Người đứng sau “Flappy Bird”: Tôi đã gặp may

07/02/2014 00:13 GMT+7

Như đã giới thiệu ở bài trước, người đứng sau trò chơi “Flappy Bird” đang làm điên đảo làng game toàn cầu là một thanh niên 29 tuổi có tên Nguyễn Hà Đông, hiện sống tại Hà Nội.

Chàng trai này đang bị giới công nghệ thế giới “săn lùng” theo đúng nghĩa của từ này. Giới truyền thông thì muốn khai thác khía cạnh vì đâu mà một chàng trai vô danh, làm việc độc lập như Đông lại có thể tạo ra một trò chơi dẫn đầu App Store, trong khi các hãng game lớn thì muốn chiêu mộ anh hoặc mua lại “Flappy Bird” với giá lên tới hàng triệu USD.

 
Đồ họa của Flappy Bird khá đơn giản, gợi nhớ đến những trò game 8-bit
 
Tuy nhiên, ngoài một vài dòng tự giới thiệu trên mạng, Đông đã từ chối vài đề nghị phỏng vấn và cho biết không cảm thấy thoải mái khi được chú ý.
 
Sự hiện diện trên internet của Đông cũng khá kín tiếng cho tới nay. Anh có tài khoản Twitter và hay lui tới trang HTML5gamedevs.com để thảo luận việc phát triển game. Nhưng trang .GEARS của Đông không nêu rõ ai đứng sau các trò chơi hoặc ngoài anh thì công ty còn có ai.
 
Trong cuộc phỏng vấn với TechCrunch qua thư điện tử, Đông nói rằng anh là người sáng lập duy nhất tại .GEARS.
 
“.GEARS không phải là một công ty" - anh cho biết - "Hiện chỉ có mình tôi, nhưng tôi phải dùng từ "chúng tôi" để chuẩn bị cho tương lai. Trước Flappy Bird, không trò chơi nào của tôi có được 1/100 sự nổi tiếng như thế".
 
Anh cho biết việc lập trình Flappy Bird mất từ 2-3 ngày và anh có sử dụng hình ảnh đồ họa từ một số tựa game khác. Anh cũng thừa nhận sự bất ngờ với việc trò chơi chiếm lĩnh các bảng xếp hạng ứng dụng, dù mới ra mắt vào tháng Năm năm ngoái.
 
“Thật khó tin, tôi hiểu. Tôi cũng chẳng có cơ sở để làm bất kỳ điều gì khác ngoài việc tải trò chơi lên" - Đông nói trong cuộc phỏng vấn với Chocolate Lab Apps - "Sự nổi tiếng của game có thể là vận may của tôi".
 
Ganh đua để đánh giá Flappy Bird
 
Chuyên gia Elaine Heney của Chocolate Lab Apps nói rằng hiện ngay cả việc viết đánh giá về Flappy Bird dường như đã thành một dạng ganh đua. Người ta cố gắng viết những đánh giá kỳ cục nhất và mang tính mô tả rõ nhất về trò chơi gây bực mình này, dẫn tới việc #flappybird đã trở thành một hashtag phổ biến trên Twitter.
 
Trang TechCrunch đánh giá, “Flappy Bird” được thiết kế để bạn có thể nghiến ngấu chơi, ngay cả khi chỉ có vài giây để thư giãn trước khi làm việc khác. Nhưng khi bạn nhanh chóng thua cuộc, bạn lại càng có nhu cầu nhấn nút “OK” và “Start” để chơi lại. Như thế bạn lại hồi sinh con chim trông có vẻ ngu ngốc của mình và cố để ghi điểm cao.
 
Trong trò chơi chỉ có vài nút để người dùng lựa chọn, gồm "Rate" (Xếp hạng), bên cạnh "Start", "Score" và một nút tạm dừng mà nếu nhấn vào đó, bạn rất có nhiều khả năng sẽ khiến con chim đâm vào cột.
 
Chức năng "Rate" cho phép bạn chia sẻ nỗi bực dọc của mình trên cửa hàng ứng dụng, trong khi chức nặng "Share" cho phép bạn kể với bạn bè trên Facebook, Twitter hoặc qua tin nhắn SMS, thư điện tử rằng trò chơi rất... tệ hại, nhưng họ cần phải chơi thử.
 
Hiện nay, khoảng 300.000 người đã xếp hạng Flappy Bird, với rất nhiều người trong số đó có các bài đánh giá dài hơi và thậm chí là cả những nhận xét để trút bực. “Lý do duy nhất vì sao tôi chưa xóa trò chơi kinh khủng này là cảm giác nhẹ nhõm và hoàn thành khi cuối cùng mình đã đánh bại một điểm kỷ lục nào đó" - một người viết nhận xét - "Tôi đoán rằng cảm giác này cũng sẽ nhanh chóng nuốt chửng bạn. Nhưng đừng nói rằng bạn chưa từng được ai cảnh báo.
 
"Hãy để tôi bắt đầu bằng cảnh báo rằng HÃY ĐỪNG tải trò Flappy Bird…Người ta đã cảnh báo tôi về trò chơi nhưng tôi lại không để ý" - một người khác viết. "Cuộc đời tôi xong phim rồi. Cuộc đời bạn cũng thế. Thế giới toi đặc rồi" - một người khác viết với giọng hài hước.
 
Sau Flappy Bird sẽ là gì?
 
Trong cuộc trò chuyện với TechCrunch, Đông nói: "Tôi không biết vì sao các trò chơi của tôi lại được ưa thích thế. Phần lớn người chơi game của tôi là trẻ con ở trường học. Tôi muốn cảm ơn các bé vì chơi game của tôi và chia sẻ với người khác".
 
 
Đông vẫn ẩn mình, chỉ hiện diện trên Twitter (Nguồn: Twitter)
 
Về độ khó của game, Đông nói rằng không có tình huống nào mà người chơi không thể vượt qua. Anh chia sẻ kinh nghiệm chơi game là người chơi không nên "quá gắng sức và chơi quá nhanh".
 
Anh hiện đã có kế hoạch cập nhật  Flappy Bird, Super Ball Juggling và Shuriken Block, những trò đang đứng trong top 10 ứng dung miễn phí trên App Store.
 
Ngoài ra anh sẽ công bố một trò chơi mới trên iOS với tên Smashing Kitty, nhưng sử dụng cơ chế khác. "Tôi hy vọng các bạn có thể thấy các cập nhật và trò chơi mới của tôi trên App Store vào tuần tới".