Theo như bà tôi kể, vào năm 1967, dì Mai và ông Thạnh đã ra tòa ly dị, địa phương cũng đã xóa hộ khẩu ông Thạnh.
Từ năm 1974, dì tôi - bà Đặng Bạch Mai sang Mỹ định cư nên đã ủy quyền căn nhà cho bà ngoại tôi được toàn quyền sử dụng. Sau đó, bà ngoại tôi đã cho các con là bà Đặng Huỳnh Hoa (đã chết) và mẹ tôi là bà Đặng Minh Mẫn cùng các con là chúng tôi sinh sống trong căn nhà đó.
Ảnh minh họa: nhadatnews
Đến năm 1991, Nhà nước đã cấp chủ quyền nhà cho bà ngoại tôi, sau đó bà bán lại căn nhà này cho vợ chồng tôi - cháu ngoại của bà. Đến năm 2002, vợ chồng tôi lại bán căn này cho ông Trần Văn Dẻ. Nhưng đến năm 2005, ông Thạnh lại kiện chúng tôi với lý do "đòi nhà cho ở nhờ".
Phía Tòa án TP HCM có cho triệu tập tôi đến, nhưng khi tôi trình bày đầy đủ giấy tờ hợp pháp, tòa án đã tạm đình chỉ thi hành án. Nhưng đến nay, sau 9 năm, một lần nữa Tòa án thành phố lại triệu tập tôi ra tòa dân sự. Vậy tôi cần chuẩn bị những gì khi ra tòa?
Lê Thị Nguyệt
Trả lời:
Khoản 2 điều 26 Luật đất đai 2013 có nêu quy định: "Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định pháp luật".
Năm 1991, bà Nguyễn Thị Đắc tức bà ngoại của bạn đã được Nhà nước cấp chủ quyền nhà. Nghĩa là Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của bà ngoại bạn. Sau đó bà ngoại bạn đã bán lại căn nhà cho vợ chồng bạn và vợ chồng bạn lại chuyển nhượng cho ông Dẻ.
Như vậy việc chuyển nhượng ngôi nhà được thực hiện hợp pháp nên việc sở hữu ngôi nhà này là phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu ông Thạnh kiện vì cho rằng đây là ngôi nhà có nguồn gốc trước đây ông cho ở nhờ thì phía Tòa án sẽ đưa ra quyết định đúng sai trên cơ sở các bên trình bày.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần chuẩn bị các chứng cứ để chứng minh nguồn gốc căn nhà đó là hợp pháp, nhà đủ điều kiện chuyển nhượng và việc chuyển nhượng được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Luật đất đai 2003.
Luật sư Hà Hải