Những hiểm họa từ tin nhắn

19/02/2011 07:51 GMT+7

<FONT size=2>Tình trạng gởi tin nhắn đủ các kiểu ồ ạt tới điện thoại di động đã làm người sử dụng điện thoại “đau đầu”. Nhiều người cả tin gởi tin nhắn trở lại, đã mất tiền lại rước thêm bực mình. Nhưng vậy vẫn được xem là nhẹ so với những kiểu quấy rối bằng tin nhắn đã làm hạnh phúc không ít gia đình mấp mé bên vực thẳm!</FONT>

Ảnh minh họa

Tin báo... bão 

Đã ba ngày qua, được bạn bè giải thích nên chị Hằng (vợ anh Nghĩa, ở Q3) đã phần nào nguôi ngoai nhưng cứ mỗi lần đọc lại nội dung tin nhắn từ đầu số 0168xxxxxxx, chị lại nổi cơn ghen về chồng mình. Theo anh Nghĩa kể lại, một buổi sáng cuối tuần, điện thoại của vợ xuất hiện tin nhắn báo cho biết chồng chị có “bồ nhí” và đã sinh một đứa con. Những tin nhắn tiếp theo kể tường tận những lúc chồng của chị ghé lại nhà của cô bồ này và làm những gì... Đầu tiên, chị Hằng khóc, sau đó làm dữ với chồng bằng những lời nhiếc móc thậm tệ, trách anh sao nỡ bội bạc! Ban đầu anh Nghĩa ngỡ ngàng trước những động thái, lời nói bất thường của vợ. Sau đó, dần dần anh hiểu ra nguyên nhân do những tin nhắn trong điện thoại của vợ. Mặc dù anh thề sống thề chết không có bồ nhưng chị vẫn nhất mực không tin! Giận tím người, anh lấy điện thoại gọi vào số thuê bao trên. Chuông đổ vài hồi thì máy bên kia... từ chối cuộc gọi! Sau đó, thuê bao trên tắt máy. 30 phút sau, nhiều tin nhắn từ số thuê bao trên lại tiếp tục đổ về máy chị Hằng. Gọi lại, hiện tượng trên vẫn lặp lại. Ngày cuối tuần của gia đình anh Nghĩa bỗng trở nên nặng nề, căng thẳng...

Anh Việt (ở Q7) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một đêm khi anh Việt vào nhà tắm, bỗng từ máy của anh xuất hiện một tin nhắn với nội dung: “Mày mượn tao mấy triệu để chơi bời. Hẹn hôm nay trả sao không trả”. Người vợ điên tiết tra khảo khiến anh phải phân trần suốt cả đêm rằng không mượn tiền ai cả. Đêm hôm sau, điện thoại của anh Việt còn xuất hiện một tin nhắn khá mùi: “Không chỉ đẹp trai, anh còn galăng với phụ nữ. Em thích kiểu đàn ông như vậy”. Lần này gia đình thực sự nổi cơn giông tố. “Nạn nhân” gọi lại số máy trên và nghe tiếng thỏ thẻ: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”!

Ngăn chặn cách nào?

Tin nhắn rác, tin nhắn quấy rối... là “hệ quả xấu” của điện thoại di động. Nhà mạng có thể chặn những tin nhắn từ các đầu số tổng đài dịch vụ, như: 67xx, 87xx... nhưng với tin nhắn từ những đầu số thông thường là chuyện “ngoài tầm tay”. Đại diện một nhà mạng cho biết: “Nếu tin nhắn từ đầu số dịch vụ thì dễ dàng ngăn chặn hoặc có cách để quản lý, còn từ đầu số thuê bao thông thường, không thể nào ngăn chặn được vì đó là quyền và ý thức của người sử dụng”. Kỹ sư Thanh Bình - chuyên về thiết kế phần mềm cho điện thoại di động giải thích: “Hệ thống kiểm soát tin nhắn của các tổng đài điện thoại di động có lưu lại nội dung tin nhắn nhưng không thể có phần mềm nào lọc được nội dung mang tính tích cực hay tiêu cực. Chỉ khi nào chủ sở hữu đầu số bị quấy rối, yêu cầu nhà mạng chặn tin nhắn từ đầu số quấy rối, chỉ cần vài thao tác đơn giản sẽ chặn được ngay”. Còn theo kinh nghiệm của anh Hoàng (ở Q3), khi về nhà, chuyển cuộc gọi vào nhóm “danh sách trắng” là những thuê bao của người thân. Điều đó đồng nghĩa, những thuê bao ngoài danh sách hạn chế đó sẽ không gọi được. Nhưng theo anh Hoàng, thao tác chuyển rất phức tạp và phải nhớ chuyển lại danh sách bình thường khi đến cơ quan. Ai bảo có điện thoại di động là đã sướng?