Sự thật về màn hình Retina của iPad

14/03/2012 17:55 GMT+7

Cuối cùng thì sự mong đợi của người dùng iPad đã được đền đáp khi New iPad ra mắt cùng với màn hình Retina siêu nét giống như “họ hàng” iPhone của nó. Nhưng thực tế, màn hình Retina của iPad không thực sự ấn tượng và “ghê gớm” như người ta vẫn tưởng.

 
Công nghệ không mới

Theo công bố của TGĐ Tim Cook trong lễ ra mắt New iPad, màn hình Retina của mẫu máy tính bảng thế hệ thứ 3 của hãng có số điểm ảnh nhiều gấp 4 lần so với đàn anh iPad 2 của nó cùng với độ phân giải lên tới 2048 x 1536 pixel (3,1 triệu điểm ảnh) và có độ bão hòa màu cao hơn 44% và trở thành "màn hình tốt nhất thế giới trên một thiết bị di động”.

Nhưng trên thực tế, việc “nhét” quá nhiều điểm ảnh vào một không gian hẹp là việc làm cực khó bởi nó sẽ khiến các điểm ảnh ảnh hưởng chéo lẫn nhau (interference) gây ra tình trạng nhiễu và làm giảm chất lượng hình ảnh hiển thị. Chưa hết việc tăng số điểm ảnh cũng tỉ lệ nghịch với tỉ số khẩu độ và hệ quả tất yếu là độ sáng màn hình sẽ giảm xuống. Vậy Apple xử lý vấn đề này ra sao?

Một chuyên gia cao cấp của Apple đã tiết lộ rằng, để giữ cho màn hình New iPad được trong trẻo và hiển thị tốt như mong đợi các kỹ sư của hãng đã phát “di chuyển các điểm ảnh sang một lớp khác và ngăn chặn chúng liên lạc với nhau”.

Nhưng đó mới chỉ là cách giải thích của các nhà marketing dành cho cộng đồng phổ thông với mục tiêu dễ hiểu nhất. Nếu đi sâu hơn nữa, các chuyên gia về phần cứng và hình ảnh còn nhận thấy thực tế là Apple đã ứng dụng công nghệ “khẩu độ siêu cao” (Super High Aperture).

Super High Aperture (SHA) là kỹ thuật chèn một tấm nhựa thông tổng hợp có độ dày 3 micromete (10-6 met) nhằm tăng khoảng cách giữa các điện cực điểm ảnh và bảng mạch tín hiệu. Chính vì thế chúng sẽ không thể “nói chuyện tự do” với nhau và độ sáng của màn hình được cải thiện đáng kể.

Dẫu vậy, SHA lại là một công nghệ không có gì mới mẻ bởi các hãng công nghệ như Sharp và JSR đã phát triển thành công từ nhiều năm trước đây và hiện nay công nghệ này đã xuất hiện trên khoảng 1/4 số TV LCD trên toàn thế giới.

Thêm vào đó, màn hình Retina của iPad cũng không hoàn toàn giống như trên iPhone. Với 264 ppi (số điểm ảnh trên 1 inch vuông), iPad còn lâu mới bằng được iPhones 4 (hoặc iPhone 4s) với 326 ppi. Điều này cho thấy không biết Apple “đặt tiêu chuẩn” cho Retina là thế nào nhưng có lẽ cả thế giới chẳng có ai dám phủ nhận màn hình New iPad là loại màn hình “siêu phân giải” bởi dù có cố gắng đến đâu bạn cũng không thể nhìn thấy 1 điểm ảnh trên đó bằng mắt thường.
 
Tăng gấp đôi số đèn LED
 
Trước khi New iPad ra mắt, Sharp được cho là 1 trong 3 nhà sản xuất màn hình cho Apple (cùng với Samsung và LG Display). Nhưng đến giờ này chúng ta vẫn chưa thể kết luận được rằng ai là nhà cung cấp chính panel màn hình cho iPad.

Theo chuyên gia Richard Shim của DisplayBlogSearch, mặc dù Sharp là hãng đầu tiên nghiên cứu thành công và sản xuất màn hình công nghệ IGZO TFT nhưng họ vẫn chưa thể khắc phục những tồn tại của công nghệ này.

Thay vào đó, giới công nghệ vẫn tin rằng Samsung và LG mới là những nhà cung cấp chính panel màn hình sử dụng công nghệ a-Si TFT và chuyên gia Shim cũng thừa nhận rằng màn hình Retina 264 pixel của New iPad đã đạt ngưỡng tối đa cho phép của công nghệ này.

Để giải quyết điểm yếu cố hữu, các kỹ sư của Apple đã phải sử dụng đến một biện pháp “bất đắc dĩ” là tăng gấp đôi số lượng đèn LED trên màn hình (iPad 2 có 36 đèn LED và New iPad có khoảng 72 đèn).

Tuy nhiên, việc tăng số lượng đèn LED sẽ khiến chiếc iPad trở thành “con quỷ tiêu tốn điện năng” và buộc Apple phải tìm cách nâng dung lượng pin trên thiết bị của mình.

Nếu như iPad 2 được trang bị pin 6.944 mAh cho phép người sử dụng có thể làm việc trên đó 10 tiếng liên tục (ở điều kiện tiêu chuẩn) nhưng với New iPad, lượng điện tiêu thụ đã cao hơn tới 70% và đó chính là lý do vì sao Apple phải dùng đến pin 11.666 mAh và khiến cho chiếc iPad mới dày hơn, nặng hơn iPad 2 mà cũng chỉ có thể hoạt động được khoảng 9 tiếng trên mạng 4G LTE.

Đó là một số điểm ấn tượng nhất trong công nghệ màn hình của New iPad. Một lần nữa chúng ta lại thấy sự khôn ngoan của hãng công nghệ này bởi chiến lược marketing đơn giản mà hiệu quả của họ. Apple không cần tốn thời gian để giải thích các đặc tính kỹ thuật mà thay vào đó là nhắm đến việc giải thích thiết bị này này làm việc như thế nào bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất và khiến người dùng nhớ một cách lâu nhất những đặc điểm nổi bật của sản phẩm.