Nghề cắt SIM ăn theo... Apple

18/11/2010 06:25 GMT+7

Khi tung ra những dòng sản phẩm gây sốt như iPad, iPhone 4 nhưng lại dùng dòng SIM tiêu chuẩn mới là MicroSIM, hẳn Apple cũng không ngờ giới công nghệ đã đối phó lại bằng các dụng cụ cắt SIM thường thành SIM nhỏ, chuyển đổi SIM nhỏ để dùng như SIM thường. Với người kinh doanh mặt hàng phụ kiện ĐTDĐ tại Việt Nam, điều này chỉ tạo thêm cho họ cơ hội buôn bán một dịch vụ mới đắt khách.

 

Máy tính bảng iPad của Apple sử dụng MicroSIM.

Máy tính bảng iPad của Apple sử dụng MicroSIM.

Cắt SIM? Chuyện nhỏ!

Như chúng ta đã biết, máy tính bảng đình đám iPad 3G sử dụng chuẩn MicroSIM mới, chỉ nhỏ bằng 52% SIM thường (SIM thường có kích thước 15x25mm, MicroSIM chỉ khoảng 12x15mm). Apple cũng dùng chiêu bài MicroSIM cho chiếc điện thoại iPhone 4, với lý do MicroSIM có nhiều đặc tính ưu việt hơn chuẩn SIM cũ như: cho phép nhiều ứng dụng truy cập đồng thời qua các kênh logic; chống giả mạo nhà mạng bằng cách cho phép thẻ SIM xác thực trạm phát sóng mà nó đang kết nối; bổ sung cách thức quản trị số PIN mới: Universal PIN, Application PIN và Local Pin; mở rộng khả năng lưu trữ số điện thoại với đề mục cho email, tên và nhóm.

Việc sử dụng MicroSIM rõ ràng gây bất tiện cho những người đang dùng SIM thường, nhất là khi người dùng có thói quen dùng SIM rác để truy cập 3G, hoặc muốn giữ số điện thoại quen thuộc để dùng trên iPhone 4. Để khắc phục vấn đề trên, nhiều người đã cắt SIM chuẩn thường theo kích thước MicroSIM, do MicroSIM có cấu trúc khá giống so với SIM bình thường chỉ trừ có phần thừa là dài hơn.

Việc cắt SIM ban đầu được thực hiện rất thủ công. Trang công nghệ CNET từng có bài hướng dẫn cách cắt SIM bằng kéo, chỉ cần đo kích thước chính xác và cắt cẩn thận không phạm vào phần mạch đồng của SIM. Tại Việt Nam, chỉ ba ngày sau khi iPad được bán ra ở Mỹ, anh Đặng Thanh Phong (quản trị diễn đàn HandheldVN) đã thử nghiệm cắt và mài SIM của các nhà mạng Việt Nam và thành công, dùng được ngay với cả ba mạng vì Apple không khóa mạng 3G trên iPad.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đã có dụng cụ cho phép thực hiện thao tác này chính xác và an toàn hơn, đó là MicroSIM Cutter. Dụng cụ này có hình dạng giống như chiếc dập ghim vẫn dùng để ghim giấy, có khe để người dùng chỉ việc đặt SIM thường vào và bấm. Giá một chiếc MicroSIM Cutter hiện được rao bán trên mạng với nhiều mức giá khác nhau, từ 200.000-350.000đ/chiếc, thậm chí nick anhtam trên diễn đàn hoianclub.com chỉ bán với giá 190.000đ, giảm cho khách hàng VIP còn 170.000đ/chiếc.

Cắt rồi, lại dùng adapter để "vá"
Với người dùng SIM rác để truy cập 3G trên iPad, chuyện cắt SIM dùng hết tiền rồi vứt đi là… chuyện nhỏ, song với những chủ nhân sở hữu điện thoại iPhone 4, họ không muốn thay đổi số điện thoại, cũng không muốn cắt chiếc SIM yêu quý cho nhỏ đi để rồi không dùng lại được với máy khác. Rất nhanh nhạy, thị trường có ngay chiếc MicroSIM Adapter để bạn có thể gài chiếc SIM đã cắt rồi lắp vào điện thoại dùng như bình thường.  

Adapter
Adapter "vá" SIM đã cắt trở về kích thước SIM thông thường.

MicroSIM Adapter hiện cũng được rao bán rộng rãi trên mạng, với giá tùy nơi từ 20.000-50.000đ/chiếc, thậm chí có cửa hàng còn bán lẻ với giá 90.000đ/chiếc. Nhiều nơi bán Adapter theo hình thức bán kèm với MicroSIM Cutter, như nick anhtam kể trên bán với giá 250.000đ cho một chiếc Cutter kèm bốn chiếc Adapter, tính ra cũng rẻ hơn mua riêng từng loại.

Lời 50% là ít nhất

Theo lời Nam, có nick daigia8x trên nhiều diễn đàn và web mua bán rao vặt, các dụng cụ Cutter hay Adapter kể trên xuất hiện tại thị trường Việt Nam hầu như ngay sau khi có thông tin unlock được iPhone 4. Trước đó, mặc dù iPad cũng dùng MicroSIM song chưa thấy có các dụng cụ này.

Thời điểm mới ra, một chiếc Cutter có giá trung bình khoảng 350.000-400.000đ/chiếc, cá biệt có nơi bán đến gần 500.000đ/chiếc và bán rất chạy, chủ yếu do các cửa hàng kinh doanh hàng Apple/iPhone nhập về để cắt SIM cho khách. MicroSIM Adapter thời kỳ đầu cũng có giá từ 90.000-150.000đ/chiếc. Chỉ một, hai tuần sau, các đầu mối kinh doanh mặt hàng này đều giảm giá, khi lượng hàng trên thị trường nhiều và số người bán cũng tăng lên. Nam cho biết, tùy nơi nhập và tùy nơi bán, nhưng các đầu mối phải lời ít nhất 50% khi kinh doanh mặt hàng này.

SIM Cutter sử dụng rất đơn giản, chỉ cần nhét SIM thường vào đúng chiều và bấm là sẽ thành MicroSIM.

SIM Cutter sử dụng rất đơn giản, chỉ cần nhét SIM thường vào đúng chiều và bấm là sẽ thành MicroSIM.

Cũng theo lời Nam, hiện các dụng cụ này vẫn bán rất chạy, có ngày Nam bán được mười mấy bộ. Khách hàng mua lẻ thường là những người dùng iPad chuyên xài SIM rác, mua bộ Cutter về để thường xuyên cắt SIM dùng xong là bỏ. Các cửa hàng kinh doanh iPad/iPhone thì thường mua một vài bộ, vừa dùng để làm dịch vụ cắt SIM cho khách, vừa bán cho những khách cần dùng thường xuyên.

Ngoài ra, Nam cho biết, còn một lượng khách tương đối lớn là Việt kiều và người ngoại quốc, trong đó có nhiều người đặt mua từ nước ngoài, một số khác có văn phòng hoặc công ty tại Việt Nam thì đặt mua nhiều để còn mang ra nước ngoài. Tại TP.HCM, những đầu mối lớn luôn có lượng hàng lên đến cả trăm bộ để sẵn sàng cung cấp cho khách bất cứ lúc nào thì chỉ có khoảng 3-4 nơi, còn lại những điểm bán một vài bộ thì rất nhiều.

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh iPhone đều có bán dụng cụ Cutter và Adapter, đồng thời có dịch vụ cắt SIM cho khách. Thông thường các cửa hàng tính gộp giá unlock và cắt SIM luôn, còn tính riêng thì khoảng 30.000-50.000đ/lần, có nơi miễn phí cắt SIM vì thực ra thao tác này rất đơn giản.

Hiện tại, hai nhà mạng Viettel và VinaPhone đều đã “đánh tiếng” nhập iPhone 4 về bán trong tháng 9, bán kèm với MicroSIM. Tuy nhiên, để MicroSIM có thể “tương thích” với các dòng điện thoại dùng SIM thông thường, hai nhà mạng cũng đặt hàng sản xuất MicroSIM Adapter cung cấp cho khách hàng.

Xu thế dùng MicroSIM chắc chắn sẽ còn phát triển. Hãng O2 hiện đã hé lộ thông tin về việc sử dụng MicroSIM trên các sản phẩm của họ. Như vậy, với sự bành trướng của iPad, điện thoại iPhone, O2… thì các dụng cụ MicroSIM Cutter và Adapter sẽ còn sống “khỏe”.