Kỹ sư Vũ Quang Hoài, Giám đốc Công ty TNHH XD TM Phú Bắc, nhận định hàng loạt cầu cảng dù kết cấu thời hạn nửa thế kỷ nhưng mới sử dụng 1 năm đã hỏng.
Cầu cảng mới xây đã … lão hóa
Nhiều kỹ sư từng tham gia sửa các công trình cầu cảng hư hỏng, nhận định nhiều cầu cảng ở Việt Nam xây dựng gần đây sẽ có tuổi thọ rất thấp. Nguyên nhân được những kỹ sư này tiết lộ là do các đơn vị thiết kế thi công cầu cảng thiếu kinh nghiệm về chống ăn mòn nên nhiều cầu cảng mới đưa vào hoạt động vài năm thì tông đã hư hỏng dẫn đến sắt thép bên trong cũng bị oxy hóa và mục nát rất nhanh.
Những yếu tố làm cho sắt thép ở công trình dễ bị gỉ mục nhanh chóng
Một lần theo chân một nhóm kỹ sư vào sửa chữa một cầu cảng ở Bà Rịa- Vũng Tàu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cầu cảng này nhìn bên trên còn rất mới nhưng nhìn kỹ thì thấy những cột trụ bê tông tiếp xúc với nước biển đã có dấu hiệu ăn mòn. Phía dưới gầm cầu cảng, nhiều khối bê tông có nhiều vệt hoang ố, khác thường. Theo giải thích của các kỹ sư tham gia sửa chữa, đây là dấu hiệu sắt thép bê tông đã bị ăn mòn. Khi lớp bê tông có những vệt ố vàng được đục bỏ, bên trong lộ ra những tấm sắt bị mục gỉ đen sì, ngoài sức tưởng tượng.
Một cầu cảng ở Vũng Tàu mới xây dựng nhưng sắt thép đã bị gỉ mục
Kỹ sư Vũ Quang Hoài, Giám đốc Công ty TNHH XD TM Phú Bắc – đơn vị chuyên tư vấn, sửa chữa các công trình cầu cảng nói riêng và các công trình xây dựng có sắt thép bị gỉ mục nói chung, giải thích: "Nơi sắt thép dễ bị gỉ mục nhanh nhất là vị trí lúc bị ngập lúc không (do triều cường lên xuống). Yếu tố xảy ra ăn mòn là muối và oxy, theo đó phần ngập thường xuyên trong nước ít có oxy hơn nên tốc độ bị ăn mòn chậm hơn ở vị trí lúc ngập lúc không".
Ít chú trọng độ bền
Từng sửa chữa nhiều công trình lớn mới xây nhưng đã nhanh chóng hư hỏng, kỹ sư Vũ Quang Hoài chia sẻ: "Khi tham gia sửa chữa các công trình tại TP HCM và Đà Nẵng, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy có chung cư được cho có tuổi thọ 50 năm nhưng sau năm 5 đã bị gỉ sắt. Giống như ở các cầu cảng, những vị trí hư hỏng nằm ở nơi có độ ẩm cao, khi lớp bê tông bên ngoài bị nứt làm cho sắt thép bên trong gỉ mục rất nhanh. Nếu không phát hiện và sửa chữa kịp thời thì tình trạng rỉ sắt sẽ lan rộng và làm cho công trình nhanh chóng xuống cấp".
Để bảo vệ sắt thép bên trong, cần phải có lớp bê tông bảo vệ
Kỹ sư Hoài cho rằngnhiều công trình xây dựng ở Việt Nam mắc phải căn bệnh trên là do thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực chống ăn mòn và duy trì độ bền cho công trình. Ông giải thích một cách dễ hình dung hơn: "Lâu nay, công trình xây dựng ở Việt Nam chỉ chú trọng đến vấn đề chịu lực của công trình nhưng ít chú ý đến độ bền. Nhưng trên thực tế hai vấn đề này khác nhau. Để công trình bền vững không phải là dùng nhiều xi măng sắt thép cho thật kiên cố mà phải làm sao duy trì được đồ bền, càng lâu càng tốt và không phải tốn nhiều công sức để duy tu sửa chữa. Tuổi thọ công trình cũng giống như sức khỏe con người. Hai người có tuổi thọ bằng nhau nhưng một người bị bệnh phải uống thuốc hoài còn một người khỏe mạnh không bị bệnh gì thì dĩ nhiên ai cũng muốn chọn người không bị bệnh".
Theo kỹ sư Hoài, muốn công trình xây dựng có tuổi cao thì ngoài yếu tố đảm bảo kỹ thuật về bê tông cốt thép phải chú ý đến công tác chống ăn mòn và bảo vệ sắt thép bên trong.
"Để công trình bền lâu cần phải có lớp bê tông bảo vệ tốt và phải có những biện pháp kỹ thuật chống ăn mòn ở những vị trí dễ bị tác động, ở chỗ có độ ẩm cao. Đặc biệt khi xây dựng những công trình gần biển chúng ta phải chú ý đến tác động của muối để lựa chọn giải pháp chống ăn mòn phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến công tác bảo trì, bảo dưỡng. Giống như chiếc xe máy chúng ta đi hàng ngày cũng vậy, xe tốt nhưng không bảo trì thường xuyên thì cũng nhanh bị hư hỏng", kỹ sư Hoài bày tỏ thêm.