Khi nhiều cách quảng bá “bẩn” vẫn tồn tại, chi phối bảng xếp hạng trên App Store thì thành công bất ngờ của Flappy Bird khiến có người nghi ngờ thứ hạng của tựa game này là chuyện bình thường. Dĩ nhiên, tác giả Nguyễn Hà Đông bác bỏ thông tin này và chúng ta nên tin ở anh bởi anh chỉ là nhà phát triển mới khởi nghiệp, không đủ tiền để có thể chi phối bảng xếp hạng. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn có thể ăn gian được vị trí xếp hạng, nếu muốn.
Phù phép lượng tải về
Đối với App Store, dịch vụ phân phối tiện ích nền iOS của Apple, thứ hạng của các tiện ích và game được sắp xếp trong một bảng Top Chart. Người dùng sử dụng bảng Top Chart này để tìm kiếm các tiện ích hay các tựa game, chính vì vậy lọt vào các thứ hạng cao có thể dễ dàng đẩy độ phổ biến của một tiện ích lên rất nhanh.
Jampp - một trong số những hệ thống quảng cáo tiện ích nền di động Ảnh: ARSTECHNICA
Apple sử dụng một thuật toán để sắp xếp các tiện ích trên bảng xếp hạng và minh bạch thuật toán này hoạt động như thế nào để tránh tình trạng ăn gian. Tuy nhiên, thuật toán vẫn bị lợi dụng. Hồi tháng 6-2013, hãng phân tích Distimo ước tính một tiện ích cần có khoảng 23.000 lượt tải về trong một ngày để có thể lọt vào nhóm 50 tiện ích đứng đầu bảng xếp hạng các game miễn phí và 72.000 lượt tải về để đứng trong nhóm 10 tiện ích hàng đầu. Một nghiên cứu khác của nhà phát triển tiện ích Readdle cho thấy chỉ cần 4.000 lượt tải về là có thể lọt vào tốp 10 của các tiện ích trả phí. Từ đó, một nhà phát triển có thể biết được họ cần phải giả tạo lượng tải về bao nhiêu để có thể lọt vào các thứ hạng cao.
Dịch vụ quảng bá ăn gian
Hiện có rất nhiều dịch vụ quảng bá lợi dụng bảng xếp hạng Top Chart như thế, với nhiều thủ đoạn khác nhau, từ láu cá đến vô cùng “bẩn”. Đơn giản nhất thì có các bảng quảng cáo ở khắp các trang web, bên trong các tiện ích hoặc email quảng cáo. Phức tạp hơn thì có các dịch vụ tưởng thưởng người dùng bằng tiền thật để tải về các phần mềm tiện ích, càng tải về nhiều thì phần thưởng càng cao. Thậm chí, một số dịch vụ như ChartBoost còn cho các nhà phát triển phần mềm trao đổi quảng cáo trong tiện ích của mình với nhau mà không cần phải trả phí cho ai cả...
Những thủ thuật ăn gian như thế được xem là “bí mật” được biết đến từ lâu của các tiện ích và game thành công trên App Store. Điều này cho thấy đôi khi một phần mềm, tiện ích thành công không chỉ đơn giản là vì chất lượng của nó mà còn có thể do ăn gian thứ hạng. May thay, Apple đã có rất nhiều đợt cải tiến thuật toán xếp hạng tiện ích trong bảng Top Chart, liên tục “lấp” các lỗ hổng để không bị lợi dụng. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là không có cách khác để tăng thứ hạng một cách giả mạo.
Để đối phó với các biện pháp của Apple, các nhà quảng bá ăn gian nhắm đến một biện pháp khác: Đánh giá giả mạo. Các phân tích cho thấy từ tháng 7-2013, đánh giá phần mềm có hiệu quả hơn rất nhiều so với lượt tải về. Thế là hàng loạt dịch vụ quảng bá “bẩn” như SafeRankPro, BuyAppStoreReviews, BestReviewApp, AppRebates xuất hiện với mục đích cung cấp đánh giá và nhận xét giả tạo, dĩ nhiên phải trả phí.
Lợi ích
Cách quảng bá “bẩn” này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của các nhà phát triển phần mềm nhưng tại sao chúng vẫn được sử dụng một cách phổ biến? Đó là vì lợi nhuận đem lại rất hấp dẫn so với mức phí phải trả cho các dịch vụ quảng bá “bẩn”. Theo hãng marketing Trademob, một lượt tải về giả tạo có giá từ 0,7-1,4 USD, phí tổng cộng để có thể đạt thứ hạng trong tốp 10 ước tính khoảng 96.000 USD nhưng với cái giá đó, nhà phát triển có thể làm tăng lợi nhuận của mình lên đến 70% đối với tiện ích và 100% đối với game - theo Trademob.
Tuy vậy, cách ăn gian này lại có tác hại rất lớn đối với người dùng thông thường và các nhà phát triển phần mềm nhỏ. Các tiện ích đôi khi không có chất lượng tốt, có nhiều lỗi, không đáng được sử dụng lại đứng đầu bảng xếp hạng, làm cho người dùng tưởng rằng chúng là các tiện ích tốt nhất. Trong khi đó, các nhà phát triển độc lập dù có thể làm ra những tiện ích chất lượng tốt hơn nhưng vì không có vốn nhiều nên không thể chạy đua với các hãng phần mềm lớn.
Nhiều game bắt chước Flappy Bird
Sau khi Flappy Bird được gỡ bỏ khỏi App Store, hàng ngàn người đã đổ xô đi bán điện thoại iPhone của họ với game này còn được cài đặt lên eBay - trang đấu giá bán hàng qua mạng. Trong khi đó, những người dùng Android có thể quay sang cài đặt game Flappy Bird thông qua các file APK được đăng tải trên mạng nhưng vẫn có thể bị dính phải các phần mềm độc hại. Cùng lúc, trên App Store của Apple iOS, Google Play của Android và cả trên nền web đều xuất hiện hàng loạt game bắt chước Flappy Bird. Các game “clone” (nhân bản) này có khi chỉ là một phiên bản sử dụng hình ảnh đồ họa khác với cùng cách chơi hoặc có khi sử dụng một cách chơi hoàn toàn mới như chơi Flappy Bird với góc nhìn người thứ nhất hay game luyện đánh chữ để điều khiển Flappy Bird... |