Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có công văn hoả tốc gửi Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Khóa XIV và lãnh đạo TP HCM tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Công văn này gửi Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Khóa XIV và lãnh đạo TP HCM. HoREA tiếp tục kiến nghị các vấn đề về việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. HoREA dẫn chứng kinh nghiệm và bài học rút ra từ mô hình phát triển khu nhà ở an sinh xã hội với căn hộ diện tích 30m2, giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nhận xét thành phố có quy mô dân số đã lên đến gần 13 triệu người. Trong đó, gần 3 triệu người nhập cư. Dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.
Hiệp hội đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2, có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu nhà ở và những điều kiện thực tiễn của địa phương, HoREA nhận định TP HCM vẫn có thể làm khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
HoREA đề nghị TP HCM tập trung phát triển loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2
Theo nội dung công văn hoả tốc, HoREA đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lí để phát triển loại hình nhà ở xã hội này. Cụ thể, HoREA cho biết theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu.
Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng và đã phân bổ cho các chi nhánh địa phương, trong đó, Hà Nội và TP HCM được nhận mức phân bổ cao nhất là 50 tỷ đồng, các địa phương khác chỉ được phân bổ khoảng 10-15 tỷ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Theo đó, các Ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) là những ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhưng chưa được nhận nguồn vốn ngân sách hỗ trợ để cho vay nhà ở xã hội.
Trong nội dung công văn hoả tốc, HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Hiệp hội đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.
Đồng thời, cơ quan này kiến nghị Chính phủ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi theo quy định được vay tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. HoREA kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
HoREA cho rằng Bộ Tài chính cần có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu này. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án nhà trọ, phòng trọ cho thuê để tạo sự cạnh tranh dẫn đến nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh của các phòng trọ, nhà trọ hiện nay.
Hàng loạt kiến nghị của HoREA để phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM
Song song đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chính sách thí điểm cho chủ đầu tư được tạm hoãn, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, và được giảm thuế GTGT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, và được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì thuận tiện và phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua nhà ở xã hội.
Về người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, HoREA kiến nghị đối tượng này cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm thì phù hợp hơn.
Cuối cùng, HoREA kiến nghị Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 1 đến 3 tháng tiền thuê nhà như thông lệ trong xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.