8 máy đột phá trong lịch sử điện thoại nhạc số

19/09/2010 03:01 GMT+7

Chiếc điện thoại nghe nhạc đầu tiên "cất giọng"  đã bắt đầu từ năm 2000 và hành trình 10 năm đó là những dấu ấn lịch sử được ghi lại bằng những vật chứng sống - điện thoại nhạc số.

Samsung M100

Ngày nay có thể điện thoại Samsung ít làm người ta tư duy đến nhạc số bởi những đặc tính trên các dòng máy mới của hãng không tạo dấu ấn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngược dòng thời gian quay lại năm 2000, thời của những Sony Walkman, Creative Normad hay Apple iPod thống trị thị trường máy chơi nhạc số thì Samsung đã có bước khởi đầu khá tốt với M100.

Chiếc điện thoại hệ GSM đầu tiên có khả năng chơi nhạc số ấy đã làm điên đảo cả giới trẻ lúc bấy giờ với tính năng chơi MP3 thời thượng cũng như gọn xíu trong lòng bàn tay. Với chất âm khá, kết hợp cùng tai nghe có nút tua bài, M100 là một sản phẩm tạo ấn tượng tốt trong công chúng. Thế nhưng đáng tiếc là Samsung đã vuột mất cơ hội lịch sử ấy để rồi M100 biến mất mà không hề có thêm một sản phẩm nào ra trò tiếp nối.

Siemens SL45

Giới sành chơi di động nhắc đến SL45 là thường nhớ ngay đến những hội, những câu lạc bộ dành riêng cho tín đồ đam mê cuồng nhiệt của dòng điện thoại này. Tại sao Siemens SL45 lại được tôn vinh như vậy? Một chiếc điện thoại xuất xứ từ Đức, màn hình đơn sắc nền da cam nhưng ấn tượng với khả năng nghe nhạc số và lưu được vào thẻ nhớ đã làm rung chuyển toàn châu Âu vào năm 2001, và mãi cho tới 5, 7 năm sau tại Việt Nam nó vẫn còn được tôn vinh như một chiếc điện thoại nhạc số không có đối thủ.

Một chất âm ấm, trầm nhưng nét tiếng kết hợp với những bộ chỉnh âm cài sẵn, bản thân Siemens SL45 đã chinh phục mọi trái tim yêu nhạc. Việc các chuyên gia độ máy mày mò để chế ra những bản firmware "độ" tối ưu cho nhạc số cũng như gia công bộ vỏ thành những chiếc điện thoại vỏ gỗ tinh xảo đã đưa chiếc điện thoại già cỗi như SL45 trở lại thị trường ngay cả khi thương hiệu Siemens Mobile đã hoàn toàn bị khai tử.

Nokia 5510

Được ví như "ông tổ" của dòng Nokia E-series ngày nay, Nokia 5510 nổi lên như một hiện tượng với một thiết kế cầu kỳ của bàn phím QWERTY cùng bộ nhớ 64MB hỗ trợ chơi nhạc số. Ra mắt năm 2001, với những hạn chế về công nghệ lúc bấy giờ, lẽ dĩ nhiên Nokia 5510 không thể sở hữu khe gắn thẻ nhớ hay các chức năng thời thượng như máy ảnh số.

Tuy nhiên, bằng việc tung ra 5510, hãng điện thoại Phần Lan đã mở ra một kỷ nguyên mới chứng tỏ năng lực cạnh tranh của mình trong lĩnh vực nhạc số di động và giờ đây sau gần 10 năm nỗ lực, những N-series, XPressMusic series đã và đang trở nên phổ biến từ phân khúc cao cấp lẫn bình dân.

Motorola E398/ROKR E1

Trong lịch sử di động nhạc số, đã nhiều chiếc điện thoại được ra đời với sự kỳ vọng cao mà điển hình là Motorola ROKR E1. Hãy thử tưởng tượng, khi iTunes kết hợp cùng di động - đó là cả một thiên đường nhạc số thời số hóa.

Được trông chờ như một bước tiến mới của Motorola cùng Apple iTunes, tham vọng của 2 đại gia tới từ nước Mỹ này là làm bá chủ cuộc chơi nhạc số di động bằng chiếc điện thoại chuyên dụng ROKR E1. Chiếc điện thoại thân trơn, có phần mềm chuyên dụng hệt như các máy iPod thời bấy giờ để chơi nhạc đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Ước vọng đó không thành sự thật bởi sự non yếu của Motorola cũng như Apple quá "láu" để tính nước đi riêng cho mình cùng iPhone sau này để rồi dự án buông lơi.

Sau đó, Motorola tiếp tục phát triển thương hiệu ROKR nhưng mau chóng "sập tiệm" và E1 mãi mãi trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, các bản firmware của chiếc điện thoại này được hồi sinh trên các dòng máy E398 và các modder đã làm hồi sinh dòng máy ít tên tuổi này của Motorola khiến nó trở thành một sản phẩm có doanh số khá cao của hãng.

Samsung i300/i300x

Ngày nay người ta đã quá quen với những bộ nhớ siêu khủng của điện thoại, lên tới cả chục gigabyte dữ liệu. Thế nhưng, thời điểm năm 2005, hãng điện thoại Samsung đã làm cả thế giới kinh ngạc với một chiếc điện thoại mà bộ nhớ trong tới 3GB chuẩn microdrive (một dạng bộ nhớ trong tương tự định dạng thẻ nhớ Compact Flash cho máy ảnh).

Ngoài ra, nó còn được tích hợp thêm khe gắn thẻ microSD tới 2GB, nâng dung lượng tối đa của máy có thể lên 5GB. Máy sử dụng HĐH Windows Mobile Smartphone 2003 với các tính năng ưu việt của một điện thoại thông minh. Đáng tiếc rằng, với chất âm khá tệ kèm với việc hay lỗi vặt, pin tăng cường dung lượng tới 1700mAh vẫn mau hết đã khiến Samsung i300 sớm biến mất khỏi thị trường di động nhạc số.

Sony Ericsson W800i

Không vội vã trong cuộc đua điện thoại nghe nhạc mặc dù là nhà sản xuất máy nghe nhạc di động hàng đầu với thương hiệu Walkman, mãi tới Qúy I/2005, chiếc điện thoại nghe nhạc chuyên dụng đầu tiên của liên danh Sony Ericsson mới ra mắt dưới cái tên W800i.

Được ví như một nữ hoàng nhạc số, W800i làm điên đảo các tín đồ yêu nhạc bằng chất âm thuần khiết và cao cấp. Sức hoạt động bền bỉ lên tới gần 22 tiếng khi ở chế độ Offline của máy cũng là một tiêu điểm lúc bấy giờ và sau đó nhiều năm, đây vẫn là một tượng đài của điện thoại nghe nhạc bằng các bản mod firmware hiệu chỉnh âm thanh của các modder.

Alcatel OT S853

Ít được biết đến tại thị trường Việt Nam nhưng thương hiệu Alcatel lại là một cái tên khá quen thuộc tại châu Âu, nhất là nước Pháp. Không ồn ào và nổi trội nhưng đến hôm nay thương hiệu Alcatel vẫn còn tồn tại với những sản phẩm ấn tượng bằng kiểu dáng hoặc chức năng.

Đáng kể đến nhất trong dãy sản phẩm của Alcatel là OT S853. Ra mắt đã được gần 5 năm nhưng thời điểm đó sự hiện diện của OT S853 ghi nhận nhiều lời khen về một sự đột phá trong kiểu dáng. Với hệ thống loa đôi hai đầu, âm thanh loa ngoài của OT S853 được mệnh danh là "vô đối", cùng với đó là dãy nút bấm chuyên dụng ngay hông máy khiến sản phẩm tựa như một chiếc đài mini hơn là điện thoại. Trang tin uy tín GSMArena thậm chí còn định nghĩa OT S853 là một "sự vuốt ve của âm nhạc" kèm theo đó là những bình chọn khá cao của người dùng.

O2 Xphone IIm

Thương hiệu điện thoại O2 có lẽ sắp đến ngày tàn nhưng suốt quá trình lịch sử, đã có lúc O2 được vinh danh như một trào lưu với những sản phẩm đột phá như XDA, MDA. O2 Xphone IIm cũng là một cái tên đáng nhắc đến của thương hiệu O2 với việc là chiếc smartphone nghe nhạc ưu tú nhất lúc bấy giờ.

Như đã nói ở trên, mặc dù là điện thoại có bộ nhớ lớn đầu tiên nhưng Samsung i300 tiềm ẩn nhiều lỗi khiến nó không thể trở thành điện thoại smartphone nghe nhạc hấp dẫn, còn O2 Xphone IIm thì lại khác. Bằng kinh nghiệm của mình, O2 đã đem tới một sản phẩm điện thoại nhạc số cao cấp kết hợp cùng các tính năng vượt bậc của HĐH Windows Mobile Smartphone, và cho ra đời một thiết bị nhỏ gọn, đẹp như Xphone IIm.