4G tại Việt Nam

28/10/2010 19:57 GMT+7

(TG@) - Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, việc lựa chọn xây dựng mạng 4G dựa trên công nghệ WiMax hay LTE do doanh nghiệp tự quyết định. Vậy các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ chọn công nghệ nào?

iMax và LTE, hai đại gia cạnh tranh cho thị phần trong không gian viễn thông 3G. WiMax là công nghệ được xem là tương lai của mạng không dây tầm xa. Nhưng gần đây, công nghệ này đã bị thử thách do sự xuất hiện của công nghệ có tên Long Term Evolution (LTE). Ai sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này?

WiMax

Ý tưởng cho WiMax được bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Nhiều công ty viễn thông đã bắt đầu lập kế hoạch và thiết kế những hệ thống mạng có khả năng xử lý khối lượng băng thông lớn. Cuối cùng cáp quang được nghĩ đến cho bài toán này.

Nhưng việc sử dụng cáp quang để cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng có chi phí rất tốn kém. Ước tính chi phí này vào khoảng 1.000 USD cho mỗi mét đường truyền. Điều này đã thúc đẩy các nhà cung cấp tìm kiếm một giải pháp thay thế có chi phí rẻ hơn. Và cuối cùng giải pháp của họ là sử dụng công nghệ không dây WiFi. Intel đã ủng hộ công nghệ không dây WiFi cho đến nay, và cũng đã tích hợp công nghệ WiFi vào bộ vi xử lý Centrino nổi tiếng của mình.

Năm 2001, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) đưa ra bộ tiêu chuẩn 802.16 cho truy cập không dây băng thông rộng. Ngay sau đó các diễn đàn WiMax được thành lập để thúc đẩy tiêu chuẩn này, và cuối cùng cái tên WiMax được sinh ra. Intel cũng ủng hộ công nghệ không dây này.

Công nghệ WiMax theo giao thức chuẩn 802.16e có nghĩa là có chức năng tương tự WiFi. Nhưng tầm phủ sóng của WiMax xa hơn, có thể đạt đến hàng chục km (lên đến 50 km) và nhanh hơn (tương lai tốc độ lên tới 1 GB). Vì vậy, WiMax có thể được sử dụng cho cả mạng CDMA và GSM hay nói cách khác giống như một chiếc điện thoại có tính năng WiFi đang tồn tại trong các loại điện thoại di động CDMA và GSM.

LTE

LTE là viết tắt của Long Term Evolution và còn được gọi là 3GPP LTE, với 3GPP viết tắt của (3rd Generation Partnership Project), một hiệp hội được thành lập vào cuối những năm 1990 với mục tiêu phát triển các chi tiết kỹ thuật cho các công nghệ trên hệ thống mạng GSM. Kể từ đó tất cả các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ GSM được xây dựng và duy trì bởi 3GPP.

Ban đầu, GSM đã được phát triển như mạng chuyển mạch rất phù hợp cho truyền thoại nhưng rất xấu cho việc truyền dữ liệu. Tất cả điều này đã thay đổi với sự ra đời của tiêu chuẩn General Packet Radio Service (GPRS). Các tiêu chuẩn GPRS cung cấp một phương pháp của các gói tin định tuyến qua mạng GSM và thường được mô tả như là một tiêu chuẩn 2.5G.

Khả năng truyền tải dữ liệu của mạng GSM tiếp tục phát triển với sự ra đời của EDGE. Được giới thiệu vào năm 2003, là chuẩn nâng cao của hệ thống thông tin di động GSM. EGDE cho tốc độ truyền tải dữ liệu 384Kbps, tức khoảng gấp 3 lần tốc độ truyền tải của chuẩn GPRS. Và chính nó là một công nghệ 3G, dựa trên đặc điểm kỹ thuật 3G của ITU.

Khả năng truyền dữ liệu vẫn được cải thiện hơn nữa với sự ra đời của một chuẩn 3G từ 3GPP gọi là High Speed Packet Access (HSPA). Trong khi các mạng EDGE có thể cung cấp đường truyền tải dữ liệu xuống trong lý thuyết 1 MB / s, thì mạng HSPA có thể cung cấp tốc độ lên đến 14 MB / s. Tuy nhiên, trong thực tế lại khác. Năm 2009 Vodafone hoàn thành một hệ thống mạng HSPA thử nghiệm có tốc độ dữ liệu lên đến 16 MB / s nhưng thừa nhận rằng hầu hết người dùng chỉ có thể trải nghiệm tốc độ dữ liệu tải về khoảng 4 MB / s.

HSPA+ còn gọi là HSPA Evolved là một mở rộng của chuẩn HSPA và cung cấp đường truyền tải dữ liệu xuống là 56 MB / s. HSPA+ cũng sử dụng công nghệ anten được gọi là Multiple Input Multiple Output (MIMO). Và MIMO là một công nghệ được sử dụng trong LTE.

Nhìn vào quá trình phát triển của GSM như một mạng chuyển mạch được thiết kế hiệu quả cao cho các ứng dụng thoại di động, cho đến bây giờ với EDGE, HSPA và HSPA+ bạn có thể thấy rằng 3GPP đã dần dần phát triển các tiêu chuẩn GSM. Cùng với sự phát triển gia tăng đáng kể tốc độ dữ liệu, 3GPP cũng đã giới thiệu từ từ thay đổi đáng kể kiến trúc được yêu cầu để đáp ứng mục tiêu tối đa hóa khả năng của GSM trong thế hệ thứ ba cũng như tiến tới thế hệ thứ tư. LTE cũng thường được cho là một 4G.

3G hay 4G?

Bản chất của WiMax và LTE là công nghệ không dây có tốc độ nhanh hơn so với công nghệ 3G, được thiết kế cho mục đích truyền dữ liệu (download và upload) hơn là thoại. Cả hai là tương lai của công nghệ internet không dây băng thông rộng.

Nhiều người thường nhầm lẫn LTE 4G bắt nguồn từ cách thức giới thiệu công nghệ. WiMax được bắt đầu vào giữa những năm 1990 và nhanh chóng được công nhận rộng rãi. Trong thực tế nhiều người đã coi WiMax đồng nghĩa với 3G. Vì vậy, tại sao mọi người không nghĩ rằng LTE là công nghệ thế hệ 4 (4G)? Do LTE đã được giới thiệu khá muộn hơn so với WiMax (khoảng 2004) cùng một số lợi thế hơn WiMax. Các yếu tố này gây ra sự ngộ nhận LTE là mới, nên nó phải được xem là công nghệ thế hệ tiếp theo. Trong thực tế, LTE không phải là 4G bởi vì nó không đáp ứng các yêu cầu mà chuẩn 4G đặt ra bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Mặc dù vậy nó đáp ứng các chi tiết kỹ thuật 3G của ITU.

WiMax thực sự có thể đạt được tiêu chuẩn 4G bởi vì nó có thể được ứng dụng cả trên mạng GSM hoặc CDMA. Trong khi đó LTE có chi phí rẻ hơn và chỉ có thể sử dụng trên mạng GSM, bởi vì công nghệ 4G này được xây dựng trên nền tảng GSM hiện có. Trái ngược với LTE, vấn đề của WiMax là chi phí cao hơn do phải xây dựng hệ thống lại từ đầu theo công nghệ này.

Ai sẽ thắng?

WiMax – một chuẩn đến từ ngành công nghiệp máy tính và mạng máy tính, và được ủng hộ bởi Intel – một đại gia trong ngành công nghiệp máy tính và sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới. Trong khi đó LTE được hậu thuẫn bởi các công ty dịch vụ viễn thông và các nhà sản xuất điện thoại di động truyền thống.

LTE phát triển hướng tới mạng điện thoại di động hơn là một hệ thống mạng máy tính, có lợi thế là dễ nâng cấp từ các mạng GSM hiện có. Trong khi đó, WiMax phát triển từ yêu cầu của hệ thống mạng máy tính hơn là nhu cầu cho chuẩn điện thoại di động. WiMax phải xây dựng hệ thống mạng từ đầu với chi phí cao.

Hai tiêu chuẩn tuy đến từ nguồn gốc khác nhau (với điểm mạnh và điểm yếu khác nhau) nhưng đã hội tụ chung về một điểm như cách mà hiện nay các điện thoại và máy tính hội tụ với nhau.

Ai sẽ thắng trong cuộc đối đầu ấn tượng này? Có lẽ câu trả lời do người tiêu dùng quyết định, xem họ muốn có một điện thoại được nối mạng với Internet, hay muốn một máy tính có thể thực hiện cuộc gọi như điện thoại? iPhone đã cho chúng ta thấy có một phần rất lớn thị trường muốn một máy tính có thể thực hiện giống như điện thoại. Nhưng cho đến giờ LTE đang chiếm lợi thế vì chi phí đầu tư thấp.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thế hệ tiếp theo của công nghệ di động - còn gọi là công nghệ 4G về lý thuyết có khả năng cung cấp kết nối có tốc độ lên tới 100 Mb/giây, nhanh hơn hàng chục lần so với tốc độ của mạng 3G hiện nay