. Đất đó vị trí ở đâu, chất lượng ra sao không được đề cập tới. Hiện vẫn chưa có phân loại đất theo không gian sử dụng, vậy làm sao có thể quy hoạch sử dụng đất theo phân vùng. Ví dụ như đất đô thị rất được quan tâm, nhưng lại không có khái niệm này trong quy hoạch sử dụng đất. Hay như Quốc hội thảo luận rất gay gắt xem giữ lại diện tích đất lúa bao nhiêu là phù hợp, nhưng diện tích bao nhiêu đâu có quan trọng bằng diện tích đất lúa cần bảo vệ nằm ở đâu.

Trong tình trạng này, quy hoạch xây dựng và đô thị phải đưa ra nội dung quy hoạch phân vùng để thay thế quy hoạch sử dụng đất theo một hệ thống phân vùng riêng như khu dân cư hỗn hợp, khu dân cư nông thôn kết hợp sản xuất, khu dịch vụ tổng hợp... Đây là khoảng trống trong quy hoạch sử dụng đất và cũng là khoảng chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.

Yêu cầu đổi mới hệ thống quy hoạch

Quy hoạch là một nội dung quan trọng trong chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng. Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 8-11-2016 của Quốc hội và Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21-2-2017 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu hoàn chỉnh công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tích hợp với các loại quy hoạch khác nhằm tạo hiệu quả cao trong việc xác định lộ trình phát triển.

Quy hoạch vốn là một kịch bản phát triển, cần phải đạt hiệu suất cao trong sử dụng các nguồn lực đầu vào, thể hiện chức năng dẫn đường cho phát triển của Nhà nước gắn với động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Từ nhiệm vụ phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch, Luật Quy hoạch năm 2017 đã được chuẩn bị kỹ để ban hành và kéo theo là việc sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định của pháp luật về quy hoạch ở nhiều luật khác. Chương quy hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013 cũng đã thay đổi hoàn toàn cho phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Trước hết, Luật Quy hoạch năm 2017 đã được xây dựng trên nguyên tắc tích hợp các loại quy hoạch nhằm bảo đảm tính thống nhất và tiết kiệm chi phí. Mục tiêu rất rõ ràng và đúng đắn, nhưng kết quả lại chưa thể hiện được mục tiêu đề ra, không đi theo phương pháp luận quy hoạch tích hợp từ kinh nghiệm quốc tế.

Thứ nhất, luật này chỉ thể hiện là một luật hình thức gồm các quy định thống nhất về các trình tự, thủ tục trong quy hoạch. Thống nhất được hình thức là tốt, nhưng thống nhất được nội dung tích hợp mới là bản chất của giải pháp đổi mới quy hoạch.

Thứ hai, luật này quy định hệ thống quy hoạch bao gồm quy hoạch phát triển tích hợp và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, nhưng luật chỉ điều chỉnh quy hoạch phát triển tích hợp. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn sẽ được xây dựng như những luật riêng sau này. Vậy làm sao để tích hợp quy hoạch phát triển với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn lại là câu chuyện dang dở. Hình như luật này chỉ quan tâm tới công việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thôi, còn lại thế nào cũng được.

Thứ ba, luật này không thể hiện rõ quy hoạch phát triển tích hợp và quy hoạch sử dụng đất là hai hay là một. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất đã bị cắt vụn, gồm quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh được coi là quy hoạch ngành, không có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được coi là quy hoạch mang nội dung kỹ thuật.

Quy hoạch sử dụng đất trong Luật Quy hoạch năm 2017 mới chỉ được đề cập như một quy hoạch nguồn lực đất đai; chức năng của quy hoạch sử dụng đất về quản lý thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất đã bị bãi bỏ. Không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, tức là không thể quản lý được chuyển dịch đất đai trong đầu tư phát triển do các tổ chức kinh tế thực hiện.

Giải pháp đổi mới như vậy càng làm cho câu chuyện quy hoạch đã phức tạp lại ngày càng phức tạp thêm. Hy vọng dân đỡ bức xúc và quản lý hiệu quả hơn do quy hoạch mang lại vẫn còn phải chờ đợi những đổi mới tiếp theo.