TP HCM khởi động dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỉ đồng

02/01/2023 15:28 GMT+7

Cầu Cần Giờ, Cát Lái, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỉ đồng, đầu tư những năm tới giúp liên kết vùng, tháo điểm nghẽn hạ tầng nhiều khu vực ở TP HCM.

Sở GTVT TP HCM mới đây đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cần Giờ.

Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, cầu Cần Giờ sau khi hoàn thành sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP HCM với huyện Cần Giờ.

Theo kế hoạch, dự án Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,6 km, kết nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP HCM

Cầu có quy mô 6 làn xe. Công trình thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

TP HCM khởi động dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng hình cây đước (Sở QHKT TP HCM)

Dự án xây dựng cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư 9.982 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngân sách thành phố tham gia gần 4.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư cân đối chi phí xây dựng. Gian đoạn chuẩn bị đầu tư 2022 - 2023, tiến tới khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.

Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ có nhiệm vụ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Được biết, dự án xây cầu Cần Giờ được UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn dự kiến 5.300 tỉ đồng.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ GTVT bổ sung cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.

Kỳ vọng 3 cây cầu "huyết mạch" ở TP HCM

Cầu Cần Giờ, Cát Lái, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỉ đồng, đầu tư những năm tới giúp liên kết vùng, tháo điểm nghẽn hạ tầng nhiều khu vực ở TP HCM.

Vị trí 3 cầu kết nối nhiều địa phương ở TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Vị trí 3 cầu kết nối nhiều địa phương ở TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng


Quy mô lớn nhất là dự án cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Cầu bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP HCM. Cách đây 6 năm, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.

Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Trong 17 thiết kế đưa ra, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ được chọn. Theo phương án này, cầu Cần Giờ dài 3,4 km, có 4 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao đường 15B với đường số 2 (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh gần 2 km tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.

Dự án cầu Cần Giờ lúc trước dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỉ đồng và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT , công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác. Hiện, dự án được lên kế hoạch thực hiện giai đoạn 2023-2028.

Năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP HCM giao nhiệm vụ, bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm sớm triển khai cầu Cần Giờ. Công trình khi hình thành sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, tăng kết nối Nam Sài Gòn với Cần Giờ - huyện đảo duy nhất ở TP HCM. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hoá, công trình sẽ thúc đẩy phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch Cần Giờ.

Cầu Cát Lái nối TP HCM và Đồng Nai tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng, được quy hoạch từ 20 năm qua nhằm liên kết vùng, thay phà Cát Lái. Khó khăn nguồn vốn, công trình chưa được xây dựng. Ba năm trước, Thủ tướng đồng ý giao Đồng Nai chủ trì, lên các phương án gửi TP HCM xem xét, thống nhất triển khai. Nhiều phương án sau đó được đưa ra để khả thi trong thực hiện công trình, nhưng hiện các bên chưa quyết định.

Phà Cát Lái chở khách từ TP HCM qua Đồng Nai hồi tháng 1/2022. Ảnh: Gia Minh

Cầu sẽ thay phà Cát Lái kết nối TP HCM với Đồng Nai. Ảnh: Gia Minh

Cầu có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng hơn 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m... Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI, đơn vị tư vấn) đưa ra 5 phương án thiết kế cầu Cát Lái. Trong đó cơ quan tư vấn ưu tiên phương án 2 do nhiều ưu điểm như chiều dài ngắn nhất, ít giải phóng mặt bằng, chi phí thấp, thuận lợi kết nối giao thông.

Với phương án này, cầu Cát Lái có điểm đầu dự án tại đường ven sông Sài Gòn, đi dọc trục đường quy hoạch của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B và cắt đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai qua huyện Nhơn Trạch. Phía bờ Đồng Nai, dự án đi qua các xã Phú Hữu, Phú Đông, cắt qua đường 25C, kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành. Chiều dài toàn tuyến hơn 10,6 km.

Hiện ở khu vực trên, TP HCM kết nối giao thông qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu qua phà Cát Lái và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, vốn đã quá tải. Việc xây cầu Cát Lái được kỳ vọng bởi người dân, công nhân các khu công nghiệp không chỉ thoát cảnh "qua sông lụy phà" mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7, tổng vốn 5.300 tỉ đồng. Đây là một trong 59 dự án trọng điểm được Sở Giao thông Vận tải đăng ký giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Một phương án dự thi thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh:Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM

Một phương án dự thi thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM

Cầu Thủ Thiêm 4 theo thiết kế có điểm đầu trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).

Công trình trước đó cũng dự tính thực hiện theo hợp đồng BT nên sau khi hình thức bị loại bỏ trong Luật PPP, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo kế hoạch, công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là cần thiết, nhằm giảm áp lực giao thông từ phía TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh qua quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Công trình giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu và Nam TP HCM.